Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 01 năm 2025,
Tấm chân tâm không vụ lợi
Nguyễn Ngân - 01/05/2023 08:47
 
Nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Hồng (57 tuổi, ngụ tại ấp Rạch Bảy, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) không ngần ngại bán gia sản, sẵn sàng cưu mang gần 90 cụ già neo đơn, trẻ em không nơi nương tựa.
Bà Nguyễn Thị Hồng ân cần thăm hỏi, chia sẻ và chăm sóc các mảnh đời cơ nhỡ tại mái ấm
Bà Nguyễn Thị Hồng ân cần thăm hỏi, chia sẻ và chăm sóc các mảnh đời cơ nhỡ tại mái ấm

Bán gia sản để cưu mang người khốn khổ

Đường xuống Cơ sở trợ giúp xã hội Hòa Hảo, ngụ tại ấp Rạch Bảy, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (còn được người dân gọi thân mật với cái tên Mái ấm cô Hồng) không dễ tìm, cũng không dễ đi. Đường sá khu vực này đang sửa chữa, không có số nhà, người lần đầu đến đây rất dễ bị lạc. Thế nhưng, khi biết khách tìm đến Mái ấm cô Hồng, người dân nhiệt tình dẫn tới tận nơi. “Cứ hỏi Mái ấm cô Hồng thì ở đây ai cũng biết. Cô ấy làm từ thiện, nuôi cả trăm người già mà”, họ nói.

Tới mái ấm vào lúc xế chiều, bà Nguyễn Thị Hồng, chủ cơ sở vừa từ Bệnh viện Y dược Sài Gòn trở về. Khuôn mặt bà toát lên vẻ mệt mỏi vì phải chờ đợi tại Bệnh viện từ 5 giờ sáng. Nguyên nhân là ông Năm, một người già neo đơn được bà Hồng thu nhận, nuôi dưỡng những ngày cuối đời bị trướng bụng, bà phải đưa ông đi khám.

Được biết, những chuyến đi như thế là chuyện thường. Bà Hồng luôn đích thân đưa các cụ đi khám, không giao cho người khác, tránh trường hợp thông tin truyền đạt lại không đúng hay không đủ. “Người già nhiều bệnh, nên các cụ có biểu hiện bất thường là tôi lo, phải đưa đi khám cho chắc ăn”, bà Hồng phân bua.

Tôi làm vì tấm chân tâm của mình, nên cứ thế làm thôi. Nếu có các “Mạnh Thường quân” cùng tham gia, tôi cũng rất trân trọng, nhưng không kêu gọi, vì thiện nguyện là việc làm từ tâm.

- Bà Nguyễn Thị Hồng

Bà Hồng luôn tận tâm như thế, quan tâm sâu sát tới từng người trong mái ấm lớn của mình, coi họ là người thân, là gia đình của mình trong hơn 17 năm nay. Để có tiền trang trải cho mái ấm, ban đầu bà dùng tiền cá nhân, nhưng khoản tiền tiết kiệm đã cạn từ lâu, năm mẫu đất vợ chồng bà tích cóp từ lúc kinh doanh cũng dần dần “đội nón ra đi”. Nhiều năm liền, bà âm thầm làm công việc này, mà không hề kêu gọi quyên góp.

Mỗi ngày, riêng tiền thức ăn, sữa, thuốc, tã giấy… của 85 cụ già, người bệnh neo đơn tại Mái ấm cô Hồng đã tròm trèm 3 triệu đồng, chưa kể những khi phải đi khám bệnh đột xuất như trường hợp ông Năm lại “tốn” vài triệu đồng. Năm năm nay, mái ấm của bà Hồng được nhiều người biết đến hơn, nên gạo hoặc tã giấy dùng cho các cụ bị liệt nằm một chỗ là hai thứ cần thiết nhất đã được nhiều “Mạnh Thường quân” hỗ trợ.

Bà Hồng bộc bạch: “Tôi làm vì tấm chân tâm của mình, nên cứ thế làm thôi. Nếu có các “Mạnh Thường quân” cùng tham gia, tôi cũng rất trân trọng, nhưng không kêu gọi, vì thiện nguyện là việc làm từ tâm”. Ánh mắt chợt hướng về phía người đàn ông khệ nệ ôm bột ngọt, hủ tíu, sữa…, bà Hồng ngọt ngào nói: “Người yêu của tôi đó. Không có ảnh, tôi không lo cho các cụ được thế này đâu”. Đó là ông Trần Thanh Thuận, người mà nhờ mai mối đã thành nợ duyên và chung sống với bà gần 40 năm qua.

 

Hơn 1 năm trước, gia đình bà Hồng đã sửa sang, cơi nới Cơ sở trợ giúp xã hội Hòa Hảo cho khang trang, thoáng mát, sạch sẽ và an toàn hơn. Trong đó, 46 người bị bại liệt, không đi lại, tự vệ sinh được sẽ ở một bên; những người có bệnh lý về tâm thần, thần kinh hay các cụ già mắc chứng lú lẫn sẽ ở bên còn lại. Bà cho lắp đặt các rào chắn, đến trưa sẽ khóa lại, tránh cho các cụ đi lạc. Khoảng 4 - 5 giờ chiều, sau khi uống sữa, không ai bảo ai, các cụ tự dắt nhau ra khoảng sân bên cạnh để nghe kinh Phật.
Hơn 1 năm trước, gia đình bà Hồng đã sửa sang, cơi nới Cơ sở trợ giúp xã hội Hòa Hảo cho khang trang, thoáng mát, sạch sẽ và an toàn hơn. Trong đó, 46 người bị bại liệt, không đi lại, tự vệ sinh được sẽ ở một bên; những người có bệnh lý về tâm thần, thần kinh hay các cụ già mắc chứng lú lẫn sẽ ở bên còn lại. Bà cho lắp đặt các rào chắn, đến trưa sẽ khóa lại, tránh cho các cụ đi lạc. Khoảng 4 - 5 giờ chiều, sau khi uống sữa, không ai bảo ai, các cụ tự dắt nhau ra khoảng sân bên cạnh để nghe kinh Phật.

Sức khỏe của các cụ là ưu tiên hàng đầu

Mọi hoạt động tại Mái ấm cô Hồng đều lấy sức khỏe của các cụ làm tiêu chí ưu tiên nhất. Trong 85 cụ già, người bị tật không nơi nương tựa được mái ấm cưu mang, có tới 46 người bị liệt, không thể sinh hoạt, chăm sóc bản thân, mọi hoạt động phụ thuộc hết vào những người làm tình nguyện. Số còn lại cũng có ít nhiều vấn đề, người bị bệnh về tâm thần, người có chuyện về thể chất.

Thường ngày, tại mái ấm có khoảng 10 người làm công việc nấu ăn, thay tã, tắm rửa cho các cụ. Bà Hồng cho biết, đa số mọi người có cái nhìn khá ái ngại về chuyện này, vì thực tế khá nhạy cảm và phải tiếp xúc với những chất thải ô uế. Tuy nhiên, khi đặt bản thân vào vị trí của các cụ, vợ chồng bà và những tình nguyện viên không còn cảm thấy ngại ngùng nữa. “Tôi chăm sóc họ như chăm sóc chính bản thân mình. Tôi nghĩ sau này mình về già cũng như họ thôi”, bà Hồng nhẹ nhàng tâm sự.

Mỗi ngày, các cụ già, người bị bại liệt trong mái ấm sẽ được thay tã và vệ sinh cơ thể đều đặn 4 lần. Giờ giấc sinh hoạt và chế độ ăn uống của từng người cũng được kiểm soát cẩn thận, chặt chẽ. Vì có những chứng bệnh khác nhau, nên mỗi người có những điều kiêng kỵ riêng trong ăn uống, sinh hoạt. “Ví dụ, ông Năm đang điều trị đường ruột, thì phải ăn cháo. Hay một số cụ bị tiểu đường thì mỗi chiều sẽ uống loại sữa không đường, cơm canh cũng được chế biến thanh đạm hơn”, bà Hồng chia sẻ.

Tuy trân trọng những tấm lòng hảo tâm muốn chia sẻ với mái ấm, nhưng bà Hồng cũng rất cẩn thận khi để các cụ tiếp xúc với người ngoài, đặc biệt là từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Nếu có các “Mạnh Thường quân” , đoàn thiện nguyện, tình nguyện tới thăm nom, bà chỉ để mọi người đứng phía ngoài nói chuyện, thay vì đi vào từng giường, từng phòng. Bà muốn đảm bảo các cụ già, vốn có sức đề kháng và sức khỏe yếu, hạn chế tối đa việc bị lây nhiễm các bệnh dịch nguy hiểm.

Tuy vậy, sinh - lão - bệnh - tử là quy luật ngàn đời nay. Mỗi năm, Mái ấm cô Hồng có khoảng 10 cụ già tạ thế. Dù đã nhiều năm làm công việc hỏa táng, an nghỉ cho các cụ, nhưng bà Hồng vẫn không tránh được cảm giác xót xa, thương nhớ mỗi khi làm giấy báo tử cho những người mà bà coi là người thân. Ngày rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm, mái ấm lại tổ chức một ngày giỗ chung để tưởng nhớ những người đã khuất.

Lan tỏa tinh thần tương thân tương ái

Không chỉ phát tâm thiện nguyện, cưu mang, chăm sóc những mảnh đời cơ nhỡ, bà Nguyễn Thị Hồng còn lan tỏa tinh thần này tới những người xung quanh. Thời gian đầu khi bà nhận nuôi các cụ già lang thang, bệnh tật, chồng bà không đồng ý. Một phần vì hiếm ai sẵn sàng chấp nhận những người dưng xuất hiện trong sinh hoạt của gia đình, nhưng phần nhiều, ông lo vợ cực khổ, vất vả. Ông cũng lo nếu không chăm sóc tốt cho các cụ thì lại tạo thành tội nghiệp.

Đưa người già về chưa đủ, bà còn đưa về một số cụ già bại liệt, bất tiện trong sinh hoạt. Sợ sẽ khiến gia đình không thoải mái, bà cất thêm một gian nhà riêng để các cụ ở, còn gia đình mình vẫn ở nhà cũ. Gian nhà được nối cây nối kèo thành một dãy, rồi nhiều dãy, nhiều khu, tùy theo giới tính và tình trạng có tự đi vệ sinh được, hay nằm tại chỗ của các cụ.

Thời gian mới nuôi dưỡng các cụ, chồng bà Hồng không la, nhưng không cùng chăm sóc. Về sau, mỗi lần vợ chồng định đi thăm con, phải chờ bà Hồng thay tã cho các cụ quá lâu, nên ông sốt ruột, nhảy vào làm phụ, rồi “về cùng đội” với bà lúc nào không hay. Hiện tại, ông Thuận không chỉ ủng hộ, mà còn là người đảm nhận những công việc khó khăn, vất vả nhất tại mái ấm. “Vợ tôi cũng có tuổi rồi, sức khỏe không được như trước, nên đỡ được gì là tôi đỡ. Vợ tôi vui là tôi vui rồi”, ông Thuận vui vẻ tâm sự.

Không chỉ “lôi kéo” được chồng con đồng hành cùng mình, nhiều năm nay, việc làm thiện nguyện của bà Nguyễn Thị Hồng còn nhận được sự trợ giúp từ bà con lối xóm, các “Mạnh Thường quân”. Anh Nguyễn Văn Lợi (42 tuổi, ở cách mái ấm khoảng 100 m) cứ 2h sáng mỗi ngày lại đến để phụ nấu nướng. Chị Thuận (40 tuổi, cũng sống gần đó) cùng con gái đang học lớp 11 ngày nào cũng tới chăm sóc cho các cụ từ hàng chục năm nay.

Làm từ thiện là điều mà bà Nguyễn Thị Hồng ấp ủ bấy lâu, với tâm nguyện dốc lòng nỗ lực, tận tâm, tận sức chăm sóc cho những mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ, tích dưỡng tạo phúc cho bản thân và làm việc có ích cho xã hội. Bà còn có tâm nguyện sau này hiến xác cho Đại học Y Dược TP.HCM để phục vụ các công trình nghiên cứu cho ngành y khoa Việt Nam.

Trước những cống hiến của mình và gia đình đối với việc hỗ trợ, cưu mang người nghèo khổ, bà Nguyễn Thị Hồng đã được UBND tỉnh Đồng Nai, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai, Trung ương Hội Chữ thập đỏ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Nhơn Trạch… tặng nhiều bằng khen và ghi nhận.

Người nhập cư với nỗi niềm mái ấm cuối năm
Với người lao động nhập cư, mua nhà tại thành phố luôn là mong ước cháy bỏng, nhưng ngay cả khi mua được nhà cũng chưa hẳn đã hết mối lo…
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư