Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Sự lệch pha với thế giới và tấm đệm đỡ cho nền kinh tế Việt Nam
Minh Nhung - 26/03/2022 19:11
 
Thế giới đang có những bất ổn khó lường. Việt Nam khó tránh ảnh hưởng, dù đã có những chính sách ứng phó. Tuy nhiên, cần nhận diện sự lệch pha với thế giới, dù có tấm đệm đỡ.
Ảnh minh họa

Thế giới bất ổn khó lường

Diễn biến trên thế giới thời gian qua có 5 điểm đáng quan tâm, đó là bất ổn lớn, trên diện rộng, liên tiếp, trong thời gian khá dài và khó lường.

“Bất ổn lớn” với đại dịch Covid-19 với nhiều biến thể; tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, ở nhiều nền kinh tế có tình trạng suy thoái; lạm phát cao, ở nhiều nền kinh tế còn ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ; cuộc chiến Nga - Ukraine làm cho các bất ổn trên tăng thêm và kéo theo nhiều bất ổn khác.

“Trên diện rộng” khi các bất ổn này diễn ra hầu khắp trên thế giới và tác động tới hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

“Liên tiếp” vì bất ổn này chưa kết thúc đã tiếp nối, đan xen với bất ổn khác và gây ra các tác động cộng hưởng.

“Thời gian khá dài” vì bắt đầu từ năm 2020, tính đến nay đã hơn 2 năm.

“Khó lường” vì chưa biết đến khi nào các bất ổn trên sẽ kết thúc.

Việt Nam khó tránh ảnh hưởng

Với nền kinh tế mở cửa, hội nhập, có độ mở lớn, những bất ổn trên thế giới chắc chắn sẽ tác động đến Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã có biện pháp ứng phó. Việc ứng phó của Việt Nam có một số điểm đáng lưu ý.

Thứ nhất, Việt Nam thường bị tác động chậm hơn nhiều nước. Chẳng hạn, trong lần này, Việt Nam là một trong số ít nước có tăng trưởng GDP dương, trong khi tăng trưởng kinh tế của nhiều nước mang dấu âm; lạm phát thuộc loại thấp; giá USD giảm... Tỷ trọng kinh tế thực lớn, trong đó nông nghiệp, nông thôn đã phát huy vai trò làm bệ đỡ mỗi khi đất nước bị ảnh hưởng của những biến động từ bên ngoài...

Thứ hai, Việt Nam thường bị ảnh hưởng lâu hơn, tức là thoát khỏi các biến động chậm hơn các nước. Chẳng hạn trong lần này, trong khi tăng trưởng GDP của các nước từ chỗ mang dấu âm (giảm) năm 2020 đã chuyển nhanh sang tăng trưởng dương trong năm 2021 ở mức khá (Philippines chuyển từ giảm 9,5% sang tăng 5,1%, Malaysia từ giảm 6,5% sang tăng 3,8%, Thái Lan từ giảm 6,1% sang tăng trên 1%, Singapore từ giảm 5,4% sang tăng 6,9%), thì mức tăng trưởng của Việt Nam khá khiêm tốn (từ tăng 2,91% lên tăng 2,58%).

Thứ ba, trước biến động từ bên ngoài ảnh hưởng đến trong nước, Việt Nam đã có chính sách ứng phó. Tuy nhiên, có thể có sự lệch pha về chính sách ứng phó với thế giới, dù có đệm đỡ.

Sự lệch pha và đệm đỡ

Nhiều nước đã đưa ra chính sách nới lỏng với liều lượng rất lớn. Đó là hạ lãi suất cơ bản rất nhanh xuống mức gần bằng 0% và đưa ra các gói kích thích kinh tế, tiêu dùng lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD. Về thời gian, chính sách được đưa ra khá sớm và kéo dài. Trong khi đó, Việt Nam chưa nới lỏng chính sách, có chăng chỉ tăng đầu tư công.

Khi tăng trưởng cao lên, thất nghiệp thấp xuống, nhưng lạm phát tăng mạnh, nhiều nước đã chuyển sang chính sách thắt chặt. Chẳng hạn, Mỹ tăng lãi suất, dự kiến năm 2022 sẽ có 3-4 đợt, mỗi đợt 0,25%; giảm mua vào trái phiếu; giảm nắm giữ trái phiếu kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp. Trong khi đó, Việt Nam đã đưa ra việc nới lỏng chính sách tài khóa - tiền tệ, với quy mô gần 350.000 tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm 2022-2023.

Tuy việc nới lỏng này của Việt Nam là cần thiết để phòng chống Covid-19, thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP..., nhưng đã lệch pha với nhiều nước trên thế giới và chắc chắn có nhiều hiệu ứng phụ.

Nói đến sự lệch pha giữa chính sách ở trong nước với chính sách của nhiều nước là bao hàm 2 nội dung chủ yếu.

Một là, sự phù hợp với yêu cầu và thực tế của đất nước sau 2 năm bị bào mòn bởi đại dịch Covid-19, với khát vọng thực hiện các mục tiêu đến năm 2025, 2030, 2045.

Hai là, hiệu ứng phụ của chính sách nới lỏng có được các tấm đệm đỡ. Tấm đệm đỡ hiệu ứng phụ của sự nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam được biểu hiện ở nhiều mặt. Trước hết là kết quả bước đầu về kinh tế trong 2 tháng đầu năm, như nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế; tăng trưởng công nghiệp cao lên; xuất khẩu tăng trưởng tốt…

Đệm đỡ quan trọng nữa là dự trữ ngoại hối đã tăng khá trong mấy năm qua, đã vượt qua ranh giới an toàn tài chính khi vượt qua 3 tháng nhập khẩu và vượt số nợ ngắn hạn nước ngoài.

Mở cửa du lịch, cần quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ hơn
Việt Nam đã mở cửa toàn bộ du lịch từ ngày 15/3. Các đại sứ Việt Nam tại nước ngoài và doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ cần đầu tư chuyên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư