Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Tạo động lực mới khơi thông dòng vốn đầu tư vào Bình Thuận
Ngọc Tuấn - 22/09/2019 08:36
 
Nhằm tạo động lực mới cho hoạt động đầu tư, tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019 vào ngày 22/9. Nhân dịp này, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn tới.
.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Điểm đến đầu tư ưa thích

Thưa ông, chúng ta có thể cảm nhận một điều rằng, tỉnh Bình Thuận đang thu hút sự chú ý đặc biệt từ nhiều nhà đầu tư chiến lược, nhất là sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 là một sự kiện mang tầm quốc gia của tỉnh Bình Thuận được tổ chức thành công. Hội nghị có tác động lớn đến tình hình kêu gọi, thu hút đầu tư của địa phương trong 2 năm vừa qua. Chúng tôi nhận được sự chú ý đặc biệt từ cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua đó, giới đầu tư đã tìm hiểu và có quyết định đầu tư nhiều dự án lớn tại địa phương.

Có thể khẳng định, tỉnh Bình Thuận đã tận dụng nguồn lực từ các nhà đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế và gia tăng thu ngân sách địa phương. Các dự án đầu tư được triển khai góp phần tích cực giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện an sinh xã hội.

Ông có thể cho biết kết quả cụ thể trong thu hút đầu tư 2 năm qua?

Điều mà giới đầu tư có thể cảm nhận là cơ hội đầu tư còn rộng mở và dòng vốn luân chuyển về Bình Thuận diễn tiến rất tích cực. Minh chứng là số lượng lớn dự án được cấp chủ trương đầu tư, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Cụ thể, chỉ trong 2 năm, tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận đầu tư 264 dự án, với tổng vốn hơn 53.000 tỷ đồng; có khoảng 1.730 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 32.800 tỷ đồng. Đồng thời, đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội (năm 2017 chiếm 74,78%, năm 2018 chiếm 78,13% và năm 2019 chiếm khoảng 80%). Đặc biệt, đã có nhiều nhà đầu tư chiến lược, có tầm cỡ như Vingroup, Novaland, FLC… chọn Bình Thuận là điểm đến để đầu tư.

Các con số trên cho thấy, tốc độ tăng khá ổn định và giới đầu tư gia tăng niềm tin vào các chính sách, các cam kết từ chính quyền địa phương. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Thuận được cải thiện rất rõ nét, liên tục tăng từ năm 2016 đến nay. Năm 2018, PCI tăng lên 64 điểm, đứng thứ 22 trên 63 tỉnh, thành phố.

Dòng tài chính “rót” vào tỉnh Bình Thuận của giới đầu tư đã kích hoạt hoạt động kinh tế địa phương năng động hơn, thưa ông?

Phải ghi nhận một điều rằng, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp đã tác động rất tích cực đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế tỉnh Bình Thuận. Dòng tài chính của giới đầu tư đã giúp kích hoạt nhiều lĩnh vực kinh tế, khiến các lĩnh vực này trở nên năng động và hội nhập rất tốt, như thị trường du lịch, thị trường bất động sản, năng lượng sạch, công nghiệp chế biến xuất khẩu…

Theo đó, năm 2018, GRDP của Bình Thuận tăng 8,08% - mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2016 đến nay. Đáng chú ý là, đà tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì và có nhiều tín hiệu tích cực trong năm 2019. Tỉnh Bình Thuận xác định rõ, doanh nghiệp, nhà đầu tư là động lực quan trọng để địa phương phát triển. Về khía cạnh chính quyền, chúng tôi luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển thành công.

Động lực mới khơi dòng đầu tư

Ngày 22/9, Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2019 sẽ diễn ra. Đâu là lý do tỉnh lựa chọn thời điểm này để giới thiệu nhiều cơ hội tới các nhà đầu tư?

Hội nghị xúc tiến đầu tư năm nay sẽ tạo động lực mới cho các hoạt động đầu tư, đối ngoại trong giai đoạn tới. Đây là cơ hội để Bình Thuận tập trung thu hút đầu tư hệ thống hạ tầng dịch vụ du lịch, đáp ứng các tiêu chí hướng tới hiện thực hóa mục tiêu hình thành Khu du lịch quốc gia Mũi Né theo Quy hoạch Tổng thể phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1772/QĐ-TTg năm 2018.

Đây cũng là dịp thích hợp để “hâm nóng” quyết tâm thu hút đầu tư của tỉnh, bởi chỉ thời điểm “vàng” này mới tạo động lực mãnh mẽ để khơi dòng đầu tư đến với Bình Thuận. Chúng tôi đang hội tụ rất nhiều điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi và thành công. Đặc biệt nhất là đột phá về hạ tầng giao thông, khi các dự án trọng điểm như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Nha Trang đang gấp rút triển khai, Cảng quốc tế Vĩnh Tân đi vào hoạt động, Dự án sân bay Phan Thiết có nhiều tiến triển. Trong tương lai gần, Bình Thuận sẽ mở toang cửa ngõ giao thương, kết nối không gian kinh tế liên vùng.

Thêm nữa, dòng vốn đầu tư đang có xu hướng chuyển dịch từ trung tâm đô thị lớn về các địa phương giàu tiềm năng, còn dư địa phát triển bứt phá. Hoạt động đầu tư bất động sản du lịch ở Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng... chững lại, nên giới đầu tư chiến lược đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở miền đất mới như tỉnh Bình Thuận. Tương tự, lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng ghi nhận xu hướng các tập đoàn lớn đầu tư mở rộng, dịch chuyển nhà máy về các địa phương lân cận khi các trung tâm công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai trở nên chật chội và chi phí đầu tư cao.

Nếu tranh thủ được các làn sóng đầu tư chiến lược trên, tỉnh Bình Thuận sẽ có thêm nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế.

Hội nghị lần này, Bình Thuận sẽ mang tới “thực đơn” mới nào để hấp dẫn nhà đầu tư?

Hiện nay, Bình Thuận tập trung nguồn lực cho 5 đột phá. Đó là nhanh chóng hoàn thiện để trở thành điểm đến du lịch cấp quốc gia; phát huy lợi thế về công nghiệp năng lượng sạch; phát triển dịch vụ logistics trên nền tảng Cảng quốc tế Vĩnh Tân để trở thành điểm trung chuyển hàng hóa chiến lược kết nối khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên; phát triển khu công nghiệp phía Nam tỉnh đồng bộ, hiện đại để tận dụng lợi thế gần khu vực cảng Cái Mép và Sân bay quốc tế Long Thành, kết nối hệ sinh thái công nghiệp năng động Đông Nam bộ; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra chuỗi giá trị hàng hoá lớn và hiệu quả.

Dịp này, tỉnh Bình Thuận sẽ công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư. Theo đó, tỉnh tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án thuộc 3 lĩnh vực chủ đạo, bao gồm: du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị ven biển, khu dân cư; công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo; nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Danh mục dự án kêu gọi đầu tư tỉnh Bình Thuận lần này có 45 dự án thuộc 3 lĩnh vực nêu trên với các thông số rất chi tiết.

Kiến tạo môi trường thuận lợi

Liên tục trong 4 năm qua, PCI của Bình Thuận luôn tăng. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thưa ông?

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận không ngừng tạo dựng môi trường đầu tư chuyên nghiệp. Chúng tôi nỗ lực cải cách hành chính với mục tiêu xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người dân và các nhà đầu tư. Tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết đúng hạn các hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Thuận đạt bình quân 99,9%; mức rất hài lòng và hài lòng đối sự phục vụ của công chức, viên chức được hơn 99 % các tổ chức, cá nhân ghi nhận khi khảo sát.

Hệ thống kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận đang dần hình thành, hướng đến nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hiện Cổng thông tin điện tử tỉnh cung cấp thông tin trực tuyến chỉ đạo điều hành và đối thoại thông tin trực tuyến với người dân. Dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng thông tin điện tử, trên ứng dụng Zalo, cung cấp dịch vụ hành chính công… cho người dân, doanh nghiệp thông qua bất kể trong hay ngoài giờ làm việc, với phương châm “sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả hoạt động”. Bộ máy hành chính chuyển dần từ quản lý sang phục vụ, thông qua việc cải cách mạnh mẽ bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành kinh tế.

Có thể khẳng định, chính quyền tỉnh Bình Thuận triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện tốt môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số PCI. Việc chỉ số PCI của Bình Thuận liên tục được cải thiện, từ mức 58,2 điểm, xếp thứ 32 năm 2016, lên 64 điểm, đứng thứ 22 trong năm 2018 là một minh chứng. Chúng tôi tiếp tục nỗ lực nâng cao tính minh bạch, giảm chi phí phi chính thức để các nhà đầu tư được thuận lợi nhất.

Thưa ông, thông điệp mà lãnh đạo tỉnh Bình Thuận muốn gửi đến cộng đồng doanh nghiệp, giới đầu tư trong và ngoài nước nhận dịp Hội nghị lần này là gì?

Tỉnh Bình Thuận mong muốn đón chào nhiều nhà đầu tư chiến lược. Để có cơ sở đón nhà đầu tư chiến lược, phải có quy hoạch có tầm nhìn, rõ ràng và có quy mô lớn. Chúng tôi đang thông qua nhiệm vụ quy hoạch, sau đó xin ý kiến Trung ương để cuối năm nay bắt tay vào làm. Bình Thuận đặc biệt lưu tâm đến quy hoạch vùng tỉnh để tạo tích hợp, tính kết nối với các không gian kinh tế Đông Nam bộ, miền Trung, Tây Nguyên.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư lần này, tỉnh có sự thay đổi căn bản về chiến lược thu hút đầu tư, tư duy phát triển. “Kết nối tiềm lực - Phát triển bền vững” là mục tiêu lớn. Để làm được, cần kết nối nhiều nguồn lực. Thông điệp muốn gửi tới các nhà đầu tư là, chúng tôi mong kiến tạo môi trường thực sự thông thoáng, thân thiện và cam kết đồng hành để cộng đồng doanh nghiệp thành công.

Bình Thuận kêu gọi đầu tư vào 3 lĩnh vực trọng điểm
Ngày 22/9, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019 tại TP.Phan Thiết với ba lĩnh vực chính là du lịch, công nghiệp chế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư