Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 06 tháng 11 năm 2024,
Siêu ủy ban và những cuộc “chuyển giao máu thịt”
Khánh An - 14/11/2018 08:20
 
Tính tới thời điểm này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã nhận bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 14 trong tổng số 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Cuộc chuyển giao máu thịt

Hết tuần này, thời hạn không quá 45 ngày, tính từ ngày 29/9/2018, mà Nghị định 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) xác định cho việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ kết thúc.

Năm tổng công ty thuộc Bộ Giao thông - Vận tải đã được chuyển giao quyền sở hữu vốn nhà nước sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Doãn Tuấn
Năm tổng công ty thuộc Bộ Giao thông - Vận tải đã được chuyển giao quyền sở hữu vốn nhà nước sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Doãn Tuấn

Nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không kịp hoàn tất thủ tục bàn giao hồ sơ quản lý của 5 tập đoàn, tổng công ty là Cao su Việt Nam, Cà phê Việt Nam, Lương thực miền Bắc, Lương thực miền Nam và Lâm nghiệp Việt Nam trong các ngày còn lại của tuần này, thì những nỗ lực dồn dập bàn giao 6 DN của Bộ Công thương, 1 DN của Bộ Tài chính, 5 DN của Bộ Giao thông - Vận tải và 2 DN của Bộ Thông tin và Truyền thông trong ngày cuối của tuần trước và ngày đầu tiên của tuần này dù rất có ý nghĩa, cũng chưa đủ tạo thế “đầu xuôi, đuôi lọt” cho “siêu ủy ban” bắt tay thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tất nhiên, đây mới là phần việc mang nặng tính hành chính và kỹ thuật, bởi nguyên tắc bàn giao đã được xác định rõ là bàn giao nguyên trạng, đóng gói hồ sơ, nhưng chắc chắn không đơn giản. Thứ nhất, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 DN này là hơn 820.000 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản của DN gần 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương gần 50% giá trị vốn nhà nước và tài sản của khu vực DN nhà nước.

Thứ hai, hàng loạt dự án, kế hoạch của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước này đang trong giai đoạn tái cơ cấu dở dang, phải xử lý, nhiều dự án chậm trễ, kém hiệu quả... 

Đặc biệt, sự tồn tại lịch sử các các DN nhà nước dưới trướng các bộ, ngành đã khiến mọi cuộc chia tay trở nên khó khăn. Bộ trưởng Bộ Thông tin  và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng gọi VNPT và MobiFone là có “gắn bó lịch sử” với ngành thông tin và truyền thông. Còn Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, ông Nguyễn Văn Thể gọi 5 DN vừa chuyển giao sang Ủy ban là “máu thịt” của ngành giao thông - vận tải...

Nhưng dù vậy, bất cứ sự chậm trễ nào trong chuyển giao có thể khiến những lấn cấn trong tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước trong các DN của các bộ, ngành và của chính các DN nhà nước còn kéo dài.

... và những bảng phân vai còn chưa rõ

Có mặt trong lễ bàn giao DN của Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Thông tin và Truyền thông về Ủy ban, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhắc rất chi tiết 5 nội dung của vai trò quản lý nhà nước mà các bộ, ngành phải tuân thủ theo Điều 8, Luật Quản lý, đầu tư và sử dụng vốn nhà nước tại DN.

Đó là ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN; xây dựng chiến lược đầu tư phát triển DN theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành; xây dựng, lưu giữ các thông tin cơ bản về DN; theo dõi, giám sát hoạt động của DN; ban hành danh mục, phương thức quản lý tài chính, chính sách ưu đãi đối với sản phẩm, dịch vụ công ích trong từng thời kỳ và giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước tại DN; giải quyết khiếu nại, tố cáo; khen thưởng và xử lý vi phạm.

“Việc tách DN ra khỏi các bộ, ngành không phải là để giảm nhẹ công việc, mà là để các bộ, ngành làm tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Nhưng đây chính là một trong những phần việc vô cùng khó khăn tới đây. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhắc tới tồn tại do lịch sử, hệ thống pháp luật trong một thời gian dài không phân định rõ ràng đâu là chức năng đại diện chủ sở hữu của DN nhà nước và đâu là chức năng quản lý nhà nước. Hệ lụy là tư duy của người thực thi cũng trong tình trạng không phân định được chính xác nhiệm vụ nào là ở vai quản lý nhà nước, nhiệm vụ nào trong vai đại diện chủ sở hữu.

Việc tách doanh nghiệp ra khỏi các bộ, ngành không phải là để giảm nhẹ công việc, mà là để các bộ, ngành làm tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình.

Cũng phải nói thêm, quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban tại Nghị định 131/2018/NĐ-CP thay thế các quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Nhưng chính điều lệ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn đang quy định chi tiết thẩm quyền các các bộ có liên quan, như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư..., bên cạnh cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước là các bộ quản lý ngành.

“Trong một số văn bản pháp luật về đầu tư, ngân sách nhà nước vẫn còn quy định ranh giới không rõ ràng giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu, nên việc quyết định phần việc này của ai trở nên khó khăn. Vào lúc này, việc rà soát các văn bản quy định để làm rõ chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu cần phải làm ngay”, ông Hiếu đề xuất.

Đặc biệt, bảng phân vai rõ ràng sẽ khiến các DN trong danh sách chuyển giao xóa bỏ được những băn khoăn về việc “một cổ nhiều tròng” trong quản lý DN, để thúc đẩy Ủy ban nhanh chóng vào việc.

Hơn thế, việc kiện toàn bộ máy, nhân sự của Ủy ban cũng đang được đề nghị đẩy mạnh. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu trước mắt hoàn tất số nhân sự được giao là 50 người, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phân giao chỉ tiêu trên cơ sở mà Ủy ban đã trình, để hoàn thành việc này trong năm 2019.

“Phải sớm kiện toàn bộ máy lãnh đạo, cấp vụ và các chuyên viên, chuyên gia đủ trình độ, đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý khối tài sản lớn của nhà nước. Quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả quản lý vẫn là con người”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Hơn 5 tỷ USD vốn nhà nước tại SCIC được bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước
Sáng 12/11, Bộ Tài chính tổ chức Lễ bàn giao doanh nghiệp do Bộ Tài chính làm đại diện chủ sở hữu là Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư