Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Start-up cần làm gì để tránh "hố đen" sau gọi vốn?
Nguyễn Phương - 01/09/2017 08:21
 
Chia sẻ của các chuyên gia và kinh nghiệm thực tế của những người thành công, giúp start-up tránh được “hố đen” sau gọi vốn.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Tình trạng start-up sẩy chân sau gọi vốn diễn ra khá nhiều. Một vụ việc tiêu biểu gần đây là The KAfe của Đào Chi Anh, dù đã gọi vốn được 5 triệu USD, nhưng chỉ sau hơn 1 năm, chuỗi cửa hàng ẩm thực Á - Âu đã phải đóng cửa toàn bộ hệ thống.

Trên thực tế, việc start-up “gãy gánh” không chỉ có ở Việt Nam. Theo ông ILLi Adry, chuyên gia Israel, ở Israel, mỗi năm có 1.000 công ty ra đời, nhưng trong số đó có tới 60-90% sẽ phá sản.

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia start-up thành công đưa ra những lưu ý sau:

Phải có khách hàng

Theo anh Trần Vinh Quang (Công ty Appota), một start-up đã thành công, cho biết, nhiều start-up “sẩy chân” ngay sau vòng gọi vốn vì không lường trước những bế tắc, khủng hoảng bất ngờ trong kinh doanh, đặc biệt trong phát triển sản phẩm, định hướng thị trường, quy mô…

“Chính vì vậy, ưu tiên số 1 là trạng thái sinh tồn, lúc nào cũng phải đặt câu hỏi sinh tồn lên trước. Để làm được điều đó, tôi luôn đề cao yếu tố khách hàng”, anh Trần Vinh Quang chia sẻ.

Cùng quan điểm với anh Quang, ông Arun Kant, CEO Công ty đầu tư Leonie Hill Capital (Singapore) đưa ra lời khuyên: “Start-up hãy tìm thị trường và xác định khách hàng của mình là ai? Làm sao để kiếm tiền từ khách hàng? Khi trả lời được những câu hỏi này, bạn sẽ thành công”.

Kỷ luật tài chính

Ng Saikit, Giám đốc Captii Ventures (Malaysia) cho rằng, một trong những điều start-up cần tránh để không rơi vào “hố đen” là phải có kỷ luật tài chính. Start-up phải đặt ra những quy định về tài chính rõ ràng, kiểm soát dòng vốn cẩn thận, từ báo cáo tài chính đến từng khoản chi tiêu nhỏ trong công ty, vì điều đó là vô cùng cần thiết.

Còn đối với CEO, phải quản lý được dòng tiền của mình, không nên để người khác quản lý thay. Phải luôn nhớ, trong bất kỳ tình huống nào, bạn luôn là “người phản biện”, thay vì để người khác là người nói thay.

Giữ “lửa” trong nhân viên

Theo chia sẻ của ông Arun Kant, một trong những việc cần thiết để tránh “lỡ bước” sau gọi vốn và duy trì phát triển là giữ chân người giỏi và giữ “lửa” cống hiến trong nhân viên.

Để làm được điều này, start-up phải thực hiện nhiều chính sách, như dành phần thưởng không chỉ cho quản lý, mà cho cả nhân viên khi hoạt động của doanh nghiệp đạt kết quả tốt.

Đồng quan điểm về cách làm này, anh Quang cũng chia sẻ cách giữ “lửa” trong nhân viên của mình là “cùng gánh vác và cùng chia sẻ”. “Chúng tôi đã cùng nhau ăn rất nhiều mì tôm và uống sữa Ông Thọ. Tuy vậy, chúng tôi cũng có rất nhiều buổi tiệc tùng để giữ lửa”, anh Quang nói.

Cách gọi vốn từ các mạnh thường quân
Trong các cuộc làm việc với giới start-up, câu hỏi chúng tôi nhận được nhiều nhất là làm thế nào để gọi vốn từ các mạnh thường quân? Trả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư