Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Siết cho vay bất động sản: Ngân hàng lên tiếng
Hà Tâm - 07/05/2022 08:15
 
Nhiều doanh nghiệp và cá nhân mua nhà than thở khó tiếp cận tín dụng, song thực tế, tín dụng bất động sản 3 tháng đầu năm vẫn tăng mạnh.

Các ngân hàng TMCP cho biết, vẫn đẩy mạnh cho vay bất động sản dù việc thẩm định chặt chẽ hơn.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục siết chặt cho vay lĩnh vực rủi ro, trong đó có bất động sản. Ảnh: Đức Thanh

Tín dụng bất động sản phình to, ngân hàng khẳng định tiếp tục cho vay

Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay bất động sản, song quy mô cho vay lĩnh vực này vẫn liên tục phình to.

Báo cáo của NHNN cho thấy, tính đến ngày 31/3/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 784.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm ngoái và tăng gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống. Bên cạnh đó, tín dụng cho vay mua nhà, sửa nhà cũng tiếp tục tăng mạnh, đưa tổng dư nợ cho vay bất động sản đạt trên 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ cho vay của toàn nền kinh tế.  

Mặc dù tháng 4/2022, một số ngân hàng tuyên bố phải tạm ngừng cho vay bất động sản, song việc siết tín dụng chỉ diễn ra ở một số ngân hàng đã kín hạn mức. Trong khi đó, nhiều ngân hàng TMCP cho hay, vẫn còn nhiều dư địa mở rộng cho vay và sẽ tăng cường cho vay lĩnh vực này thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc ABBank, một số ngân hàng phải tạm ngừng cho vay bất động sản do cho vay quá nhiều trong thời gian qua. ABBank không bị rơi vào trường hợp này do tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản tại Ngân hàng còn thấp (cho vay kinh doanh bất động sản chiếm 6% tổng dư nợ, cho vay nhà ở chiếm 17% tổng dư nợ).

“Chỉ số cho vay bất động sản được NHNN giám sát rất chặt. Chúng tôi được NHNN đánh giá tốt việc kiểm soát cho vay bất động sản, không nằm trong nhóm bị cảnh báo và sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay thời gian tới do vẫn còn dư địa”, ông Quân cho biết.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho rằng, siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản khi thị trường này tăng trưởng nóng là điều cần thiết. Tuy nhiên, bất động sản đã, đang và sẽ là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là với hệ thống ngân hàng thương mại. Nhu cầu mua nhà để ở của người dân là nhu cầu chính đáng và không bị siết.

Theo ông Vinh, với VPBank, bất động sản đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu cho vay và tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh thời gian tới. Song Ngân hàng chỉ đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu ở thực, tiếp tục kiểm soát tín dụng bất động sản nghỉ dưỡng và đầu cơ.

“Hiện cho vay kinh doanh bất động sản chiếm chưa tới 10% tổng dư nợ, cho vay cá nhân mua nhà chiếm 40% tổng dư nợ tín dụng bán lẻ của VPBank. Bản chất của bất động sản là nhu cầu thiết yếu, nên thời gian tới, Ngân hàng sẽ tiếp tục coi trọng lĩnh vực này”, ông Vinh cho biết.     

Tính đến 31/3/2022, tổng dư nợ cho vay bất động sản chiếm khoảng 20% tổng dư nợ cho vay của toàn nền kinh tế, trong đó nhiều hợp đồng đã đến kỳ đáo hạn.

Siết chọn lọc để lành mạnh hóa, tránh đổ vỡ dây chuyền

Tính đến ngày 25/4, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 6,75%. Trong bối cảnh sản xuất bắt đầu phục hồi, nhiều chuyên gia cho rằng, một lượng lớn tín dụng quý I/2021 chảy vào bất động sản. Thực tế, cho vay bất động sản của nhiều ngân hàng đã chiếm tới 30-70% tổng dư nợ cho vay, tiềm ẩn nhiều rủi ro vì thị trường, sau một thời gian tăng trưởng nóng, đang có dấu hiệu giảm thanh khoản.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho hay, dù không tạm dừng cho vay bất động sản, song ngân hàng có xu hướng thẩm định chặt chẽ hơn, chọn lọc hơn. Khẳng định kiểm soát tín dụng bất động sản là cần thiết, song ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các ngân hàng chỉ dừng cho vay phân khúc đầu cơ, vẫn cho vay với người dân có nhu cầu mua nhà ở thật, các dự án tốt. 

Trước đó, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, năm 2022, NHNN tiếp tục siết chặt cho vay lĩnh vực rủi ro, trong đó có bất động sản. Tuy vậy, NHNN chỉ hạn chế dòng tiền vào những phân khúc đầu cơ, rủi ro của những dự án lớn, còn các dự án phục vụ nhu cầu ở thực của người dân, dự án nhà ở xã hội, thì NHNN vẫn khuyến khích cho vay.

Mặc dù không phải ngân hàng nào cũng ngừng giải ngân bất động sản, song tác động từ chính sách siết tín dụng bất động sản nói chung (gồm cả trái phiếu doanh nghiệp) đang khiến thanh khoản thị trường bất động sản chững lại. Nếu ngân hàng siết mạnh tay hơn trong khi trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sắp bị thắt chặt, doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn kép, có thể sẽ gây đổ vỡ dây chuyền.

Vì vậy, trong bối cảnh nguồn vốn bị hạn chế như hiện nay, giới chuyên gia khuyến nghị, chính sách tín dụng bất động sản phải hết sức thận trọng. Đồng thời, doanh nghiệp bất động sản phải chọn lọc các dự án và tính toán lại dòng tiền, tập trung vốn vào các dự án khả thi, huy động vốn từ cổ đông, nhà đầu tư chiến lược, người mua…, thay vì phụ thuộc quá lớn vào vốn ngân hàng.

Tín dụng bất động sản là lĩnh vực béo bở mà không ngân hàng nào muốn mất thị phần, do lợi nhuận cao, tài sản đảm bảo tốt. Hơn nữa, cho vay mua nhà phục vụ nhu cầu ở thực cũng không bị NHNN hạn chế (trừ ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao và tỷ lệ cho vay bất động sản quá lớn).
Ngân hàng vẫn mạnh tay cho vay bất động sản
Bất chấp dịch Covid-19, nhu cầu vay của khối doanh nghiệp bất động sản lẫn khách hàng cá nhân đều tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Điều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư