Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Sóng bán tháo châu Á nhấn chìm Nikkei 225
Lê Quân - 26/02/2021 21:02
 
Các chỉ số chứng khoán lớn tại châu Á - Thái Bình Dương giảm sâu trong ngày giao dịch 26/2 sau khi Phố Wall đêm qua "đỏ lửa" vì lợi suất trái phiếu tăng lên.
Trong ngày giao dịch 26/2, chỉ số Nikkei 225 trượt sâu nhất trong số các chỉ số chứng khoán lớn tại châu Á. Ảnh tư liệu: AFP
Trong ngày giao dịch 26/2, chỉ số Nikkei 225 trượt sâu nhất trong các chỉ số chứng khoán lớn tại châu Á. Ảnh tư liệu: AFP

"Đỏ lửa" vì lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm sâu nhất trong các chỉ số chứng khoán lớn tại châu Á sau khi để mất 3,99% và đóng cửa còn 28.966,01 điểm, trong khi chỉ số Topix trượt 3,21% xuống 1.864,49 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc trượt 2,8% xuống 3.012,95 điểm.

Trên thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng kết thúc ngày giao dịch 26/2 với mức giảm 3,64% xuống 28.980,21 điểm. Sắc đỏ cũng bao phủ chứng khoán Trung Quốc đại lục. Chỉ số Shanghai Composite để mất 2,12% còn 3.509,08 điểm, trong khi Shenzhen Component giảm 2,167% xuống 14.507,45 điểm.

Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng "đỏ lửa" và để mất 2,35% còn 6.673,30 điểm. Tính chung lại, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm tới 3,29%.

Giới đầu tư châu Á đang dõi theo biến động của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm trong ngày giao dịch 25/2 chạm mức cao nhất hơn 1 năm qua khi đạt ngưỡng 1,6%.

"Lợi suất trái phiếu đang tăng vì nhà đầu tư lạc quan. Họ tin rằng sự phục hồi mạnh mẽ đang cận kề và mức giá sẽ tăng lên khi nhu cầu tăng trở lại", bà Kathy Lien, Giám đốc điều hành Bộ phận chiến lược ngoại hối tại Quỹ quản lý tài sản BK Asset Management bình luận.

Sự lạc quan của nhà đầu tư về triển vọng phục hồi kinh tế gần đây đã tăng lên nhờ các yếu tố thuận lợi như diễn biến tích cực trong phát triển vaccine Covid-19 khi nhiều nền kinh tế lớn đã tiêm chủng cho người dân trên diện rộng.

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Quỹ quản lý tài sản Destination Wealth Management, ông Michael Yoshikami "không lấy làm ngạc nhiên" khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức 1,5 - 1,6%.

"Tôi nghĩ nếu (lạm phát) đã bắt đầu vượt quá mức 2 và 2,5 (%), chúng ta bắt đầu lo lắng. Nhưng thành thật mà nói, hiện nay tôi không thấy áp lực lạm phát trong nền kinh tế Mỹ, ngay cả khi triển khai gói kích thích kinh tế sắp tới", ông Yoshikami nói.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã hạ nhiệt theo giờ giao dịch châu Á vào chiều 26/2. Cụ thể, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm về mức 1,4719%, còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm đứng ở mức 2,2636%. Tuy nhiên, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ biến động ngược chiều so với giá.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, lợi suất trái phiếu Australia kỳ hạn 10 năm sụt giảm còn 1,834% sau khi đạt ngưỡng 1,973%. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm cũng giảm xuống 0,156%. Trước đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm cán mốc 0,181% - mức cao nhất kể từ đầu năm 2016, theo FactSet.

Cổ phiếu công nghệ rớt mạnh

Cổ phiếu công nghệ tiếp tục vào tầm ngắm của giới đầu tư châu Á trong ngày giao dịch 26/2. Cổ phiếu của các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong đồng loạt giảm mạnh. Đặc biệt, cổ phiếu Tencent giảm 4,19%, trong khi cổ phiếu của Xiaomi, Alibaba, và Meituan lần lượt trượt dốc 5,77%, 4,52%, và 8,21%. Chỉ số công nghệ Hang Seng Tech cũng "bay hơi" 5,71% xuống 8.954,44 điểm.

Cổ phiếu của Tập đoàn công nghệ SoftBank (Nhật Bản) cũng lao dốc 4,53% trong ngày giao dịch 26/2, còn tại Hàn Quốc, cổ phiếu Samsung Electronics giảm 3,28%. Cổ phiếu công nghệ tại châu Á rớt mạnh sau khi chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite (Mỹ) đóng cửa mất 3,52% còn 13.119,43 điểm sau đợt bán tháo lớn nhất kể từ ngày giao dịch 28/10/2020.

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones "bay hơi" 559,85 điểm và đóng cửa ở mức 31.402,01 điểm, còn S&P 500 trượt 2,45% xuống 3.829,34 điểm.

Trên thị trường tiền tệ, đồng bạc xanh đã mạnh lên. Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tăng lên 90,465, từ mức dưới 90 ghi nhận đầu tuần. Đồng yên Nhật Bản được trượt giá và quy đổi 106,04 JPY/USD, so với mức dưới 105,6 JPY/USD hồi đầu tuần, còn đô la Australia cũng suy yếu xuống mức 1 AUD đổi 0,7836 USD.

Dầu mỏ giao dịch theo giờ châu Á trượt giá vào chiều 26/2. Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 1,05% xuống 66,18 USD/thùng, còn giá dầu thô giao sau của Mỹ trượt sâu hơn 1,2% xuống 62,77 USD/thùng.

Chứng khoán Việt Nam có phiên giảm mạnh
Lần đầu tiên từ sau Tết, chỉ số VN-Index điều chỉnh mạnh, có thời điểm rơi 23 điểm. Sắc đỏ thắng thế không riêng tại Việt Nam, chỉ số...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư