Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Việt Nam là nhà cung cấp đồ bảo hộ tin cậy cho thị trường toàn cầu
Thế Hải - 10/06/2021 11:19
 
Năng lực sản xuất đồ bảo hộ (PPE) đã tăng mạnh với sản lượng tăng gấp sáu lần trong năm 2020, đưa Việt Nam thành một trong những nhà cung cấp PPE mới cho thị trường toàn cầu.
IFC cho biết, năng lực sản xuất PPE đã tăng mạnh với sản lượng tăng gấp sáu lần trong năm 2020
IFC cho biết, năng lực sản xuất PPE đã tăng mạnh với sản lượng tăng gấp sáu lần trong năm 2020.

IFC – Thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, cơ quan này đang triển khai các hoạt động hỗ trợ các nhà sản xuất thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, cung cấp các sản phẩm PPE có chất lượng và đáng tin cậy để bảo vệ nhân viên y tế tuyến đầu và giảm lây truyền bệnh trong cộng đồng.

Trước đại dịch chưa từng có, nhu cầu đối với các sản phẩm PPE đảm bảo chất lượng trên toàn cầu, như: khẩu trang, găng tay y tế, kính và giày bảo hộ, mặt nạ phòng độc, bộ đồ bảo hộ, áo khoác và bộ đồ bảo hộ toàn thân đã tăng gấp 3-4 lần giai đoạn 2019-2020.

Một nghiên cứu gần đây được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh (FCDO) chỉ ra rằng, do việc tiêm chủng vaccine quy mô lớn cho toàn bộ dân số toàn cầu không thể hoàn thành ngay trong một khoảng thời gian ngắn, nhu cầu đối với các sản phẩm PPE dự kiến sẽ tiếp tục tăng từ 6-9%/năm tối thiểu cho đến năm 2025.

Theo IFC, năng lực sản xuất PPE đã tăng mạnh với sản lượng tăng gấp sáu lần trong năm 2020 và Việt Nam đã nổi lên là một trong những nhà cung cấp PPE mới cho thị trường toàn cầu. Nguồn cung tăng mạnh này ban đầu xuất phát từ việc các công ty may mặc chuyển hướng sản xuất để đối phó với tình trạng khẩn cấp về y tế cũng như để giảm thiểu các khoản lỗ do các đơn hàng may mặc bị hủy bỏ.

Để ứng phó, trong khuôn khổ Chương trình Tư vấn PPE Toàn cầu do Chính phủ Anh hỗ trợ, tại Việt Nam, IFC đang làm việc với các nhà sản xuất dệt may địa phương thông qua Vitas và các phòng thí nghiệm quốc gia thông qua Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam (STAMEQ). Mục đích là hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của các nhà sản xuất PPE và giảm chi phí bằng cách loại bỏ những gánh nặng không cần thiết liên quan đến tiêu chuẩn PPE và đánh giá hợp chuẩn.

Trong 18 tháng tới, Dự án sẽ hỗ trợ một số nhà sản xuất để mở rộng quy mô sản xuất PPE chất lượng tốt, tiếp cận nguồn cung vật liệu và thiết bị đáng tin cậy, và đạt được tiêu chuẩn quốc tế và chứng nhận về PPE để mở rộng xuất khẩu.

Do đó, việc thúc đẩy sản xuất các sản phẩm PPE tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp tăng khả năng chống chịu của Việt Nam trước đại dịch, mà còn mang lại cơ hội kinh doanh khi chuỗi cung ứng PPE toàn cầu đang được đa dạng hóa mang lại nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất mới ở các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam.

Đầu năm nay, IFC và Chính phủ Anh đã khởi động Chương trình Tư vấn PPE Toàn cầu nhằm tăng cường nguồn cung sản phẩm PPE liên quan đến Covid-19 cho các nước đang phát triển – nằm trong khuôn khổ hành động ứng phó Covid-19 của IFC và thuộc Chương trình Y tế Toàn cầu của IFC. Chương trình y tế toàn cầu được triển khai từ tháng 7/2020 với khoản tài trợ lên tới 4 tỷ USD để cải thiện cơ hội tiếp cận dịch vụ và sản phẩm chăm sóc y tế thiết yếu nhằm đối phó đại dịch ở các nước đang phát triển.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, xuất khẩu một số nhóm hàng như khẩu trang, đồ bảo hộ lao động, bộ đồ y tế.. đã giúp mang về doanh thu 1,73 tỷ USD cho Việt Nam trong năm 2020, đỡ cho sự sụt giảm của nhóm hàng truyền thống.

Riêng nhóm hàng này tăng thêm với giá trị 1,42 tỷ USD so với năm 2019: khẩu trang đạt khoảng 817 triệu USD; đồ bảo hộ lao động đạt 756 triệu USD (tăng 283%, tương đương 559 triệu USD); màn, rèm, thảm đạt 415 triệu USD (tăng 3,7%, tương đương 15 triệu USD); quần áo ngủ đạt 221,9 triệu USD (tăng 12,5%, tương đương 25 triệu USD); quần áo y tế đạt 160,9 triệu USD (tăng 17,5%, tương đương 23 triệu USD).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư