
-
Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng tiếp nhận tàu trọng tải đến 160.000 DWT giảm tải
-
Long An ký kết 3 thỏa thuận hợp tác đầu tư với các đối tác Nhật Bản
-
Đề xuất phương án thanh toán cho 2 dự án BT giao thông tại Thái Nguyên
-
TP.HCM chuẩn bị thực hiện thêm 2 dự án TOD dọc tuyến metro số 2
-
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Cơ hội để Hải Phòng bứt phá -
Kosy đề xuất đầu tư khu đô thị 257 ha tại Bình Chánh, TP.HCM
![]() |
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng phấn đấu hoàn thành chậm nhất là năm 2030 |
Tiến độ triển khai gấp
Chỉ một tháng rưỡi sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, vào cuối tuần trước, Bộ Xây dựng có Tờ trình số 11/TTr - BXD gửi Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 187/2025/QH15 của Quốc hội về chủ trương Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Cùng với việc kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai Dự án, Bộ Xây dựng còn đề xuất cho phép các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công trình này được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có quy mô lớn; phạm vi trải dài, áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới, tích hợp nhiều chuyên ngành, thời gian thực hiện ngắn và là dự án đường sắt điện khí hóa triển khai đầu tiên tại Việt Nam trong điều kiện nguồn nhân lực đường sắt còn mỏng, yếu và thiếu; trình độ phát triển công nghiệp đường sắt trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu; quá trình triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Dự án có tổng chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km, các tuyến nhánh khoảng 27,9 km; điểm đầu tại vị trí nối ray biên giới Việt - Trung, kết thúc tại khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), đi qua 9 tỉnh/thành phố; giai đoạn I đầu tư đường đơn, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô đường đôi với tổng mức đầu tư 8,369 tỷ USD.
Tiến độ thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành Dự án chậm nhất vào năm 2030.
Dự án được áp dụng 18 chính sách đặc thù, đặc biệt để huy động tối đa các nguồn lực, rút ngắn thời gian thực hiện, phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện, hỗ trợ phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
Cụ thể, theo yêu cầu của Quốc hội, thời gian thực hiện Dự án chỉ khoảng 5 năm, trong khi trên thế giới, các dự án tương tự có thời gian chuẩn bị khoảng 36 tháng và thời gian thi công từ 36 đến 48 tháng.
Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan để triển khai thực hiện Dự án còn chưa đầy đủ. Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ hướng dẫn các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để thực hiện Dự án.
“Do vậy, Chính phủ cần ban hành Nghị quyết để chỉ đạo, phân công các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, gắn với các mốc thời gian hoàn thành cụ thể với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả” thì mới có thể đáp ứng được tiến độ yêu cầu; đồng thời, làm cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giám sát, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ”, lãnh đạo Bộ Xây dựng nói.
Trên cơ sở 18 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt được Quốc hội cho phép áp dụng để thực hiện Dự án, Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội được Bộ Xây dựng đề xuất chia thành 3 nhóm: xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (áp dụng tương tự Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam); triển khai thực hiện Dự án; triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) tại các ga đường sắt.
Trong số các chính sách cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện và sẽ áp dụng chung cho cả đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị, đáng chú ý là Nghị định quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt.
Bên cạnh đó, còn có quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.
Quyết định này sẽ sử dụng chung cho cả Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Dự án Đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM.
Theo Bộ Xây dựng, các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên cần sớm được ban hành thì mới đủ cơ sở thực hiện các công việc liên quan. Theo quy trình thông thường, thời gian xây dựng mỗi Nghị định tối thiểu khoảng 6 tháng.
“Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ cho phép các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn để đáp ứng tiến độ yêu cầu”, Tờ trình số 11/TTr - BXD nêu rõ.
Rõ người, rõ việc
Một nội dung rất quan trọng trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 187/2025/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là việc Bộ Xây dựng đề xuất phân vai rất rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật tổng thể, thẩm tra... theo hình thức chỉ định thầu và có văn bản đề nghị phía Trung Quốc giới thiệu nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây dựng, tổng thầu đồng thời với quá trình lập dự án.
Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) sẽ phê duyệt đề cương, dự toán các gói thầu liên quan (tư vấn, xây lắp…) để làm cơ sở chỉ định thầu; trong quá trình triển khai, giá trị thanh, quyết toán sẽ được các cơ quan có thẩm quyền rà soát, điều chỉnh (nếu có) theo thực tế thực hiện và đảm bảo tuân thủ quy định.
Đơn vị này sẽ thực hiện chỉ định thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật tổng thể (liên danh nhà thầu tư vấn trong nước và tư vấn Trung Quốc), tư vấn thẩm tra (liên danh nhà thầu tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài) đồng thời với quá trình lập dự án.
Tại Tờ trình số 11/TTr - BXD, Bộ Xây dựng kiến nghị UBND 9 tỉnh/thành phố có tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua khẩn trương triển khai xây dựng khu tái định cư cho Dự án trên cơ sở hồ sơ thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời chủ trì, tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên cơ sở hồ sơ từng phần trong phương án giải phóng mặt bằng do Ban Quản lý dự án đường sắt bàn giao.
Trong giai đoạn trước mắt, UBND các tỉnh, thành phố chủ động ứng trước vốn ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Dự án.
Về tiến độ thực hiện, Bộ Xây dựng đề xuất thực hiện các thủ tục chỉ định thầu liên danh tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật tổng thể trong tháng 4/2025; hoàn thành công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các công việc liên quan trong tháng 7/2025; Hội đồng Thẩm định nhà nước sẽ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trong tháng 8/2025; đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn với Chính phủ Trung Quốc trong tháng 11/2025.
Sau khi được phê duyệt, Dự án sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu giai đoạn thực hiện dự án, ký kết hợp đồng và đảm bảo các điều kiện để khởi công xây dựng trong tháng 12/2025; triển khai thi công xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị, phấn đấu hoàn thành Dự án chậm nhất vào năm 2030.
Liên quan đến trách nhiệm của các địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ giao UBND 9 tỉnh, thành phố lập, phê duyệt dự án xây dựng các khu tái định cư, đảm bảo tổ chức khởi công đồng loạt trong năm 2025.
Các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện, hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, di dời công trình đường điện bị ảnh hưởng bởi Dự án từ tháng 4/2025 đến tháng 9/2026.
Theo Bộ Xây dựng, các mốc tiến độ này được lập theo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tuy nhiên, Dự án phải có tính đồng bộ, hệ thống, công nghệ cao, nhiều cơ chế chính sách lần đầu áp dụng, nên cần có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng và có những vấn đề có thể chưa lường hết.
Để đáp ứng được tiến độ này, cần sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đồng thời một số yêu cầu về kỹ thuật cần có những đơn vị tổng thầu có kinh nghiệm.
“Trong quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng sẽ nỗ lực, quyết tâm cao nhất, trường hợp xuất hiện khó khăn, vướng mắc, sẽ báo cáo Chính phủ để điều chỉnh tiến độ một số hạng mục như kéo dài thời gian nghiên cứu, nhưng rút ngắn thời gian thi công, đảm bảo mục tiêu quan trọng nhất là hoàn thành vào năm 2030 với chất lượng cao”, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết.

-
Hà Nội đầu tư hơn 63 tỷ đồng cải tạo Nhà tập luyện và thi đấu bắn súng
-
Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng tiếp nhận tàu trọng tải đến 160.000 DWT giảm tải
-
Long An ký kết 3 thỏa thuận hợp tác đầu tư với các đối tác Nhật Bản
-
Đề xuất phương án thanh toán cho 2 dự án BT giao thông tại Thái Nguyên
-
TP.HCM chuẩn bị thực hiện thêm 2 dự án TOD dọc tuyến metro số 2 -
Hà Nội đẩy nhanh tiến độ khởi công, xây dựng 43 cụm công nghiệp -
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Cơ hội để Hải Phòng bứt phá -
Kosy đề xuất đầu tư khu đô thị 257 ha tại Bình Chánh, TP.HCM -
TP.HCM giao đầu mối thực hiện 7 tuyến đường sắt đô thị -
Thủ tướng yêu cầu rà soát, báo cáo các dự án đầu tư tồn đọng kéo dài -
Phê duyệt Dự án PPP cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương trị giá 17.718 tỷ đồng
-
Hé lộ nhà tư vấn chiến lược đằng sau nhiều thương vụ IPO thành công tại Mỹ
-
Đánh thức giác quan, chạm tới đỉnh cao sống sang tại Kepler Tower
-
Herbalife Việt Nam tham gia tài trợ Giải vô địch quốc gia marathon Tiền Phong năm thứ năm liên tiếp
-
Bất động sản cửa ngõ Bắc Sài Gòn sôi động nhờ hạ tầng và thông tin sáp nhập
-
Công bố Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 ngành Logistics
-
Vietnam Airlines khai trương đường bay thẳng đến sân bay lớn nhất thế giới Đại Hưng