Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tác động không lớn từ việc đồng rúp giảm giá
Đồng rúp Nga mất giá sẽ có tác động nhất định đến một số ngành kinh tế của Việt Nam, song mức độ ảnh hưởng được đánh giá là không nhiều.
.

 

Trong vòng 1 năm qua, đồng rúp Nga đã sụt giảm mạnh. Trong gần 5 tháng đầu năm, đồng rúp hồi phục đôi chút, nhưng trong vòng 3 tháng tiếp theo lại sụt giảm rất mạnh. Tỷ giá hiện tại là 70,8 rúp/USD, giảm 19,68% so với đầu năm và giảm tới 40,9% so với thời điểm 18/5/2015.

Ngày 29/5 năm nay, Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEC), trong đó, đối tác lớn nhất là Nga. Theo Hiệp định, Việt Nam và EAEC sẽ mở cửa thị trường, cắt giảm 90% dòng thuế, liên quan đến khoảng 90% kim ngạch thương mại song phương.

Trong thương mại song phương, Việt Nam có thặng dư với EAEC. Đa số các mặt hàng được giao dịch mang tính chất bổ sung cho nhau, không cạnh tranh. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam là xăng dầu, sắt thép, trong khi các mặt hàng xuất khẩu chính là sản phẩm nông nghiệp (thủy sản, cà phê) và công nghiệp chế biến (dệt may, hàng may mặc, giày dép và đồ gỗ).

Việc đồng rúp mất giá sẽ làm hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn, khiến nhu cầu đối với hàng hóa Việt Nam suy giảm. Quan trọng hơn, sự mất giá của nhiều đồng nội tệ sẽ tạo thêm áp lực đối với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, và các quốc gia châu Á khác giảm giá đồng nội tệ hơn nữa. Kết quả là, cán cân thương mại Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu Việt Nam không thể tiếp tục tham gia cuộc đua phá giá tiền tệ. Ngoài ra, cộng đồng người Việt tại Nga có thể gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh và việc chuyển tiền về nước có thể bị tác động tiêu cực.

Dưới đây là đánh giá về tác động của việc đồng rúp mất giá đến một số lĩnh vực, doanh nghiệp tại Việt Nam.

Với ngành phân bón, Nga là nước cung cấp phân bón lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm khoảng 14% tổng giá trị phân bón nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2015, chỉ sau Trung Quốc với tỷ trọng 45%. Nga là nước sản xuất kali lớn thứ hai trên thế giới. Hiện tại, Việt Nam phải nhập khẩu toàn bộ sản phẩm phân kali, trong đó hầu hết nhập từ Nga. Do vậy, việc đồng rúp mất giá sẽ tác động tích cực đến người tiêu dùng Việt Nam và không tạo ra bất kỳ sự cạnh tranh nào giữa các công ty phân bón trong nước.

Đối với ngành thép, thép Nga nhập khẩu vào Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Việt Nam cũng không phải là thị trường xuất khẩu mục tiêu cho ngành thép của Nga. Hầu hết thép Nga nhập khẩu vào Việt Nam thuộc những loại mà Việt Nam sản xuất ít hoặc hạn chế sản xuất và không phải là mặt hàng thép xây dựng (sản phẩm chính của Tập đoàn Hòa Phát - HPG) hoặc tôn mạ (sản phẩm chính của Tập đoàn Hoa Sen - HSG). Do vậy, sự mất giá của đồng rúp không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

Với ngành thủy sản, sự mất giá của đồng rúp cũng không ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các doanh nghiệp ngành này, do xuất khẩu sang Nga chiếm tỷ trọng khá nhỏ. Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Nga đã sụt giảm đáng kể từ khi các mặt hàng thủy sản Việt Nam bị cấm nhập khẩu vào năm 2013 và Nga không còn nằm trong danh sách 8 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo VASEP, Nga chỉ chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Với CTCP Hùng Vương (HVG), do ảnh hưởng bởi việc áp thuế chống phá giá tại Mỹ và lệnh cấm nhập khẩu cá tra tại Nga năm 2014, công ty này đang tìm kiếm thị trường xuất khẩu tiềm năng khác để giảm thiểu rủi ro về chính sách. Năm 2014, HVG xuất khẩu 11.337 tấn (tương đương 19,7 triệu USD) vào Nga, chiếm 9% tổng doanh thu, giảm 3% so với năm trước đó.

Với CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), nhờ hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá 0% tại Mỹ, xuất khẩu cá tra của VHC vào thị trường này chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất (58%) trong năm 2014. Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai là châu Âu, chiếm tỷ trọng 20% doanh thu. VHC hiện không nằm trong danh sách công ty được xuất khẩu cá tra vào Nga.

 Đối với CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (AGF), thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ. Thị trường Nga và các nước Đông Âu chỉ chiếm 6,15% trên tổng doanh thu xuất khẩu của AGF.

Với CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), thị trường chính xuất khẩu tôm vẫn là Nhật Bản (chiếm 56% doanh thu) và Mỹ (28%). Kể từ tháng 1/2015, doanh thu xuất khẩu tại các thị trường này sụt giảm đáng kể, vì vậy, Công ty đã tìm kiếm thị trường tiềm năng khác như Australia, Hàn Quốc, Đài Loan, Thụy Sĩ. Nga không nằm trong danh sách thị trường tiềm năng của FMC.

Với CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI), Nga cũng không nằm trong danh sách thị trường xuất khẩu. Ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Công ty là Trung Quốc, Mexico và Colombia.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư