Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Sốt ruột với hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa giải ngân
Nguyên Vũ - 15/05/2020 10:11
 
Phần lớn các khoản thu đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, trong khi giải ngân vốn đầu tư phát triển rất chậm, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội lo cả thu và chi đều gặp khó khăn.
.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo (Ảnh: QK)

Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/5, về thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2019 còn chậm và có xu hướng chậm dần trong những năm gần đây .

Cơ quan thẩm tra vấn đề ngân sách nhấn mạnh, số vốn đầu tư trong kế hoạch năm 2019 chưa giải ngân còn lại khá lớn (128.960 tỷ đồng), nhất là vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Đến hết ngày 31/01/2020, vốn ngoài nước mới giải ngân được 37,3% dự toán.

Ủy ban thẩm tra đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong vấn đề này.

Vấn đề khác cũng được cơ quan thẩm tra nhấn mạnh là tỷ trọng chi giáo dục - đào tạo, chi khoa học - công nghệ vẫn còn thấp, chưa đảm bảo định hướng về mức chi ngân sách theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội. Việc giao vốn chi sự nghiệp, chi đầu tư phát triển cho một số Chương trình Mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương chưa kịp thời, còn giao nhiều đợt. Việc hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho người dân do dịch tả lợn châu Phi ở nhiều địa phương còn rất chậm.

7/12 khoản giảm thu 

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu ngân sách thực hiện 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 32,5% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, phần lớn các khoản thu đều giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, 7/12 khoản thu giảm so với cùng kỳ năm 2019. Thu nội địa giảm 3,7%, thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 19% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng thu từ dầu thô tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2019.         

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, các biện pháp ưu đãi về thuế của Chính phủ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19… là rất cần thiết, nhưng cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới số thu ngân sách trong 4 tháng đầu năm 2020.

Về chi ngân sách 4 tháng đầu năm 2020, cơ quan "gác cửa" ngân sách của Quốc hội thêm một lần bày tỏ sự sốt ruột khi mà vẫn còn nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân vốn đầu tư phát triển rất chậm .

Do vậy, đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đi đôi với tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, thực hiện quyết liệt việc cắt giảm vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhưng thiếu vốn.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, do khả năng giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2020 là khó khăn, nên đề nghị Chính phủ chú trọng chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn này hơn là tốc độ giải ngân. Theo ý kiến khác, trong điều kiện hụt thu ngân sách nhà nước năm 2020 là khó tránh khỏi, đề nghị Chính phủ rà soát lại dự toán đã giao để cân đối đủ nguồn và bố trí vốn phù hợp cho các dự án để bảo đảm tính khả thi.

Đề cập nhiệm vụ những tháng cuối năm, Ủy ban Tài chính - ngân sách nêu rõ, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2020 như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra là không khả thi. Đồng thời, dự kiến hụt thu ngân sách năm 2020 khá lớn (khoảng 130.000 - 150.000 tỷ đồng) trong khi nhu cầu chi tăng cao để ứng phó dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn, cân đối ngân sách bị ảnh hưởng rất lớn.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương bám sát dự toán ngân sách năm 2020 để chủ động có phương án điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế sát với thực tế hơn, tạo cơ sở để tính toán, dự báo các chỉ tiêu kinh tế, tài chính ngân sách tương ứng với tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở đó kiểm soát có hiệu quả những nhiệm vụ chi cần thiết.

Lưu ý tiếp theo từ cơ quan thẩm tra  là thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, kết hợp với chính sách tiền tệ để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội. Thúc đẩy giao vốn và giải ngân vốn đầu tư phát triển, kịp thời điều chỉnh, điều chuyển vốn đầu tư phát triển theo quy định của  Luật Đầu tư công năm 2019.

Năm mũi giáp công nhằm hồi phục kinh tế: Giải ngân đầu tư công là “cửa” sáng nhất
Trong 5 mũi giáp công để hồi phục nền kinh tế theo mô hình chữ V mà Thủ tướng Chính phủ chỉ ra, giải ngân đầu tư công là “cửa” sáng nhất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư