Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tăng học phí có phải là cách nâng chuẩn đào tạo?
Vũ Anh - 27/09/2014 15:02
 
Đang có bất đồng ý kiến gay gắt giữa các trường và phụ huynh trong đề xuất tăng học phí để liên kết đào tạo với các đối tác ngoại, cách thức tạo thế cạnh tranh mới của nhiều trường dân lập.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bài toán: Đầu tư sâu, tăng học phí và phản ứng của phụ huynh

Một ngôi trường lành mạnh, đầy đủ tiện nghi, thiết bị học tập, nhiều cơ hội học hỏi, giao lưu và nâng cao kỹ năng giao tiếp cho học sinh là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu của các bậc phụ huynh.

   
 

Bà Chu Thị Phương Anh, thành viên HĐQT Công ty Lâm Sản XNK Tổng hợp Bình Dương (ngồi giữa) đang trình bày quan điểm với hai chuyên gia là ông Lê Thẩm Dương và ông Nguyễn Hữu Thái Hòa

 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các chương trình đào tạo liên kết với trường quốc tế trở thành công cụ không thể thiếu để các học sinh liên cấp trong nước có thể hội nhập với môi trường học tập và làm việc quốc tế. Đây cũng chính là mục tiêu hàng đầu đối với ban lãnh đạo các trường dân lập nhằm tăng lợi thế cạnh tranh trong cuộc kinh doanh giáo dục đang ngày càng nóng bỏng tại Việt Nam.

Để làm được điều đó, các nhà kinh doanh giáo dục cần kinh phí. Nhưng sau khi đã đầu tư khá lớn để mở trường, nay phải bỏ thêm là điều mà các cổ đông lập trường không mong muốn. Vì vậy, giải pháp tài chính mà nhiều trường chọn là tăng học phí.

Tuy nhiên, động thái này luôn vấp phải sự phản đối của các bậc phụ huynh, nhất là trong trường hợp ngay từ đầu năm học, nhà trường đã cam kết với phụ huynh sẽ không tăng học phí trong năm.

Lẽ đương nhiên, để đảm bảo mục tiêu chiến lược, có được sự đồng thuận của ban phụ huynh, ban lãnh đạo nhà trường sẽ phải gặp gỡ để thuyết phục. Và điều này thường không dễ dàng, thậm chí còn trở nên nóng hơn vì năm học mới bắt đầu.

Giáo dục luôn là vấn đề  được xã hội quan tâm. Các chương trình truyền hình thực tế cũng không làm ngơ trước vấn đề này. Trên sóng của VTV1, Chương trình CEO – Chìa khóa thành công cũng đã lấy chủ đề “Kinh doanh giáo dục – tăng học phí” để lãnh đạo doanh nghiệp có cơ hội phân tích vấn đề này.

Sau khi chương trình này phát sóng, nội dung trường phải tăng học phí sau khi liên kết đào tạo với đối tác Singapore lại tiếp tục gây bão tranh luận trên mạng xã hội. Trên fanpage của Chương trình này, các ý kiến đa phần không đồng tình với lý lẽ mà CEO  đưa ra trong buổi gặp gỡ, làm việc với Ban phụ huynh.

Theo bạn đọc Nguyễn Phương Nam, việc liên kết đào tạo thường dễ mang lại kết quả khả quan, nhưng việc tăng học phí là việc mà hầu hết phụ huynh không chấp nhận. Thay vào việc tăng học phí của tất cả học sinh, nhà trường nên đưa ra một số khoá học nâng cao để phụ huynh lựa chọn, ví dụ như tăng thời giờ giảng dạy, dạy thêm kỹ năng chuyên sâu... Với cách này, nhà trường dễ thuyết phục phụ huynh đồng ý nâng mức học phí lên dù đã cam kết từ đầu năm là không tăng.

Tương tự, bạn đọc Lê Mạnh Trí bình luận, chiến lược tăng học phí sau cam kết không khác gì họ nói với phụ huynh là họ đã thất bại trong kinh doanh và muốn các phụ huynh gánh rủi ro cho họ”, bạn Trí nhận định.

Khi nhắc đến vấn đề này, nhiều ý kiến thể hiện sự bức xúc thay cho phụ huynh. “Tôi cực lực phản đối việc tăng học phí nhằm mục đích đầu tư cho cơ sở vật chất vì phần này nhà đầu tư phải lo. Do đó, CEO có thể chọn cách lý giải khác cho vấn đề này, như  tăng học phí để các em được tiếp cận chương trình học tập tiên tiến, phát triển toàn diện, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập sâu của khối ASEAN. Như vậy, thu thêm học phí là để đầu tư cho học sinh chứ không phải cho cơ sở vật chất”, bạn đọc Lê Thanh Vũ ý kiến.

Tuy nhiên, muốn tăng học phí, CEO nên có bản kế hoạch cụ thể và thông báo trước để lấy ý kiến của phụ huynh và học sinh. Thậm chí, CEO nên thuyết phục ban quản trị thực hiện 1 năm không tăng giá đối với bản kế hoạch này.

Trước cơn bão dư luận này, CEO của trường đã phải tìm đến một số chuyên gia về chiến lược kinh doanh, vừa am hiểu vấn đề giáo dục đào tạo đó là Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM và ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn FPT. Hy vọng cuộc gặp giữa CEO và hai chuyên gia vào Chủ nhật tuần này sẽ giúp CEO tìm ra được quyết định tối ưu nhất.

Chương trình sẽ phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào 10 giờ sáng Chủ nhật (ngày 28/9) và phát lại vào 8 giờ sáng Thứ Hai (ngày 29/9). Mời quý doanh nghiệp, doanh nhân xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage facebook: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO – Chìa khóa Thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư