Thứ Ba, Ngày 06 tháng 05 năm 2025,
Tác phẩm về công tác biệt phái tăng cường của giáo viên gây ấn tượng mạnh năm 2024
Hưng Anh - 23/11/2024 13:00
 
Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024 kết thúc với 2 giải Nhất. Trong đó, tác phẩm “Phím đàn trầm” viết về công tác biệt phái tăng cường của giáo viên trường THPT Vĩnh Định gây ấn tượng mạnh.

Cuộc thi thu hút hơn 85.000 bài dự thi

Cuộc thi thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” do Bộ GD&ĐT tổ chức, nhằm ghi nhận, tôn vinh những thầy giáo, cô giáo có việc làm, thành tích tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh đối với thầy cô, mái trường.

Hơn 2 tháng tổ chức, Cuộc thi thu hút hơn 85.000 bài dự thi được gửi về từ khắp mọi miền Tổ quốc 

Cuộc thi "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu" được tổ chức lần đầu tiên năm 2018. Năm 2019 và 2020, cả nước đều trải qua khủng hoảng về Covid-19, nhưng cuộc thi vẫn được tổ chức và thành công vang dội.

Năm nay, cuộc thi phát động từ tháng 9/2024, sau 2 tháng đã nhận hơn 85.000 bài dự thi được gửi về trên khắp mọi miền Tổ quốc.

 Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục &Thời đại, Phó trưởng thường trực ban tổ chức cho biết:

Chất lượng các bài dự thi năm nay có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều bài viết rất tâm huyết, để lại cảm xúc sâu sắc. Đặc biệt, xuất hiện nhiều các bài dự thi viết về tập thể. Đây vốn là chủ đề khó viết hay, nhưng tác giả đã thành công với cách khai thác câu chuyện khéo léo trên nền chất liệu thực sự có chất lượng. Nội dung bài dự thi cũng gắn với những vấn đề thời sự, như biệt phái giáo viên, khó khăn do cơn bão Yagi…

Nhiều câu chuyện xúc động được gửi về cho Cuộc thi.

Đó là câu chuyện của một học sinh Tiểu học về người cô giản dị với khuôn mặt phúc hậu và đặc biệt với ánh nhìn nghiêm nghị nhưng chan chứa yêu thương ở Mèo Vạc, Hà Giang - nơi đồng bào dân tộc Mông vẫn còn giữ tục lệ kéo vợ vào những ngày Tết của mình. Cô Minh, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Cán Chu Phìn phải lặn lội đến gia đình đã kéo vợ một học sinh của lớp cô chủ nhiệm để giải cứu học trò.... Đối với tác giả, cô như người mẹ thứ hai, là người truyền cảm hứng trong mỗi bài giảng và truyền dạy những bài học làm người.

Hoàn cảnh học sinh Bùi Nguyễn Linh An khi phải đối mặt với căn bệnh ung thư máu cùng nỗi đau thể xác và tinh thần, cô Huế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền, TP. Kon Tum, đã đến bên động viên, quan tâm, giúp đỡ em và gia đình trong lúc khó khăn. Sự giúp đỡ đấy không chỉ là vật chất mà còn là nguồn sức mạnh vô hình nâng đỡ tinh thần Linh An trong những ngày tháng tối tăm nhất. Câu nói của cô tạo niềm tin rằng em đã có thể vượt qua tất cả: “Linh An ơi, con là một cô bé mạnh mẽ. Cô tin rằng con sẽ vượt qua được tất cả, chỉ cần con không bao giờ từ bỏ niềm tin vào cuộc sống”.

Hay các thầy cô làm công tác biệt phái đã trải qua bao khó khăn, vất vả vẫn quyết tâm, hăng hái lên đường hướng về những học sinh thân yêu...

Tác phẩm về công tác biệt phái tăng cường của giáo viên đạt giải Nhất

Vượt qua hơn 85.000 bài dự thi, tác phẩm mang tên “Phím đàn trầm” của cô giáo Võ Thị Bê, giáo viên Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị và tác phẩm “Trầm tích phù sa” của thầy giáo Nguyễn Bình An, giáo viên Trường THPT Châu Phong, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đạt giải Nhất.

Tác phẩm mang tên “Phím đàn trầm” của cô giáo Võ Thị Bê, giáo viên Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị và tác phẩm “Trầm tích phù sa” của thầy giáo Nguyễn Bình An, giáo viên Trường THPT Châu Phong, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đạt giải Nhất.

Bên cạnh đó còn có 4 giải Nhì, 6 giải Ba và 10 giải Khuyến khích. Ngoài ra, có 4 giải phụ, 2 giải nhân vật tiêu biểu và 2 tập thể có nhiều tác phẩm dự thi, đạt chất lượng tốt.

Xúc động khi được xướng tên ở giải thưởng cao nhất, cô giáo Võ Thị Bê nghẹn ngào: “Đây là lần thứ 2 tôi tham gia cuộc thi và năm nay rất bất ngờ khi được giải Nhất.

Tác phẩm “Phím đàn trầm” tôi viết về những đồng nghiệp của tôi trong 3 năm qua đã thực hiện công tác biệt phái tăng cường bằng tinh thần, trách nhiệm, tự nguyện và cống hiến hết mình cho công việc giáo dục và đào tạo.

Các thầy cô dù chỉ là giáo viên tăng cường nhưng đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh đó là 1 ngày làm thầy thì một đời cống hiến.

Qua tác phẩm này tôi muốn gửi lời biết ơn, trân quý và muốn tri ân dành cho những người thầy giáo, cô giáo đang thực hiện nhiệm vụ biệt phái tăng cường. Đây cũng là vấn đề vô cùng quan trọng của ngành giáo dục hiện nay bởi vấn đề thừa thiếu giáo viên ở các cơ sở đang rất nhiều”, cô Bê trải lòng.

Với tác phẩm “Trầm tích phù sa” của thầy giáo Nguyễn Bình An, giáo viên Trường THPT Châu Phong, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, đồng giải Nhất. Thầy cho biết rất bất ngờ và hạnh phúc khi lần đầu tiên tham gia cuộc thi và đạt giải ở một cuộc thi lớn và uy tín do Bộ GD&ĐT tổ chức. Cơ duyên này đã giúp thầy lần đầu tiên đến với thủ đô Hà Nội nên có rất nhiều điều bất ngờ và hồi hộp.

Ngoài ra, Cuộc thi còn trao 4 giải phụ, 2 giải nhân vật tiêu biểu và 2 tập thể có nhiều tác phẩm dự thi, đạt chất lượng tốt.

Thầy bộc bạch: “Tác phẩm viết về một người thầy sinh ra và lớn lên bên dòng sông Hậu, như những hạt phù sa thầm lặng bồi đắp cho ruộng vườn xanh tốt, người thầy ấy đang từng ngày thầm lặng cống hiến để giúp học sinh tiến bộ và hoàn thiện, chất lượng giáo dục nhà trường từng bước được nâng cao.

Bản thân tôi muốn ca ngợi những nhà giáo tận tâm, trách nhiệm và sáng tạo. Ngoài cơ chế hiệu quả, chương trình giáo dục hay - thì sự tận tâm, trách nhiệm và sáng tạo của những thầy cô giáo cũng là một yếu tố then chốt để sự nghiệp giáo dục đạt được những mục tiêu cao đẹp...", thầy giáo Nguyễn Bình An bày tỏ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư