Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 12 năm 2024,
Sông Đà gặp khó với Dự án BOT hầm Đèo Ngang
Anh Minh - 09/11/2018 09:20
 
Tổng công ty Sông Đà - CTCP đang đứng trước nguy cơ phải hoàn trả gần 50 tỷ đồng số tiền thu phí vượt từ Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Ngang.

Không mở rộng hầm

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có văn bản chính thức bác đề xuất của Tổng công ty Sông Đà về việc tiếp tục thực hiện hạng mục mở rộng hầm đường bộ Đèo Ngang (đang khai thác 1 ống hầm) bằng hình thức BOT. Theo bộ này, phương án mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang do Tổng công ty Sông Đà đề xuất theo hình thức BOT chưa phù hợp với Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Do lưu lượng giao thông thực tế qua Trạm thu phí Đèo Ngang tăng cao so với dự kiến, nên kết thúc thu phí khoảng tháng 4/2015. Ảnh: Anh Minh
Do lưu lượng giao thông thực tế qua Trạm thu phí Đèo Ngang tăng cao so với dự kiến, nên kết thúc thu phí khoảng tháng 4/2015. Ảnh: Anh Minh

Cụ thể, trong Công văn số 12353/BGTVT - ĐTCT gửi Tổng công ty Sông Đà vào giữa tuần trước, Bộ GTVT cho biết, tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 (Nghị quyết 437), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo: “Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu”.

Do vậy, Bộ GTVT khẳng định, trường hợp triển khai mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang theo hình thức BOT như đề xuất của Tổng công ty Sông Đà là chưa phù hợp với Nghị quyết số 437. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đang thực hiện Dự án Xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua Đèo Con bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ.

“Dự kiến sau khi tuyến tránh Đèo Con hoàn thành, đưa vào khai thác, hành lang vận tải Bắc Nam qua khu vực Đèo Ngang sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định.

Trước đó, vào tháng 9/2018, Tổng công ty Sông Đà đã có Văn bản số 793/TCT - CTCP đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nhà đầu tư này được tiếp tục triển khai đầu tư bổ sung hạng mục mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang - Quốc lộ 1, nối 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Theo nhà đầu tư này, năm 2015, hạng mục mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung từ 2 làn xe thành 4 làn xe vào quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và đồng ý bổ sung vào Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Ngang theo hình thức BOT. Bộ GTVT đã quyết định phê duyệt đầu tư bổ sung hạng mục mở rộng hầm Đèo Ngang vào Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Ngang trên Quốc lộ 1 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư 621,4 tỷ đồng và đã ký thỏa thuận với nhà đầu tư.

“Mặc dù Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Ngang đã tạm dừng từ đầu năm 2017, nhưng Tổng công ty Sông Đà vẫn phải duy trì một bộ phận lao động để thực hiện quản lý, duy tu, bảo trì và đảm bảo giao thông tại hầm đường bộ qua Đèo Ngang và bộ máy quản lý dự án để sẵn sàng triển khai thực hiện đầu tư mở rộng hầm trong trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép”, ông Trần Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Sông Đà cho biết.

Hoàn lại phí “thu lố”

Cần phải nói thêm rằng, việc không triển khai mở rộng hầm đường bộ Đèo Ngang không chỉ khiến Tổng công ty Sông Đà mất cơ hội đầu tư, mà còn khiến doanh nghiệp này đứng trước nguy cơ phải hoàn trả khoảng 50 tỷ đồng số tiền thu phí vượt từ Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Ngang.

Được biết, trong quá trình thực hiện hợp đồng Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Ngang, do lưu lượng giao thông thực tế qua trạm thu phí Đèo Ngang tăng cao so với dự kiến trong hợp đồng (khoảng 112%/năm), đồng thời, giá trị quyết toán giảm so với tổng mức đầu tư (132 tỷ đồng/150 tỷ đồng), nên thời gian thu phí hoàn vốn được rút ngắn khoảng 7 năm 10 tháng so với hợp đồng, kết thúc thu phí khoảng tháng 4/2015.

Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại để nhà đầu tư “thu lố” đến đầu tháng 12/2016. Sự việc hy hữu này chỉ được phát hiện khi Bộ GTVT tiến hành thanh tra Dự án vào tháng 11/2016 (tại thời điểm này, số thu vượt quy định hợp đồng BOT đã gần 70 tỷ đồng).

Điểm “gỡ” duy nhất cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng công ty Sông Đà là trong thời gian này, nhà đầu tư đang báo cáo các cơ quan về chủ trương thực hiện giai đoạn II (mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang) và tại Văn bản số 159/TTg - KTN ngày 27/1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý vẫn giữ trạm thu phí Đèo Ngang để hoàn vốn cho giai đoạn II, nên chưa thực hiện việc dừng thu phí tại trạm Đèo Ngang.

Trong văn bản kiến nghị tạm dừng đầu tư mở rộng hầm Đèo Ngang vào tháng 5/2017, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng kinh phí thu vượt để thanh toán một số chi phí đã thực hiện đối với hạng mục mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang mà Tổng công ty Sông Đà đã chi với kinh phí khoảng 16,58 tỷ đồng; phần còn lại, nộp vào tài khoản ngân sách nhà nước.

“Số tiền mà Tổng công ty Sông Đà phải hoàn trả cho ngân sách nhà nước sẽ được chuẩn xác lại sau khi Bộ GTVT và nhà đầu tư thống nhất giá trị quyết toán Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Ngang”, một lãnh đạo Vụ PPP (Bộ GTVT) cho biết.

Tổng Công ty Sông Đà đề xuất mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang
UBND tỉnh Quảng Bình ủng hộ Tổng Công ty Sông Đà nghiên cứu đầu tư mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang theo hình thức BOT, tuy nhiên tỉnh cũng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư