Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Táo bạo dự án đường xuyên Á trên sông
Anh Minh - 03/05/2016 19:36
 
Có rất nhiều điểm cần phải tiếp tục làm rõ để Dự án Giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức hợp đồng BOO có tổng mức đầu tư lên tới 24.510 tỷ đồng khẳng định được tính khả thi.

Táo bạo…

Sau hơn 3 tháng thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO. Đề xuất được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình trên cơ sở tổng hợp các ý kiến góp của các bộ, ngành liên quan như Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)…

Siêu công trình do Công ty TNHH Xuân Thiện (Ninh Bình) đề xuất này được giới chuyên gia đánh giá là chưa từng có không chỉ xét về quy mô, mà còn về tính chất phức tạp của các hợp phần tại Dự án. Được biết, Công ty TNHH Xuân Thiện thuộc Tập đoàn kinh tế Xuân Thành có trụ sở tại TP. Ninh Bình do đại gia Nguyễn Văn Thiện làm Giám đốc đã tốn 2 năm theo đuổi Dự án đầy tham vọng này.

.
Dự kiến, dự án cần tới 24.510 tỷ đồng, trong đó 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại

Theo đề xuất mới nhất của Công ty TNHH Xuân Thiện, Dự án có mục tiêu kép là nâng cấp tuyến vận tải đường thủy dọc sông Hồng trên cơ sở kết nối 2 tuyến vận tải thủy lớn là Hải Phòng - Việt Trì và Hà Nội - Lạch Giang; cung cấp lượng điện năng lên tới 0,91 tỷ Kwh/năm.

Để đạt được 2 mục tiêu nói trên, nhà đầu tư sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW; xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai.

Tính toán sơ bộ của Xuân Thiện cho thấy, Dự án này cần tới 24.510 tỷ đồng, trong đó 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại. Với nguồn thu chính là phí luồng tuyến (đoạn Việt Trì - Yên Bái thu từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/tấn; đoạn Yên Bái thu 40.000 - 45.000 đồng/tấn); bán điện (giá bán điện khởi đầu là 1.900 đồng/Kwh và có lộ trình tăng giá lên tới 3.560 đồng/Kwh),… nhà đầu tư kỳ vọng hoàn vốn Dự án trong vòng 25 năm.

Bất chấp việc gần như lật tung lòng sông Hồng để làm vận tải thủy, thủy điện, nhà đầu tư này cho biết chỉ có 120 hộ dân với khoảng 600 người thuộc 31 xã ở Lào Cai, Yên Bái bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Dự án. Đồng thời, do mực nước dâng tại các vị trí đập thiết kế luôn thấp hơn mực nước lũ hàng năm, nên Dự án hầu như không làm thay đổi lòng sông so với hiện trạng.

 “Nếu triển khai thành công, Dự án sẽ mở ra 1 tuyến vận tải hàng hóa chi phí thấp, tiện lợi với khối lượng lớn đủ sức thay đổi diện mạo giao thông khu vực phía Bắc”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Nhật nhận xét.

… hay ảo vọng

Cần nói thêm rằng, trong khi những lợi ích mà nhà đầu tư đưa ra đều đang ở thì tương lai, thì những rủi ro liên quan tới tính khả thi của Dự án lại khá rõ và chưa có phương án xử lý cụ thể.

Hạn chế đầu tiên được Bộ Tài chính chỉ ra liên quan tới tiềm lực của nhà đầu tư. Theo phân tích của Bộ Tài chính, với tổng mức đầu tư khoảng 24.510 tỷ đồng, cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay thương mại là 30/70, thì vốn chủ sở hữu nhà đầu tư cần phải huy động là hơn 7.350 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ hiện có của Xuân Thiện chỉ là 1.200 tỷ đồng.

Ngoài việc cần phải chứng minh khả năng huy động vốn chủ sở hữu, phương án huy động 70% phần vốn còn lại từ các tổ chức tín dụng là một ẩn số. Điều đáng lo ngại là, hiện tổng mức đầu tư mà nhà đầu tư đề xuất mới chỉ là tạm tính, công trình hoàn toàn có thể bị đội vốn trên quy mô lớn, bởi những tiềm ẩn về địa chất tại các vị trí nạo vét luồng hay xây các đập dâng nước và âu tàu.

Rủi ro thứ hai, theo phân tích của các bộ, ngành, xuất phát từ nguồn thu chính của Dự án là bán điện. Cụ thể, so với các nhà máy thủy điện đang vận hành, đề xuất giá điện của Dự án là cao. Nếu giá bán điện này được thông qua, Chính phủ phải hỗ trợ giá bán điện cho nhà đầu tư. Đây là khả năng khó xảy ra khi mà thị trường phát điện cạnh tranh sẽ được triển khai vào giai đoạn 2017 - 2020, việc huy động phát điện sẽ theo giá phát điện cạnh tranh.

“Điều này đồng nghĩa, nguồn thu từ bán điện sẽ trở thành rủi ro tài chính lớn”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đánh giá.

Trong khi đó, do các bậc thang thủy điện trong đề xuất Dự án chưa có trong Quy hoạch phát triển điện VII (2011 - 2020), cộng với việc chưa có kết quả khảo sát về điều kiện địa chất - thủy văn, nên EVN chưa đủ cơ sở để góp ý về sự cần thiết đầu tư 6 nhà máy thủy điện, quy mô công suất, sản lượng phát điện cũng như hiệu quả tài chính. Đây là những lý do khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu cần tiếp tục làm rõ thêm trong các bước tiếp theo, đặc biệt là việc đề xuất các cơ chế đặc thù cho Dự án.

“Giao Bộ Giao thông – Vận tải tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành để xem xét, quyết định phê duyệt đề xuất Dự án, giao nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất.

Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư