Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tạo sức hút mạnh mẽ với du khách quốc tế
Phương Linh - 30/07/2023 15:15
 
Với chính sách thông thoáng hơn về thị thực và xuất nhập cảnh, mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023 hoàn toàn có thể vượt qua.

Đón đầu cơ hội

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Flamingo Redtours chia sẻ, lâu nay, chính sách visa luôn là một trong những “điểm nghẽn” của ngành du lịch. Do đó, những chính sách mới về thị thực, xuất nhập cảnh (có hiệu lực từ ngày 15/8/2023) sẽ tạo “cú hích” để du lịch Việt Nam thu hút du khách quốc tế.

Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp xây dựng lại các sản phẩm du lịch với thời gian dài hơn, lịch trình phong phú và hấp dẫn hơn để thu hút các thị trường khách có khả năng chi trả cao hơn, thời gian lưu trú lâu hơn cũng như xây dựng kế hoạch kinh doanh “dài hơi” hơn.

Đón đầu cơ hội, bên cạnh việc chủ động thông báo tới đối tác tại các thị trường liên quan về chính sách xuất nhập cảnh mới, Flamingo Redtours đang gấp rút thăm dò nhu cầu của khách hàng về các điểm đến, bổ sung các sản phẩm du lịch, dịch vụ phù hợp, hấp dẫn để du khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.

“Chung tôi sẽ thiết kế các sản phẩm du lịch dành cho khách có nhu cầu khám phá văn hóa Việt Nam, sản phẩm du lịch kết hợp chữa bệnh, các tour có lịch trình tại Việt Nam kết hợp một số nước trong khu vực. Các đối tác nước ngoài cũng đang tích cực hợp tác để hoàn thiện sản phẩm mới và quảng bá đến du khách. Chúng tôi kỳ vọng, ngay sau khi chính sách mới về visa có hiệu lực sẽ có nhiều đoàn khách tham gia các tour này”, ông Hoan nói.

Song song với việc xây dựng sản phẩm mới, các doanh nghiệp cũng lên kế hoạch và tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tiếp cận sâu từng thị trường; mời đoàn khảo sát của các đối tác tới Việt Nam...

Tăng liên kết

Ngành du lịch đang đứng trước cơ hội bứt tốc vào 6 tháng cuối năm 2023 và năm 2024. Tuy nhiên, visa mới chỉ là yếu tố mở đầu, như “lời mời” du khách đến với Việt Nam, còn lượng khách quốc tế đến Việt Nam và mức chi tiêu của khách có tăng mạnh hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như chất lượng dịch vụ lưu trú, ẩm thực, không gian, giá cả…

Do vậy, mỗi doanh nghiệp cần tìm hiểu, nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với từng thị trường; tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch, vừa nâng chất lượng, vừa đảm bảo mức giá cạnh tranh.

Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Công Hoan cho rằng, trong ngành du lịch, để thu hút được nhiều tệp khách hàng, ngoài sản phẩm phù hợp, truyền thông tốt, chính sách xuất nhập cảnh thông thoáng, thì giá tour hấp dẫn cũng là yếu tố rất quan trọng.

Trên thực tế, tại Việt Nam, nhiều chi phí đầu vào của ngành du lịch vẫn ở mức cao, điển hình như giá vé máy bay, dịch vụ nhà hàng, khách sạn đắt đỏ, chi phí lao động dịch vụ cũng tăng cao... Bởi vậy, rất khó để xây dựng các sản phẩm khuyến mại nhằm kích cầu du lịch, thu hút du khách cả trong và ngoài nước.

“Để giảm giá tour, bản thân ngành du lịch không thể làm một mình, mà cần có sự đồng đồng hành của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, nhằm khai thác tốt nhất những lợi thế mà chính sách mới mang lại”, ông Hoan nhấn mạnh.

Ngoài chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp mong muốn được cắt giảm nhiều loại chi phí khác như lãi suất, tiền thuê đất, phí dịch vụ… để có thể xây dựng các sản phẩm tốt với mức giá phù hợp hơn.

Có thể thấy, một trong những rào cản đối với du lịch Việt Nam là chính sách visa đã được tháo gỡ, song đây mới chỉ là “điều kiện cần”. Để du lịch Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức hút mạnh mẽ hơn, cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Các điểm du lịch phải không ngừng đổi mới, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Ngành du lịch, địa phương và doanh nghiệp cần kết hợp để triển khai công tác xúc tiến quảng bá bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn. Công tác quản lý điểm đến, đặc biệt là an ninh, an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách cần được chú trọng hơn nữa.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch cũng là vấn đề cần quan tâm, phải làm sao để vừa đáp ứng được nhu cầu về số lượng, vừa đáp ứng yêu cầu chất lượng, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ.

Ngoài ra, ngành du lịch cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động. Điều này không chỉ giúp tăng cường trải nghiệm khách hàng, mà còn giúp nâng cao hiệu suất và tối ưu hóa các hoạt động kinh doanh.

Muốn bắt kịp Thái Lan, du lịch Việt Nam học hỏi điều gì?
Cùng với chính sách visa thông thoáng, giá tour cạnh tranh, việc quảng bá, xúc tiến du lịch đổi mới, sáng tạo đã mang lại hiệu quả vượt trội cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư