Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tái cơ cấu: Chấp nhận nghiệt ngã với bản thân
Hà Tâm - 26/10/2013 08:08
 
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra sốt ruột khi lộ trình tái cơ cấu diễn ra quá chậm, song cũng thừa nhận, tái cơ cấu đã mang lại một số hiệu quả nhất định và thúc giục phải chấp nhận nghiệt ngã. >>> Bộ trưởng Thăng: Thay sếp doanh nghiệp không hoàn thành CPH >>> Tạo thể chế cho tái cơ cấu kinh tế >>> Đã xác định thêm một số ngân hàng yếu kém

Cần có ủy ban quốc gia về tái cơ cấu

Đánh giá về quá trình tái cơ cấu kinh tế hai năm vừa qua, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, Chính phủ đã có những nỗ lực lớn trong ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, điều đáng ngại là chúng ta chưa xây dựng được một mô hình tăng trưởng mới.

Vốn đầu tư đã được phân bổ vào các dự án trọng điểm, có hiệu quả kinh tế - xã hội cao. (Ảnh: H.T)

“Trong tái cơ cấu, chúng ta phải tự mổ xẻ, chữa bệnh cho mình, phải nghiệt ngã với bản thân. Muốn vậy, tôi đề nghị phải có một ủy ban quốc gia chuyên về tái cơ cấu và phải có sự tham gia của các ủy ban của Quốc hội, các định chế tư vấn độc lập, các chuyên gia độc lập với quy chế làm việc và quyền hạn nhất định, bắt đầu ngay từ năm 2014”, ông Nghĩa nói.

Đồng tình với ý kiến này, nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra lời cảnh báo của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu với Việt Nam rằng, nếu Việt Nam vẫn giữ mô hình tăng trưởng như hiện nay, kinh tế Việt Nam không những không đi lên mà còn đi xuống.

Do đó, tái cấu trúc kinh tế và đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, đặc biệt đột phá về thể chế có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình triển khai Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng thừa nhận, tiến độ tái cơ cấu kinh tế nói chung và 3 lĩnh vực trọng tâm nói riêng tương đối chậm; các giải pháp thực hiện vẫn trong khuôn khổ hệ thống thể chế hiện hành, chưa có những thay đổi đột phá tạo lập môi trường vi mô năng động thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả; chưa có thay đổi đáng kể về cách thức tăng trưởng; chưa phục hồi được tốc độ tăng trưởng như kế hoạch.

Đã đúng phác đồ điều trị

Mặc dù rất sốt ruột khi lộ trình tái cơ cấu diễn ra còn chậm, song nhiều đại biểu cho rằng, Việt Nam đã đi đúng hướng. “Vấn đề quan trọng là phải tìm được căn nguyên của bệnh và tìm ra được phác đồ điều trị, đồng thời kiên định với phác đồ điều trị đó. Phác đồ điều trị mà chúng ta đang đi theo là đúng, vấn đề còn lại chỉ là liều lượng”, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhận định.

Trong ba trụ cột tái cơ cấu kinh tế, theo các đại biểu Quốc hội, tái cơ cấu đầu tư công có chuyển biến mạnh mẽ nhất. Báo cáo về việc triển khai thực hiện Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế của Ủy ban Kinh tế vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội nhận định, tái cơ cấu đầu tư công thời gian qua đã khiến tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giảm tương đối nhanh, từ mức 54,3% thời kỳ 1999-2000, xuống mức 37,1% trong 9 tháng năm 2013.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, tái cơ cấu đầu tư công là một trong các khâu đi vào cuộc sống và mang lại kết quả rõ nét. Cụ thể, đã giảm đáng kể tỷ trọng đầu tư; việc phân bố vốn đầu tư đã được điều chỉnh, vốn đầu tư đã được phân bố vào các dự án ưu tiên, có hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Bước đầu hoàn thiện cơ chế quản lý đầu tư nhà nước theo hướng tăng cường trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp tỉnh, của chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát trong việc bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình…

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, tái cơ cấu đầu tư công hiện chỉ thực hiện theo Chỉ thị 1792/CT-TTg là giải pháp mang tính chất tình huống. Trong khi đó, các dự án luật được cho là rất cần để hoàn thiện thể chế, nhất là Luật Đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn trong quá trình xây dựng.

Ý kiến - nhận định

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế.
Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM

Nhờ Chỉ thị 1792/CT-TTg, tái cơ cấu đầu tư công thời gian qua đạt được nhiều kết quả tốt. Thời gian tới, tái cơ cấu đầu tư công cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, đặc biệt là cần làm rõ trách nhiệm của những người sẽ triển khai đầu tư công, tránh quy trách nhiệm tập thể, mà phải quy về trách nhiệm cá nhân.
Năm tới, trong bối cảnh bội chi ngân sách và phát hành trái phiếu chính phủ tăng, tôi tin là việc phân bổ vốn sẽ được tiến hành tập trung, hiệu quả. Nếu chúng ta thực hiện tái đầu tư công theo ưu tiên hiệu quả, chống lãng phí, thất thoát, thì đầu tư công sẽ dẫn dắt dòng vốn của nền kinh tế đi theo.

Nâng cao vai trò kiểm soát ngân sách của Quốc hội.
TS. Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP.HCM

Tái cơ cấu đầu tư công thời gian qua đã có nhiều kết quả nhất định, song vẫn còn những vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là việc phân bổ và quản lý ngân sách. Theo đó, công trình nào của Trung ương đầu tư thì Trung ương quản lý, công trình nào làm từ nguồn thu của địa phương thì địa phương phải giám sát.

Đặc biệt, phải nâng cao vai trò kiểm soát ngân sách của Quốc hội, của HĐND các địa phương. Làm đồng bộ như vậy, thì mới có thể nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.n

Tạo thể chế cho tái cơ cấu kinh tế
Giữa tuần này, Quốc hội sẽ bắt đầu buổi thảo luận đầu tiên về kết quả thực hiện Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Với những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư