Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
“Siêu” dự án vành đai 3 TP.HCM: Tạo hàng loạt cơ chế chưa có tiền lệ
Anh Minh - 16/04/2022 09:20
 
Hàng loạt cơ chế chưa có tiền lệ đã được Chính phủ đề xuất để triển khai nhanh, gọn Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM có tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng.
Bình đồ hướng tuyến vành đai 3 TP.HCM

Dồn lực ngân sách

Theo thông tin của Báo Đầu tư, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ký Tờ trình số 116/TTr-CP đề nghị Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM. Đây là một trong 2 công trình xây dựng đường vành đai đô thị lớn nhất Việt Nam vừa được cấp có thẩm quyền chọn đưa vào danh mục các dự án được ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công để có thể hoàn thành dứt điểm trong 3-4 năm tới.

Trước đó, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đã được sự đồng thuận cao của Hội đồng Thẩm định Nhà nước cũng như các thành viên Chính phủ. Theo đề xuất của Chính phủ, Dự án có tổng chiều dài 76,34 km, trong đó đoạn qua địa bàn TP.HCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,81 km.

Dự án sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh bề rộng từ 63-120 m; thực hiện đầu tư phân kỳ với quy mô phân kỳ 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80 km/h với bề rộng mặt cắt ngang là 19,75 m; các yếu tố hình học được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Ngoài việc đầu tư chính tuyến đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, Dự án còn xây dựng phần đường song hành 2 bên qua đô thị, khu dân cư (bố trí không liên tục) theo quy mô từ 2 đến 3 làn xe. Tổng diện tích đất chiếm dụng của Dự án khoảng 642,7 ha, trong đó đất trồng lúa 70,24 ha, đất nông nghiệp khác 103,52 ha, đất rừng sản xuất 16,82 ha, đất dân cư 64,1 ha, đất trồng cây lâu năm 229,62 ha, đất khác 158,4 ha.

Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn I) khoảng 75.378 tỷ đồng, bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 41.589 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị là 25.945 tỷ đồng; phần còn lại là dự phòng, chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác.

Với quy mô đầu tư như trên, Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM chính là công trình giao thông đường bộ lớn nhất từng được triển khai tại khu vực Đông Nam bộ.

Do tuyến trải dài qua nhiều địa phương, nên Chính phủ kiến nghị chia Dự án thành 8 dự án thành phần; tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Liên quan đến nguồn vốn đầu tư, theo đề xuất của Chính phủ, ngoài phần vốn ngân sách trung ương tham gia Dự án trị giá 38.741 tỷ đồng, 4 địa phương có tuyến đường đi qua sẽ góp 36.637 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.

“UBND TP.HCM và UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã báo cáo HĐND tỉnh/thành phố ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương triển khai Dự án và cam kết bảo đảm cân đối, bố trí vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án thành phần trên địa phận các địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Sẽ tổ chức thu phí hoàn vốn

Để có đủ nguồn lực triển khai và đảm bảo công trình trọng điểm này cơ bản hoàn thành vào năm 2025, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội một loạt cơ chế, chính sách đặc thù. Cụ thể, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021 - 2025); thực hiện điều chuyển số vốn 17.146 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông - Vận tải về các địa phương để triển khai Dự án.

Đồng thời, Chính phủ kiến nghị cho phép sử dụng linh hoạt vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương để thực hiện Dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp cơ cấu nguồn vốn, tiến độ thực hiện Dự án. Các địa phương cam kết bố trí ngân sách địa phương cho phần vốn phát sinh tăng thêm trong trường hợp có điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án thành phần.

Sau khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, sẽ tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn đầu tư Dự án cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương tương ứng theo tỷ lệ nguồn vốn đầu tư. Chính phủ tổ chức thực hiện xây dựng phương án, tổ chức thu hồi vốn đầu tư Dự án để hoàn trả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Khác với Dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội triển khai theo hình thức hỗn hợp giữa đầu tư công và hợp tác công tư (PPP), toàn bộ tuyến vành đai 3 TP.HCM sẽ được triển khai bằng vốn đầu tư công. Vì vậy, để có đủ nguồn lực, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu để các địa phương vay đáp ứng nhu cầu thực hiện, giải ngân cho các Dự án trong giai đoạn 2024-2025. Các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu của ngân sách địa phương để hoàn trả ngân sách trung ương trong giai đoạn 2026-2030, bao gồm cả nguồn thu từ khai thác quỹ đất hai bên đường dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án thành phần; các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định tại khoản này đến khi hoàn thành dự án. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

“Hiện áp lực giao thông đối với khu vực TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ rất lớn, nên đây là những cơ chế cần thiết để có thể tạo sự chủ động cho Chính phủ triển khai nhanh gọn tuyến vành đai 3 TP.HCM mà lẽ ra phải đóng mạch từ 5 - 10 năm trước”, ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng (Bộ Xây dựng) đánh giá.

Xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM: Phải chặt chẽ trong khâu chỉ định thầu
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM cần cơ chế, chính sách đặc thù để hoàn thành vào năm 2026 như kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư