Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 27 tháng 08 năm 2024,
Sửa Luật Chứng khoán: Siết chặt hơn để bảo vệ nhà đầu tư
Thanh Thủy - 27/08/2024 08:45
 
Sau nửa thập kỷ được ban hành, Luật Chứng khoán được Bộ Tài chính lên kế hoạch sửa đổi trong Dự án Luật sửa đổi một số điều của 7 luật.

Thêm lớp bảo vệ nhà đầu tư

Một trong các nội dung được chú trọng sửa đổi nhiều nhất của Luật Chứng khoán là các quy định nhằm đảm bảo minh bạch thông tin về giao dịch và các “hàng hóa” trên sàn, qua đó bổ sung nhiều lớp bảo vệ các nhà đầu tư. Trong đó, có thêm quy định cụ thể trách nhiệm các chủ thể là tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ hoặc tham gia quá trình lập hồ sơ, tài liệu báo cáo, nhằm tăng cường chất lượng của thông tin cung cấp cho nhà đầu tư.

Dự luật cũng đưa việc mua - bán chui cổ phần của cổ đông nội bộ vào nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể, giao dịch của người nội bộ công ty đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng sẽ bị cấm.

Đồng thời, luật hóa quy định về hành vi thao túng thị trường chứng khoán từ Nghị định 156/2020/NĐ-CP. Các hành vi cụ thể được nêu như mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự...

Các tiêu chuẩn để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng được bổ sung với yêu cầu phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 2 năm với tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất. Điều kiện về thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm phải được duy trì trong 2 năm gần nhất.

Lý giải về thay đổi này, ông Hoàng Văn Thu, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc điều chỉnh tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp trong Luật Chứng khoán là rất cấp bách. Do đó, cần nâng cao chất lượng nhà đầu tư, đặc biệt là về khả năng đánh giá rủi ro và hiểu biết về doanh nghiệp.

Tuy vậy, Dự luật cũng bổ sung quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp gồm nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài, giúp mở rộng hơn phạm vi nhóm nhà đầu tư này.

Trái chiều về mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP)

Tại lần sửa đổi Luật Chứng khoán này, một trong sửa đổi đáng chú ý liên quan đến điểm a, khoản 4, Điều 56 về thành viên của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam ( VSDC) theo hướng làm rõ ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được làm thành viên bù trừ cả trên thị trường phái sinh và thị trường chứng khoán cơ sở.

Theo đại diện Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo dự án luật này, trong quá trình xây dựng Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, Nghị định số 158/2020/NĐ-CP, quan điểm thống nhất liên quan đến thành viên bù trừ là thành viên bù trừ (bao gồm công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán trên cả thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh.

Riêng đối với thành viên bù trừ là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khi thực hiện bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán phái sinh, chỉ được thực hiện cho chính ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.

“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai để áp dụng cơ chế CCP, đã có các cách hiểu khác nhau giữa lĩnh vực ngân hàng và lĩnh vực chứng khoán về việc có cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được làm thành viên bù trừ trên thị trường chứng khoán cơ sở hay không”, cơ quan soạn thảo cho hay.

Đây là lý do khiến việc sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 56 là cần thiết để có cách hiểu thống nhất. Qua đó, cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch trên cả thị trường cơ sở và phái sinh.

Tuy nhiên, tại cuộc họp thẩm định đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật do Bộ Tư pháp chủ trì, phía Ngân hàng Nhà nước đề nghị quy định ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ thực hiện bù trừ trên thị trường chứng khoán phái sinh. Nguyên nhân là, nếu tham gia bù trừ trên cả thị trường cơ sở, sẽ tạo nhiều rủi ro trong quan hệ giữa các ngân hàng và gây ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của ngân hàng.

Thực tế, một trong hai vướng mắc lớn nhất trong quyết định nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi của FTSE Russell liên quan đến hoạt động thanh toán bù trừ, việc chuyển giao đối ứng thanh toán và việc xử lý khi gặp các giao dịch thất bại. Giải pháp cho các yêu cầu này là áp dụng mô hình CCP.

Cũng chính vì mô hình này chưa thể triển khai do phải điều chỉnh quy định về hoạt động của ngân hàng lưu ký, giải pháp được đưa ra hiện nay là các công ty chứng khoán sẽ thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (NPS).

Tuy nhiên, về dài hạn, vẫn cần xử lý vướng mắc này hoàn chỉnh theo con đường CCP để VSDC trở thành bên mua của mọi bên bán và bên bán của mọi bên mua. Mấu chốt của việc này, theo ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VSDC, cần hoàn chỉnh về pháp luật để ngân hàng có thể là thành viên bù trừ trực tiếp trên thị trường cơ sở.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCK Nhà nước: Luật chứng khoán sửa đổi sẽ yêu cầu doanh nghiệp sau IPO phải niêm yết
Phát biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức với sự tham gia của 500 đại diện doanh nghiệp, quỹ đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư