Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Sức hút lớn của thị trường thiết bị bảo hộ cá nhân
Trúc Vân - 24/06/2021 20:32
 
Việt Nam đang dần trở thành một trung tâm sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) khi nhiều nhà sản xuất tăng cường năng lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao.
Các doanh nghiệp trong cuộc cho rằng, nhu cầu về PPE toàn cầu có thể sẽ cao từ nay đến cuối năm 2021.

Thị trường tiềm năng lộ diện

Theo nghiên cứu mới nhất của Công ty Tài chính quốc tế (IFC), năng lực sản xuất PPE của Việt Nam đã tăng gấp 6 lần so với năm 2020. Việt Nam đang dần trở thành một trung tâm sản xuất PPE của thế giới.

PPE gồm nhiều danh mục như khẩu trang, thiết bị bảo vệ đầu và mặt, thiết bị bảo vệ thính giác, kính bảo hộ, quần áo bảo hộ…

Thị trường PPE trước kia chủ yếu là đồ bảo hộ lao động phục vụ công nhân các ngành công nghiệp nặng (dầu khí, điện lực, cơ khí…), trong lĩnh vực tiêu dùng chỉ chủ yếu là găng tay để phục vụ chế biến thực phẩm... Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi từ khi bùng phát Covid-19 vào đầu năm 2020, khi nhu cầu thiết bị bảo hộ y tế tăng cao.

Theo Jeounghoon (Jacky) Kang, Giám đốc 3M Việt Nam, nhu cầu tăng cao về PPE tại Việt Nam gần đây cho thấy, bên cạnh dịch bệnh, thì người dân cũng đã có ý thức hơn về sức khỏe và an toàn. Bởi vậy, tiềm năng của thị trường PPE Việt Nam là rất lớn.

Hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước

Năm 2020, Công ty TNHH Top Glove đã công bố kế hoạch phát triển nhà máy sản xuất găng tay đầu tiên ở Việt Nam tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương), với vốn đầu tư giai đoạn I khoảng 70 triệu USD, công suất khoảng 4,8 tỷ găng tay/năm.

Chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích và hỗ trợ một số công ty Nhật Bản đầu tư, mở rộng sản xuất thiết bị y tế, khẩu trang và quần áo bảo hộ lao động tại Việt Nam. Tập đoàn Matsuoka, nhà sản xuất quần áo của Nhật Bản, có kế hoạch đầu tư 3 tỷ yên (28 triệu USD) để sản xuất quần áo bảo hộ tại Công ty TNHH May An Nam Matsouka - đơn vị sản xuất của tập đoàn này ở Việt Nam.

Các công ty khác cũng được Chính phủ Nhật Bản trợ cấp để mở rộng sản xuất PPE tại Việt Nam như Tập đoàn Nitto Denko, chuyên sản xuất nguyên liệu cho khẩu trang N95; Công ty TNHH Shingoshu, chuyên sản xuất PPE và vải nguyên liệu; Công ty TNHH Showa, chuyên sản xuất khẩu trang y tế; Công ty Able Yamauchi, chuyên may quần áo bảo hộ y tế.

Không chỉ doanh nghiệp nước ngoài, một số doanh nghiệp trong nước cũng xác định mở rộng đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này. Theo ông Filippo Bortoletti, Giám đốc cấp cao của Bộ phận Kinh doanh quốc tế tại Công ty Dezan Shira & Associates, khi các nhà cung cấp truyền thống phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao đến từ mọi quốc gia trên toàn thế giới, thì các nhà sản xuất dệt may Việt Nam đã tận dụng chuyên môn và năng lực để sản xuất PPE khi đơn hàng giảm năm 2020.

Cũng theo ông Filippo Bortoletti, ban đầu, các nhà sản xuất PPE nhắm vào thị trường nội địa do các hạn chế về xuất khẩu. Nhưng khi các hạn chế đó được gỡ bỏ vào tháng 3/2020, PPE sản xuất tại Việt Nam bắt đầu được lưu hành trên toàn thế giới.

Giữa bối cảnh Trung Quốc và Mỹ - hai quốc gia có số lượng lớn các nhà sản xuất PPE truyền thống - mâu thuẫn gay gắt, Việt Nam đã tận dụng được lợi thế sản xuất PPE cho toàn thế giới. “Lĩnh vực này đang thu hút các nhà đầu tư và điều này sẽ còn tiếp diễn do nhu cầu PPE còn cao. Tôi không cho là dịch Covid-19 sẽ sớm kết thúc cho đến khi phần lớn dân số được tiêm chủng”, ông Filippo Bortoletti phân tích.

Chú ý thị trường chuyên biệt

Các doanh nghiệp trong cuộc cho rằng, nhu cầu về PPE toàn cầu có thể sẽ cao từ nay đến cuối năm 2021. Một số dự báo nhu cầu PPE sẽ tăng ổn định cho đến năm 2025. Tuy nhiên, Covid-19 kết thúc thì cũng không khiến nhu cầu về PPE giảm mạnh, do Chính phủ và người dân có thể nhạy cảm hơn đối với vấn đề bảo vệ sức khỏe.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, nhiều nhà sản xuất dệt may đã linh hoạt chuyển đổi sang sản xuất PPE để giảm thiểu thiệt hại do các đơn hàng may mặc bị hủy. Nhiều công ty đã nhận được đơn hàng lớn xuất khẩu khẩu trang sang Mỹ và châu Âu trong năm 2020. Tuy nhiên, đơn hàng cũng giảm dần trong năm 2021 do các chiến dịch tiêm chủng ở Mỹ và châu Âu khiến tình hình dịch bệnh ở các nước này lắng xuống.

Chuyên gia của Dezan Shira & Associates cho rằng, các nhà sản xuất PPE hiện nay ở Việt Nam cần khảo sát kỹ thị trường, linh hoạt chuyển đổi trạng thái trở lại sản xuất sản phẩm truyền thống khi nhu cầu PPE suy giảm. Tuy nhiên, một thực tế phải nhìn nhận, cuộc khủng hoảng cũng mở ra cơ hội cho một số nhà sản xuất dệt may chuyên sản xuất PPE để tăng cường đầu tư sản phẩm PPE chất lượng cao. Nói cách khác, nếu muốn tiếp tục khai thác trong lĩnh vực PPE, cần chú trọng phát triển đa dạng về thiết kế mẫu mã, phong phú chủng loại mặt hàng, phù hợp với nhu cầu thay đổi của thị trường và quan trọng nhất là xác định sản phẩm chủ lực ở các ngách chuyên biệt trong thị trường bảo hộ lao động cho khối sản xuất - vốn luôn có nhu cầu tăng cao trong bối cảnh kinh tế các nước đang dần phục hồi.

Thu về hơn 1,7 tỷ USD từ xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ
Xuất khẩu một số nhóm hàng như khẩu trang, đồ bảo hộ lao động, bộ đồ y tế.. đã giúp mang về doanh thu 1,73 tỷ USD trong năm 2020, đỡ cho sự sụt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư