Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Tăng truyền thông để hạn chế gánh nặng do bệnh không lây nhiễm gây ra
D.Ngân - 21/09/2023 11:06
 
Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao do sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,…

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phối hợp với Tổ chức HealthBridge Canada tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về giải pháp phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ths. Hồ Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm, trong đó nguyên nhân do bệnh tim mạch chiếm 31%, ung thư chiếm 19%, COPD chiếm 6%, đái tháo đường chiếm 4% và các bệnh không lây nhiễm khác chiếm 18%.

Ths. Hồ Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội thảo.

Đối với các bệnh không lây nhiễm thường không xác định được nguyên nhân cụ thể mà chỉ có một nhóm yếu tố nguy cơ góp phần làm bệnh phát triển gồm môi trường sống không lành mạnh, thuốc lá, rượu bia, các loại thực phẩm nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, ăn nhiều muối, và đường (đặc biệt là trong các đồ uống ngọt), ít vận động... là yếu tố nguy cơ phổ biến.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29.1.2022 về việc Phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025; trong đó các giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh truyền thông để nâng cao sức khỏe để giảm thiểu các hành vi nguy cơ, dự phòng mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.

Tại Hội thảo các chuyên gia cung cấp đến các phóng viên, biên tập viên các thông tin liên quan đến về thực trạng và tác hại của các sản phẩm có hại cho sức khỏe, bao gồm: thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá mới, đồ uống có đường; mối liên hệ giữa các sản phẩm có hại cho sức khỏe và các bệnh không lây nhiễm; các chính sách hữu hiệu để kiểm soát các sản phẩm này. Từ đó, đẩy mạnh công tác truyền thông giúp giảm thiểu thiểu các hành vi nguy cơ chính dẫn đến các bệnh không lây nhiễm.

Chia sẻ cụ thể hơn về tác hại của bệnh không lây nhiễm, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO tại Việt Nam nhấn mạnh, theo ước tính, mỗi năm thế giới có khoảng 14,2 triệu người trong độ tuổi từ 30-69 tử vong sớm ở vì các bệnh không lây nhiễm.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Dự tính, trong 20 năm tới, bệnh không lây nhiễm có thể gây thiệt hại kinh tế cho thế giới khoảng 47 nghìn tỷ USD, riêng 4 bệnh không lây nhiễm chính là khoảng 30 nghìn tỷ USD.

Vì vậy, các lựa chọn can thiệp hiệu quả cao, chi phí thấp bao gồm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ lạm dụng rượu, tăng cường dinh dưỡng, vận động…

Trong đó, đối với thuốc lá, cần phải giảm sức mua bằng cách tăng thuế; ban hành và thực thi luật về môi trường không khói thuốc; nâng cao nhận thức về tác hại thuốc lá thông qua cảnh báo sức khỏe và các chiến dịch truyền thông; cấm hoàn toàn quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá.

“Theo tính toán, cứ đầu tư 1 USD vào kiểm soát thuốc lá sẽ thu về 7,43 USD. Vì vậy, cần phải tăng thuế đối với thuốc lá để giảm nguy cơ bệnh tật”, bác sĩ Lâm nói.

Đồng tình với quan điểm cần phải tăng thuế với thuốc lá, bà Nguyễn Thị Kim Liên, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông, giáo dục sức khỏe, Bộ Y tế cho rằng, bệnh không lây nhiễm gây hậu quả nặng nề cho người bệnh, gây tổn thất lớn về kinh tế, chính trị và xã hội, song hoàn toàn có thể phòng chống được.

Theo đó, riêng đối với thuốc lá thì các can thiệp tốt nhất bao gồm tăng thuế, cấm hút thuốc nơi công cộng và nơi làm việc; thông tin sức khỏe và cảnh báo về thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mại.

Nói thêm về vấn nạn này, TS.Angela Pratt, Trưởng đại điện WHO tại Việt Nam cho rằng, hiện nay bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong tại Việt Nam.

 Đó là lý do vì sao cần nâng cao vai trò nhận thức cho xã hội, trong đó bao gồm cả các đối tượng là những người lập chính sách. Bệnh không lây nhiễm không chỉ gây gánh nặng về y tế, sức khỏe mà còn cả về mặt kinh tế. Đại diện WHO đưa ra dẫn chứng, mỗi năm thuốc lá gây thiệt hại kinh tế toàn cầu lên tới 4,5 tỷ USD.

Thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe người dân, giảm năng suất lao động, mà còn là nguyên nhân gây ra tử vong hàng đầu.

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, hiện nay giá thuốc lá còn rất rẻ, người dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm thuốc lá có sẵn trên thị trường…  mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ thuế áp lên thuốc lá quá thấp. Hiện nay chưa có sản phẩm nào gây ra tỷ lệ tử vong cao như thuốc lá.

Có bằng chứng rõ ràng thuyết phục cho thấy đầu tư vào phòng, chống bệnh không lây nhiễm không chỉ mang lại lợi ích to lớn về sức khỏe cho người dân, mà còn cả về mặt kinh tế.

"Một trong những biện pháp có thể thực hiện đó là đánh thuế với những sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, đồ uống có cồn bên cạnh việc giảm quảng cáo, giảm hoạt động xúc tiến thương mại để giảm tiêu dùng sản phẩm độc hại”, TS. Angela Pratt khẳng định.

Các nghiên cứu cho thấy, sau nhiều năm thực hiện các hoạt động truyền thông, một số yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam đã có cải thiện nhưng còn có tỉ lệ cao như hút thuốc, uống rượu bia, ăn ít rau và trái cây, ăn nhiều muối, thiết hoạt động thể lực…

Do đó, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần thực hiện một số biện can thiệp mang lại hiệu quả, chi phí thấp nhằm giảm nguy cơ gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tăng thuế thuốc lá (làm giảm sức mua), cấm hoàn toàn quảng cáo và tài trợ thuốc lá; quy định hạn chế bán rượu; tiến hành các chương trình nâng cao dinh dưỡng và hoạt động thể lực…

Hhiện nay, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao do sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,…

Những bệnh không lây nhiễm được coi như là 'kẻ giết người thầm lặng' vẫn luôn đặt ra những thách thức đối với sức khỏe cộng đồng do tỷ lệ mắc ngày càng cao và những hậu quả, di chứng nặng nề.

Chính vì vậy, việc tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người có nguy cơ, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm sẽ giúp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đề xuất chi trả bảo hiểm sàng lọc một số loại ung thư, bệnh không lây nhiễm
Bộ Y tế vừa tổ chức Hội thảo Đề xuất xây dựng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế về vấn đề chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư