Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 16 tháng 08 năm 2024,
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ngành đồ uống - Cần đánh giá tác động toàn diện
PV - 16/08/2024 16:01
 
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ngành đồ uống cần có đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện đối với đối tượng trực tiếp, gián tiếp, tính hiệu quả đối với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, ngân sách, an sinh xã hội, lao động…

Đó là ý kiến của các chuyên gia tại tọa đàm "Đảm bảo lợi ích bền vững khi sửa đổi thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức vừa qua.

Cần đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện

Các chuyên gia cho biết, đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện làm căn cứ sửa đổi Luật thuế TTĐB với đồ uống có cồn.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR), so với các sắc thuế khác thì thuế TTĐB có tính định hướng tiêu dùng rất rõ. Chẳng hạn không lạm dụng rượu, bia để bảo vệ sức khỏe. Nhiều nước trên thế giới cho rằng thuế TTĐB đánh vào những sản phẩm như rượu, bia là thuế bảo vệ sức khỏe. Do đó, cần có những cơ sở đánh giá khoa học để làm rõ mức độ tác động của chính sách thuế tới việc điều tiết tiêu dùng gắn với bảo vệ sức khỏe; một mặt hạn chế tiêu dùng nhưng cũng có thể hướng người dùng tới các sản phẩm có nguồn gốc, chất lượng tốt hơn.

TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, cơ quan quản lý cũng cần đánh giá đầy đủ sự liên thông của ngành sản xuất đồ uống có cồn với các ngành kinh doanh dịch vụ liên quan đến nhà hàng, khách sạn, du lịch bởi đóng góp của dịch vụ vào tỷ trọng GDP cũng như tăng trưởng nền kinh tế chiếm là rất lớn trong giai đoạn hiện nay.

“Ví dụ sau 5 năm thì giá tăng theo từng phân khúc như bán buôn, bán lẻ, tại siêu thị cũng như phân khúc tại các tụ điểm du lịch hoặc là nhà hàng, khách sạn là bao nhiêu và từ đó sẽ tác động như thế nào đến các ngành hàng cụ thể? Tôi có đọc dự thảo Luật thuế TTĐB thì cũng chưa thấy bên nào đánh giá tác động chi tiết...”, ông Việt đề xuất.

Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, theo lý thuyết đường cong của Laffer, thuế tăng ở mức hợp lý đi kèm theo các công cụ quản lý phù hợp thì tăng thu ngân sách; nhưng nếu như tăng thuế quá cao thì sẽ làm thất thu ngân sách khi người dân trốn thuế, nợ thuế. Bên cạnh đó, người dân chuyển tiêu dùng từ sản phẩm chính thức, được đánh thuế sang sản phẩm không chính thức, không thể quản lý được thuế. Điều đó cũng khiến cho các doanh nghiệp sản xuất chính thức khó khăn hơn.

“Tôi cho rằng khi tăng thuế TTĐB lên rượu bia cũng sẽ có những tác động ngay đến nhóm dịch vụ, vốn chiếm 60% cơ cấu của GDP, từ đó tác động đến tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, giá của sản phẩm rượu bia tăng 10-20% sẽ làm cho chỉ số giá (CPI) tăng theo bởi đây cũng là một trọng số lớn trong rổ hàng hoá tính CPI”, PGS.TS Hoàng Văn Cường cho biết.

“Vậy thì khi chính sách thuế này được thông qua người dân có thay đổi được hành vi tiêu dùng không, rồi các ngành sản xuất khác có phát triển hơn không?. Những tác động như vậy hiện cũng đang rất thiếu số liệu và chúng tôi cũng như Bộ Tài chính đang rất cần những báo cáo tác động như dự báo giảm tiêu dùng đi bao nhiêu? Của nhóm nào? Sản xuất trong nước giảm bao nhiêu? Nhập khẩu giảm bao nhiêu?,” ông Cường băn khoăn.

Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, chia sẻ thêm “Tôi cho rằng việc đánh thuế TTĐB là điều không thể tránh khỏi, có điều những ảnh hưởng của việc đánh thuế lên doanh nghiệp như thế nào, việc tăng thuế có thể bù đắp được cho việc thay đổi hành vi tiêu dùng hay không thì không có đủ cơ sở dữ liệu đánh giá”.

Được và mất

Tại dự thảo tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất 2 giải pháp để giải quyết vấn đề này. Cụ thể, đối với giải pháp 1, Bộ Tài chính đề xuất phương án điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia theo lộ trình. Đối với mặt hàng bia, dự thảo đề xuất, kể từ 2026 - 2030, mỗi năm sẽ tăng thêm 5% thuế suất thuế TTĐB, để đến năm mức thuế TTĐB với bia đạt 90%. Giải pháp 2, với mặt hàng bia, từ năm 2026 - 2030 sẽ tăng 5%/năm, đạt mức 80% vào năm 2026 và đạt mức 100% vào năm 2030.

Các chuyên gia cho rằng chính sách thuế TTĐB cần cân nhắc kỹ lưỡng lợi - hại, tác động bởi sẽ gây quá sức chịu đựng của doanh nghiệp trong ngành trong khi khó đạt mục tiêu bảo vệ sức khoẻ người dân như kỳ vọng... Thực tế cho thấy, trong 10 năm (2005-2015), thuế TTĐB tăng gấp đôi song tỷ lệ người lạm dụng rượu, bia trên tổng dân số lại tăng gấp 10 lần.

Các nhà máy bia hiện nay có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế vùng, địa phương nơi đặt nhà máy. Tổng thể toàn ngành bia đã đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng gần 60.000 tỷđồng/năm, tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trên toàn quốc. Bất kỳ sự tăng giá nào trong giai đoạn khó khăn hiện nay sẽ dẫn đến giảm sút về sản lượng, thất thu ngân sách, và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh đều đồng ý với các chuyên gia phải tăng thuế TTĐB, nhưng tăng lộ trình tăng, mức khởi điểm tăng cũng như khoảng cách tăng trong các năm như thế nào thì cần xem xét đến điều kiện sức khỏe của các ngành hàng liên quan đến rượu, bia, đồ uống có cồn và các ngành hàng liên quan trong điều kiện họ đã phải gồng lên sau Covid 19 cũng như Luật phòng chống tác hại rượu bia khi tham gia giao thông. Nếu lộ trình tăng sốc thì có thể sẽ là hai cú đấm liên tiếp đối với ngành hàng liên quan đến đồ uống có cồn.

Bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của Công ty HEINEKEN Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi rất mong Chính phủ sẽ cân nhắc mục tiêu cải cách để chính sách thuế đạt được sự nhất quán, công bằng cũng như đảm bảo tính ổn định trong thời gian dài, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành bia ngành bia phát triển bền vững, đóng góp cho Ngân sách nhà nước và thực hiện tốt hơn trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội”.

“Về mức tăng và lộ trình tăng thuế, chúng tôi kiến nghị thuế suất đối với bia sẽ giữ ổn định ở mức 65% trong vòng 3 năm đầu tiên kể từ ngày Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) có hiệu lực, sau đó 3 năm thì tăng một lần và tăng không quá 3-5% mỗi lần”, bà Ánh đề xuất.

Bà Ánh chia sẻ thêm, tác dụng ảnh hưởng của đồ uống có cồn là do độ cồn trong sản phẩm. Vì vậy có thể dùng thuế TTĐB như công cụ điều tiết, khuyến khích đổi mới sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm có nồng độ cồn thấp hơn, để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.

“Thiết thực nhất là có quy định cụ thể về mức thuế suất thuế TTĐB đối với các loại đồ uống có nồng độ cồn khác nhau. Các quốc gia khác cũng đều khuyến cáo như thế, đặc biệt là thuế rượu lúc nào cũng cao hơn thuế bia bởi mức độ tác hại lớn hơn. Điều này cũng thống nhất với các quy định hiện hành trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia (PCTHRB) và Luật Quảng cáo (QC), thì bia đã được chia thành 3 nhóm có nồng độ cồn lần lượt là dưới 5,5 độ, từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và trên 15 độ. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị: Mức thuế 65% áp dụng đối với sản phẩm bia có nồng độ cồn từ 5,5% trở xuống và tăng dần theo các mức nồng độ cồn khác,” đại diện HEINEKEN Việt Nam đề xuất thêm.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc giãn và giảm mức tăng thuế TTĐB thật sự cần thiết, là sự thể hiện rõ nhất tinh thần “Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó khăn, thách thức để phát triển”.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần lộ trình hợp lý để doanh nghiệp thích ứng
Chia sẻ tại Hội thảo "Sửa thuế thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/8, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư