Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Tăng thuế thuốc lá là chiến lược quan trọng giảm tử vong và gánh nặng bệnh tật
D.Ngân - 21/11/2024 14:36
 
Theo chuyên gia việc tăng thuế thuốc lá là một chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp và trẻ em.

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn nhằm nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài.

Hội nghị thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý và các cơ quan báo chí, với mục tiêu tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và các biện pháp phòng chống.

Bà Phan Thị Hải, Phó giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh rằng trong nhiều năm qua, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế và các cơ quan báo chí để nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này. Công tác truyền thông đã giúp định hướng thông tin một cách rộng rãi, giúp người dân nhanh chóng nhận thức được tác hại của thuốc lá và các biện pháp phòng ngừa.

Tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam đang gia tăng, đặc biệt là ở giới trẻ, học sinh và sinh viên.

Nhiều đối tượng đã lợi dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng để tàng trữ và sử dụng ma túy trái phép. Chỉ trong quý I năm 2024, cơ quan công an trên toàn quốc đã phát hiện và xử lý 111 vụ liên quan đến thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, trong đó có 33 vụ với 73 đối tượng bị khởi tố do liên quan đến tội phạm ma túy.

Về vấn đề “Thuế thuốc lá - giải pháp hiệu quả giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, cho biết thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm, với hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư.

Thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 25 loại bệnh, bao gồm các bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp và sinh sản. Theo nghiên cứu, chi phí kinh tế hàng năm do sử dụng thuốc lá tại Việt Nam lên đến 108 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP của đất nước.

Mặc dù vậy, mức thuế và giá thuốc lá tại Việt Nam hiện vẫn còn thấp so với các quốc gia khác, cả trong khu vực và trên thế giới.

Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi năm 2014, thuế suất hiện hành đối với thuốc lá là 75%, nhưng tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,8%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%) và các nước ASEAN (Thái Lan 81,3%, Indonesia 63,5%, Singapore 67,5%, Malaysia 51,6%).

Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dương, đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng việc tăng thuế thuốc lá là một chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp và trẻ em.

Ông Dương đề xuất, Việt Nam cần áp dụng cơ chế thuế Tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp đối với thuốc lá và tăng cường truyền thông về yêu cầu này, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị, với mức thuế trên giá bán lẻ từ 70-75%.

Theo bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, việc tăng thuế sẽ giúp giảm dần số người sử dụng thuốc lá. Mặc dù giá thuốc lá tại Việt Nam hiện khá rẻ so với các quốc gia trong khu vực, nhưng nếu thuế được tăng lên theo mức khuyến nghị, có thể sẽ góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hút thuốc, đặc biệt là trong nhóm đối tượng trẻ tuổi.

Cũng theo WHO, để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế và tổ chức này đề xuất bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với sản phẩm thuốc lá, ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần lên 15.000 đồng/bao vào năm 2030.

Phương án này không chỉ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc mà còn tạo nguồn thu thuế đáng kể cho ngân sách quốc gia, dự báo sẽ tăng thêm khoảng 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm từ thuế thuốc lá vào năm 2030.

Bên cạnh đó, bà Hải cũng chỉ ra rằng gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá rất lớn, với hơn 104.000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Khoảng 15 triệu người Việt Nam đang hút thuốc, và hàng chục triệu người khác chịu ảnh hưởng của thuốc lá thụ động. Do đó, việc triển khai các biện pháp giảm sử dụng thuốc lá, đặc biệt là tăng thuế thuốc lá, là rất cấp thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm gánh nặng y tế cho xã hội.

Trong buổi tập huấn, các chuyên gia và đại diện các cơ quan chức năng cũng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng trong việc triển khai công tác truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá, nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng, đặc biệt là đối với giới trẻ và học sinh, sinh viên.

Các hoạt động này được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng một môi trường sống lành mạnh, không khói thuốc tại Việt Nam trong tương lai.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư