Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
S&P/ASX 200 “bay hơi” gần 10%, cổ phiếu ANZ hụt hơi
Lê Quân - 16/03/2020 15:02
 
Chứng khoán châu Á tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần 16/3 khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất khẩn cấp về 0% và kích hoạt chương trình nới lỏng định lượng.
Chứng khoán Australia “rực lửa” với chỉ số S&P/ASX 200 mất 9,7%. Ảnh: AFP
Chứng khoán Australia “rực lửa” với chỉ số S&P/ASX 200 mất 9,7%. Ảnh: AFP

Chứng khoán Australia “rực lửa” khi chỉ số S&P/ASX 200 dẫn đầu làn sóng giảm điểm của khu vực với mức sụt giảm 9,7%, còn chỉ số riêng biệt tài chính lặn sâu hơn 11,1% do nhóm cổ phiếu ngân hàng lao dốc. Cổ phiếu tập đoàn ngân hàng ANZ trượt dốc sâu nhất trong nhóm 4 “đại gia” ngân hàng khi "bốc hơi" 12,5%, theo sau là cổ phiếu Ngân hàng Quốc gia Australia rớt 12,44%, Westpac (11,81%) và ngân hàng Commonwealth (10,01%).

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng lặn sâu 3,44% trong phiên chiều nay, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng “đỏ lửa” với chỉ số Shanghai Composite giảm 2,4%, còn chỉ số Shenzhen Composite trượt 3,559%.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 mất 2,46% còn 17.002,04, còn chỉ số Topix tăng 2,01%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 3,18% trong khi chỉ số Straits Times của Singapore giảm 3,73%. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) lặn sâu 4,51%.

Nhà đầu tư đang theo sát phản ứng thị trường trước động thái cắt giảm lãi suất khẩn cấp của Fed. Lãi suất cơ bản mà Fed vừa điều từ mức 1-1,25% xuống còn 0-0,25% là mức tham chiếu cho hoạt động cho vay của các tổ chức tài chính.

“Đây (động thái cắt giảm lãi suất của Fed) không phải là cú hích mà là hành động ngăn thị trường sụp đổ”, Daniel Gerard, chuyên gia phân tích tài sản tại công ty tư vấn tài chính State Street Global Markets bình luận. Theo chuyên gia này, mục đích của động thái trên là Fed muốn ngăn chặn khủng hoảng.

“Các thị trường có thể cho rằng phản ứng của Fed giống sự hoảng loạn, ăn sâu vào nỗi sợ hãi bởi số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tăng đột biến, khiến các quốc gia thắt chặt kiểm soát biên giới”, Vishnu Varathan, trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho nói.

Sau động thái của Fed, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sáng nay công bố các biện pháp như mua lại các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và các quỹ đầu tư bất động sản của Nhật Bản để thúc đẩy các hoạt động kinh tế - tài chính. Thường được xem là đồng tiền trú ẩn an toàn giữa những biến động kinh tế, đồng yên Nhật Bản lên giá và giao dịch ở mức 107,48 JPY/USD.

Trung Quốc hôm nay 16/2 công bố tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị của nước này trong tháng 2 tăng lên 6,2%, đây là mức cao nhất dựa theo dữ liệu của công ty dữ liệu tài chính Wind Information. Tỷ lệ thất nghiệp tại 31 thành phố lớn của Trung Quốc trong tháng 2 là 5,7%, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu tư tài sản cố định tại Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2020 giảm 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đầu tư vào hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi rớt thẳng đứng 31,5% còn đầu tư vào công nghệ cao giảm 17,9%.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tăng mạnh từ mức 96 thiết lập tuần trước lên 98,117. Đô la Australia mất giá và trao tay ở mức 1 AUD đổi 0,6157 USD.

“Dịch” bán tháo chứng khoán lan rộng sang châu Á
Chứng khoán châu Á cùng hợp đồng tương lai S&P 500 rủ nhau lao dốc trong phiên giao dịch cuối tuần 13/3 sau khi chứng khoán phố Wall đêm qua có phiên giao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư