Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Sóc Trăng đầu tư nâng cao giá trị nông sản
Trúc Giang - 18/11/2015 09:33
 
Nhằm nâng cao giá trị cho hàng hóa nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân, tỉnh Sóc Trăng đang đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp theo hướng chất lượng và hiệu quả cao.

Sóc Trăng là tỉnh nằm ở vùng hạ lưu sông Hậu, có 4 tuyến quốc lộ đi qua gồm: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 60, Quốc lộ Nam Sông Hậu và Quản Lộ - Phụng Hiệp. Thế mạnh chủ yếu của tỉnh là sản xuất nông nghiệp - thủy sản. Trong nông nghiệp, lúa là cây trồng chủ lực của tỉnh Sóc Trăng, với diện tích gieo sạ hàng năm trên 360.000 ha, năng suất bình quân trên 6 tấn/ha, sản lượng lúa bình quân hàng năm đạt trên 2 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa đặc sản là 0,70 triệu tấn, sản lượng lúa hàng hóa là 1,36 triệu tấn.

Sóc Trăng nằm trong số các tỉnh có sản lượng lúa cao nhất cả nước. Đặc biệt, địa phương này có 2 nhóm đặc sản chủ lực về lúa là giống lúa tài nguyên mùa và giống lúa thơm ST cho gạo thơm ngon nổi tiếng, có giá trị xuất khẩu cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh (thứ hai từ trái sang) thăm cánh đồng mẫu ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng)
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh (thứ hai từ trái sang) thăm cánh đồng mẫu ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng)

Với chiều dài bờ biển khoảng 72 km, có 3 cửa sông lớn là: Trần Đề, Định An và Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng có điều kiện để phát triển nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh có diện tích nuôi thủy sản là 68.418 ha, tập trung ở thị xã Vĩnh Châu và các huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề, Cù Lao Dung (nuôi tôm); huyện Kế Sách và Long Phú (nuôi cá tra).

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng là tỉnh có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất (hơn 30.000 ha). Sản lượng thủy sản của tỉnh là 206.725 tấn, trong đó sản lượng khai thác là 58.383 tấn, sản lượng nuôi trồng là 148.342 tấn; giá trị xuất khẩu hàng thủy sản là 610 triệu USD. Hệ thống nhà máy chế biến thủy sản có quy mô và công nghệ hàng đầu cả nước, với 8 doanh nghiệp chế biến thủy sản, tổng công suất trên 90.000 tấn thành phẩm/năm, đặc biệt tôm đông là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh

Loại cây màu đặc sản của tỉnh Sóc Trăng là hành tím. Đây là loại cây trồng truyền thống được bà con nông dân canh tác qua nhiều đời, chủ yếu tập trung ở thị xã Vĩnh Châu, với diện tích 7.900 ha, sản lượng 146.000 tấn, năng suất bình quân 18,5 tấn/ha, được trồng theo tiêu chuẩn Global GAP. Trong thời gian qua, ngoài thị trường tiêu thụ rộng khắp trong cả nước, củ hành tím Sóc Trăng đã được xuất khẩu sang Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Indonesia…

Cây ăn trái cũng là thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng, với các loại cây trồng phổ biến là bưởi, cam, xoài, nhãn, chuối…, tổng diện tích trồng 22.466 ha, sản lượng trên 198.000 tấn. Một loại cây trồng nữa được xem là chủ lực và có diện tích lớn ở Sóc Trăng là cây mía, với diện tích khoảng 13.000 ha, năng suất trên 100 tấn/ha, sản lượng 1.404.860 tấn, được trồng nhiều ở huyện Cù Lao Dung và Mỹ Tú.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngoài các loài gia súc, gia cầm truyền thống như: gà, vịt, heo, trâu, bò (thịt)…, tỉnh Sóc Trăng đang phát triển mạnh nghề chăn nuôi bò sữa. Tổng đàn bò sữa trong tỉnh năm 2014 là 6.161 con (dự kiến đến năm 2020 là 21.800 con), sản lượng sữa tươi bình quân năm 2014 là 8.110 tấn (dự kiến đạt 25.000 tấn vào năm 2020), năng suất sữa bình quân là 4.500 kg/con/chu kỳ. Trong thời gian tới, dự kiến Sóc Trăng sẽ phát triển chăn nuôi bò sữa ở những vùng có điều kiện như: tuyến Nam sông Hậu (nối dài từ Trần Đề - Long Phú - Kế Sách), tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp…

Nhằm nâng cao giá trị cho hàng hóa nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân, tỉnh Sóc Trăng đang đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp theo hướng chất lượng và hiệu quả cao, tập trung nuôi trồng thủy sản (giống, môi trường, đầu ra), mô hình cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hóa trong nông nghiệp, nhất là khâu thu hoạch và tồn trữ.

Với nguồn nguyên liệu nông - thủy sản dồi dào, chủng loại cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng, Sóc Trăng có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp chế biến hàng nông sản, thực phẩm. Tỉnh đang có nhu cầu mời gọi đầu tư vào lĩnh vực: chế biến và xuất khẩu gạo; xây dựng chợ đầu mối thủy sản, trại sản xuất giống thủy sản, chế biến thủy sản xuất khẩu; bảo quản sau thu hoạch và chế biến hành tím xuất khẩu; nhà máy chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ trái cây; đầu tư trang trại chăn nuôi, khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, nhà máy chế biến thức ăn gia súc và nhà máy chế biến sữa…

Sóc Trăng tập trung khai thác tiềm năng du lịch
Với nỗ lực đầu tư cho du lịch, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch văn hóa - lễ hội gắn với du lịch sinh thái, Sóc Trăng chủ trương phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư