Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 16 tháng 08 năm 2024,
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ngành đồ uống - Cần lộ trình giảm và giãn
PV - 16/08/2024 13:59
 
Tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐT) với rượu bia cần tính toán lộ trình giảm và giãn để doanh nghiệp không bị sốc và đảm bảo hài hoà các lợi ích.

Những ngày gần đây, chủ đề “Tăng thuế TTĐB ngành đồ uống” đang trở nên nóng hơn trên nhiều diễn đàn với nhiều ý kiến từ các đại biểu, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp sau khi Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến cho dự thảo tăng thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn (bia, rượu) và nước ngọt. Nhiều ý kiến cho rằng đây là lúc cần “khoan thư sức doanh nghiệp”.

Doanh nghiệp cần khoan thư sức

Tại hội thảo “Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) và ngành đồ uống” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức ngày 8/8, các chuyên gia tiếp tục nhấn mạnh việc giãn và giảm mức tăng thuế lúc này sẽ giúp các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành bia nói riêng có thời gian phục hồi sau giai đoạn khó khăn, là sự thể hiện rõ nhất tinh thần “Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó khăn, thách thức để phát triển”. Ngược lại, nếu tăng thuế ở giai đoạn vô cùng khó khăn này chắc chắn sẽ tác động rất tiêu cực tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.

Các chuyên gia tại Hội thảo tiếp tục nhấn mạnh cần giãn và giảm mức tăng thuế TTĐB để “khoan thư sức doanh nghiệp”

Nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn phục hồi khá mong manh, tăng trưởng việc làm chậm, thu nhập trung bình thực tế hàng tháng sụt giảm dẫn đến tiêu dùng trong nước suy giảm gây thất thu thuế. Dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy sau 4 năm kể từ khi bình thường hóa sau đại dịch Covid-19, tăng trưởng GDP chưa đạt được mức trước đại dịch là 7,2% năm 2019.

Theo PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên tắc của việc đánh thuế là cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế. Nguyên tắc quan trọng này đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nhưng không được để cho người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng.

"Thực hiện nguyên tắc này, nhà nước sẽ không tạo ra những cú sốc tăng thuế cho doanh nghiệp, xã hội, cho người lao động. Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người dân lao động không được đảm bảo; nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp; nguy cơ trốn thuế rất tiềm tàng", PGS. TS Long cảnh báo.

Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV phân tích, việc tăng thuế TTĐB cao có thể tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung - dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), đề xuất: “Năm đầu tăng thuế suất 5%, các năm tiếp theo thuế suất sẽ tăng theo lộ trình vài năm thay vì 1 năm. Khi có chính sách hợp lý thì sẽ hài hòa hơn các mục tiêu đặt ra của thuế TTĐB, tăng thuế không quá đột ngột và có lộ trình để các tổ chức kinh doanh có thời gian chuyển đổi, không ảnh hưởng quá lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ ăn uống, đến thị trường và người lao động trong chuỗi cung ứng liên hoàn này".

Theo Hiệp hội Bia - Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA), từ năm 2020 đến nay, dưới tác động lớn từ dịch bệnh, xung đột chính trị thế giới, các chính sách hạn chế đồ uống có cồn… nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận sự sụt giảm báo động về chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận. Do đó, việc tăng thuế TTĐB lúc này sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp.

Hiện nay, ngành đồ uống là mặt hàng chịu nhiều hạn chế, ít nhất từ 4 Luật lớn: Luật Phòng chống tác hại rượu bia; Luật Thuế TTĐB; Luật Thương mại; Luật Quảng cáo, thương mại điện tử, bảo vệ môi trường. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ cắt giảm thuế giá trị gia tăng không được áp dụng đối với ngành đồ uống có cồn.

Tại hội thảo, bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại cấp cao của Công ty HEINEKEN Việt Nam chia sẻ, Chính phủ đã nhấn mạnh giải pháp ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính phủ đã có nhiều gói giải pháp để hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp, vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế. Trong giai đoạn qua, thì các yếu tố chi phí đầu vào đã tăng đáng kể, đặc biệt là chi phí logistics do các mâu thuẫn về địa chính trị trên toàn cầu.

Bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại cấp cao của Công ty HEINEKEN Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo

“Việc tăng thuế TTĐB cần lộ trình giãn, giảm để phù hợp với lộ trình và kịch bản kinh tế, mức độ cải thiện thu nhập của người tiêu dùng trong những năm tới. Về giải pháp tổng thể, cần có sự kết hợp với các chương trình tuyên truyền uống có trách nhiệm”, bà Trần Ngọc Ánh đề xuất.

Trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị thuế suất đối với bia sẽ giữ ổn định ở mức 65% trong vòng 3 năm đầu tiên kể từ ngày Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) có hiệu lực, sau đó 3 năm thì tăng một lần và tăng không quá 3-5% mỗi lần.

Bài học từ các nước

Theo VBA, kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng thuế cao sẽ tạo ra khoảng cách lớn về lợi ích giữa sản phẩm chính thống và bất hợp hợp pháp, từ đó hàng lậu sẽ phổ biến, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng, phát sinh chi phí cho các cơ quan quản lý thị trường, hải quan chống hàng lậu.

Kinh nghiệm quốc tế cũng đã chứng kiến rất nhiều trường hợp khi tăng thuế đã gây ra hiệu ứng tiêu cực. Tại Bỉ, tháng 11/2015, chính phủ tăng thuế TTĐB với rượu mạnh lên hơn 40% với dự kiến thu thêm 128 triệu EUR cho 6 tháng năm 2016. Tuy nhiên do lượng hàng bán giảm 33% khi giá các sản phẩm rượu mạnh tăng hơn 20%, doanh thu của chính phủ không tăng. Đồng thời, người tiêu dùng chuyển sang mua rượu mạnh ở Luxembourg và ở miền Bắc nước Pháp. Các khu vực này có doanh số tăng gấp đôi.

Tại Anh, Đầu năm 2023, chính phủ tăng thuế với rượu. Doanh số rượu đã giảm 20% và doanh thu thuế từ rượu giảm 108 triệu GBP chỉ trong nửa năm. Cuối năm 2023, Anh đã dừng tăng thuế. Trong khi đó nước Úc dự tính thất thu 170 triệu đô la Úc khi tăng thuế rượu.

Ngoài ra, một số quốc gia cũng có quy định cụ thể về mức thuế suất thuế TTĐB đối với các loại đồ uống có nồng độ cồn khác nhau.

Đại diện HEINEKEN Việt Nam chia sẻ việc tách biểu thuế để tạo ra sự khuyến khích đổi mới, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm có nồng độ cồn thấp hơn, tạo ra sự nhất quán và công bằng giữa các sản phẩm rượu và bia.

“Như vậy, thiết thực nhất là có quy định cụ thể về mức thuế suất thuế TTĐB đối với các loại đồ uống có nồng độ cồn khác nhau. Các quốc gia khác cũng đều khuyến cáo như thế, đặc biệt là thuế rượu lúc nào cũng cao hơn thuế bia bởi mức độ tác hại lớn hơn. Điều này cũng thống nhất với các quy định hiện hành trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia (PCTHRB) và Luật Quảng cáo (QC), thì bia đã được chia thành 3 nhóm có nồng độ cồn lần lượt là dưới 5,5 độ, từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và trên 15 độ. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị: Mức thuế 65% áp dụng đối với sản phẩm bia có nồng độ cồn từ 5,5% trở xuống và tăng dần theo các mức nồng độ cồn khác,” bà Trần Ngọc Ánh đề xuất.

Ngành đồ uống là một ngành kinh tế - kỹ thuật đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Sự phát triển của ngành bia - rượu - nước giải khát đã tác động tích cực,  góp phần thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển như nông nghiệp, giao thông vận tải, kho vận, cơ khí, chế tạo, hóa sinh, sản xuất vật liệu, bao bì, các ngành dịch vụ, kinh tế đêm, văn hóa ẩm thực...

Cũng tương tự các thống kê trên thế giới, tại Việt Nam năng suất lao động trong ngành đồ uống cao hơn nhiều so với các ngành khác. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 3% lao động nhưng tạo ra tới 7% giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và chiếm khoảng 6% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, nộp ngân sách cho nhà nước, ngành Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam còn luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.

Sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt: Xem xét toàn diện, đảm bảo lợi ích Nhà nước và doanh nghiệp
Bộ Tài chính đang đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng rượu, bia và bổ sung thuế đối với nước giải khát có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư