Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
Tây Tạng - một lần đến, trọn đời yêu
Viễn Nguyệt - 19/02/2018 06:42
 
Tây Tạng, miền đất Phật thiêng liêng huyền bí, nơi được ví như nóc nhà thế giới, cực thứ ba của trái đất, là nơi mà bất cứ ai cũng mong ước được một lần đặt chân đến. Chỉ một lần thôi, nhưng có thể trọn một đời yêu…

Vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi việc xin giấy phép vào Tây Tạng còn là điều không tưởng với du khách nước ngoài, thì cô sinh viên Bùi Tuyết Lan - với cơ duyên và sự may mắn đặc biệt - đã được đặt chân lên miền đất Phật thiêng liêng huyền bí, nơi được ví như nóc nhà thế giới, cực thứ ba của trái đất. Và ngay lập tức, cô đã bị mê hoặc bởi sức quyến rũ của dãy Everest với sông băng, núi tuyết trải dài và những tu viện tuyệt đẹp như miền cổ tích - nơi chứa đựng những bí ẩn của Phật giáo Kim Cương thừa. Sức quyến rũ lớn đến nỗi, hơn 20 năm qua, Lan đã quay trở lại Tây Tạng tới… 34 lần.

Cung điện Potala.
Cung điện Potala.

Thật may mắn và cũng là cơ duyên, tôi được đồng hành cùng Lan trong chuyến tới Tây Tạng lần thứ 34 của cô. Cảm giác đến được một nơi chỉ gặp trong mơ bên cạnh người bạn đồng hành có niềm đam mê Tây Tạng kỳ lạ thật khó diễn tả. Hành trình 8 ngày ngắn ngủi trên miền đất chư thiên nhưng gây ấn tượng về lòng sùng đạo vô biên của người Tạng, về cảnh sắc thiên nhiên mê đắm sẽ còn sâu đậm đến suốt đời.

***

Sau chặng đường khá dài xuất phát từ Hà Nội bằng ô tô và một chặng bay nội địa, chúng tôi nghỉ đêm tại Trùng Khánh, điểm trung chuyển để lên Lhasa.

Những tiếng ồ lên kinh ngạc khi máy bay hạ dần độ cao để chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Gonggo Lhasa. Từ máy bay nhìn xuống, lớp lớp núi đá nhọn hoắt hiện ra giữa chờn vờn mây ánh lên vẻ đẹp kỳ ảo trong nắng chiều. Chúng tôi được tự do di chuyển ra sát cửa sổ để chiêm ngưỡng những dòng sông băng vĩnh cửu an nhiên trên đỉnh trời hàng triệu triệu năm qua.

Choàng lên cổ đoàn du khách chiếc khăn trắng Cát Tường chúc phúc, Gia Hỷ - hướng dẫn viên người Tạng chào đoàn bằng câu chúc tiếng Tạng. Quãng đường hơn 60 km về khách sạn ở Lhasa - thủ phủ Tây Tạng như ngắn lại bởi phong cảnh thiên nhiên đẹp mê hồn. Ánh mặt trời phản chiếu khiến dòng sông Yarlung Tsangpo bừng lên. Khung cảnh như một bức tranh sơn thủy.

Điều làm cả đoàn ngỡ ngàng là Lhasa quá hiện đại, nhiều công trình xây mới, cả thành phố sáng choang trong ánh điện. Thoáng chút buồn, Lan bảo Lhasa ngày nay khác xa so với thời gian đầu cô đặt chân đến, nét đặc trưng của Tây Tạng đang bị mai một dần trước tốc độ đô thị hóa quá nhanh.

Ở độ cao 3.700 m so với mặt nước biển, lượng ô-xy trong không khí chỉ khoảng 30% so với đồng bằng, cộng với cái lạnh âm 10 độ C, phản ứng cao nguyên bắt đầu hành hạ các du khách đến từ xứ sở nhiệt đới. Cảm giác “hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ù tai, buồn nôn” xảy ra ở hầu hết các thành viên trong đoàn. 

2h sáng, Lan phải đưa một vị khách đi cấp cứu tại bệnh viện Lhasa. Điều may mắn là hôm sau, vị khách này đã trở lại trạng thái bình thường và tiếp tục hành trình. Lan kể, nhiều trường hợp do uống không đúng thuốc hoặc hoạt động sai chỉ dẫn..., đã phải nằm lại khách sạn trong suốt thời gian ở Tây Tạng.

Vẻ đẹp Tây Tạng không áng văn nào có thể diễn tả hết, không máy ảnh nào có thể thu trọn được thiên nhiên hùng vỹ, say đắm lòng người.

 

Chúng tôi đã bắt đầu hành trình khám phá Tây Tạng bằng việc đến thăm Cung điện Potala - niềm tự hào của người dân Tây Tạng, di sản văn hóa nằm ở độ cao cao nhất thế giới. Khi chúng tôi tới, Potala nguy nga, lộng lẫy trong nắng sớm vẫn phảng phất hơi sương.

Tọa lạc trên núi Hồng Sơn, Potala cao 117 m, gồm 13 tầng. Chữ Potala là dịch âm của Phổ Đà La, nghĩa là cung điện nơi ngự các đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tối cao của người dân Tây Tạng. Cung điện được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 dưới thời vua Tùng Tán Cán Bố (Songtsan Gambo). Đến đời Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 mở rộng quy mô và biến Potala thành cung điện mùa đông sau này. Vào thăm Potala, du khách phải qua hai cửa kiểm soát an ninh cực kỳ nghiêm ngặt; diêm, bật lửa và tất cả vật dụng kim loại buộc phải để lại. Tuyệt đối không được chụp ảnh bên trong cung điện.

Đoàn người hành hương từ khắp nơi đổ về Potala ngày một đông, mắt họ chăm chú nhìn về phía trước, một tay lần tràng hạt, tay kia không ngừng xoay “kinh luân”. Lan giải thích, đó là chuông chuyển kinh từ cõi người lên cõi Phật, mỗi khối chuyển kinh luân được đúc bằng đồng có trục dọc để lúc nào cũng quay tròn đó chứa đến hàng vạn câu kinh Phật “Om Mani Padme Hum” - câu lục đại tự minh thần chú của đức Quán Thế Âm Bồ Tát.

Ngay cổng chính, một khối đá to được khắc chữ “công trình được đặt dưới sự bảo vệ của nhà nước Trung Quốc”. Potala gồm Hồng cung và Bạch cung, với diện tích khoảng 130.000 m2; 1.500 căn phòng, chứa hơn 10.000 Phật điện; 20.000 tượng điêu khắc; tháp vàng của các vị Lạt Ma cùng vô vàn tranh, kinh kệ quý giá, nơi đây quả xứng đáng kỳ quan của nhân loại.

Cung điện lớn nhất của Bạch cung là nơi đức Đạt Lai Lạt Ma cử hành những nghi lễ tôn giáo chính trong năm. Linh đường có thể chứa tới 5.000 người. Nơi linh thiêng nhất Hồng cung là linh tháp của các đức Đạt Lai Lạt Ma, trong đó Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 được đúc bằng hàng ngàn kg vàng, cao 15 m, như bày tỏ lòng biết ơn đối với người đã xây dựng nên công trình vĩ đại này. Linh tháp các đời Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 đến thứ 12 đều được dát vàng và khảm đá quý. Riêng linh tháp Đạt La Lạt Ma đời thứ 13 mang phong cách Tây phương.

498 bậc thang để lên đỉnh cao nhất của cung điện như thử thách những tấm lòng thành. Cảm giác mệt mỏi tan biến, nhường chỗ cho lòng kính phục vô biên trước trí tuệ siêu việt, niềm tin và sức mạnh của người Tạng, những người đã làm nên những kiệt tác của nền văn hóa Tây Tạng từ cách đây 14 thế kỷ.

Chùa Jokhang (Đại Chiêu tự), trái tim của Lhasa được xây từ thời công chúa Văn Thành (Trung Hoa, thời nhà Đường) kết hôn với vua Tùng Tán Cán Bố. Tương truyền, nơi xây ngôi chùa là một hồ nước - vốn là trái tim của một yêu nữ, nên cứ xây lên là đổ. Công chúa Văn Thành là người am hiểu phong thủy đã trấn đất này bằng cách ném chiếc nhẫn đang đeo xuống hồ và cho 1.000 con dê chở đất đổ vào hồ để khắc chế yêu ma quấy nhiễu. Trong tiếng Tạng, dê là “Ra”, đất là “Sa”, ghép lại thành RaSa. Dần dần, cách đọc bị biến âm và có tên Lhasa.

Từng đoàn, từng đoàn người mộ đạo đi vòng quanh chùa (người Tạng gọi là đi “nhiễu”), có người hành hương “tam bộ nhất bái, ngũ thể nhập địa”, đi ba bước rồi vái lạy, năm bộ phận trên cơ thể là trán, 2 bàn tay, 2 đầu gối chạm đất, miệng vẫn lầm rầm cầu kinh.

Theo quan niệm của người Tây Tạng, sống là để phục vụ đạo pháp, vật chất chỉ là phương tiện thuần túy để vươn lên tới đỉnh cao tâm linh. Vì lẽ đó, họ dành phần lớn thời gian cho những cuộc hành hương đến cõi Phật. Có người đã đi hàng ngàn cây số để đến miền đất tâm linh, nhiều người vĩnh viễn nằm lại dọc đường.

***

Đường đến Shigatse (cách Lhasa gần 400 km) thẳng tắp chạy qua các cao nguyên hoang vu. Thiên nhiên Tây Tạng cực kỳ khắc nghiệt, nhưng có lẽ chính điều đó đã tạo nên vẻ đẹp không nơi nào có được, một sức sống mãnh liệt bất chấp sự tàn nhẫn của thời tiết.

Có lần Lan bảo rằng, vẻ đẹp của Tây Tạng không một áng văn nào có thể diễn tả hết, không một máy ảnh nào có thể thu trọn được khung cảnh thiên nhiên vừa hùng vỹ, vừa quyến rũ say đắm lòng người và hôm nay tôi đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp diệu kỳ ấy. Đất trời bao la khoáng đạt, không gian thanh tịnh, chốn bồng lai tiên cảnh có thực nơi hạ giới.

Vùng đất Tây Tạng xưa kia vốn nằm dưới đáy biển, do bán đảo Ấn Độ di chuyển, va chạm vào lục địa châu Á trồi lên thành dãy Himalaya và cao nguyên Tây Tạng ngày nay. Điều này lý giải vì sao ở độ cao trên 5.000 m lại có hồ nước mặn Namtso lớn nhất thế giới.

Vượt qua đèo Gambala cao trên 5.000 m (còn gọi là đèo tử thần), chúng tôi có mặt tại hồ Yamdrok (hay còn gọi là hồ San hô - một trong ba thánh hồ Tây Tạng). Với diện tích 72 km2, nước hồ xanh như ngọc, nhìn từ trên cao, hồ có hình con bọ cạp, xa xa là dãy tuyết sơn trắng trải dài, bao quanh hồ là những dãy núi có độ cao trên 6.000 m.

Chia tay Yamdrok, chúng tôi đến Gyantse, thị trấn nằm giữa Lhasa và Shigatse. Ghé thăm tu viện Palkhor và ngôi đền KumBum (Mạn Đà La) kiến trúc độc đáo nhất Tây Tạng. Đền KumBum còn được gọi là Thập Vạn Phật Pháp, gồm 9 tầng, 108 cửa và 77 gian thờ, có tới 100.000 bức tranh tường, nhiều bức tượng Phật.

Từ Gyantse đi khoảng 100 km là đến Shigatse, chạy qua những cánh đồng phì nhiêu màu mỡ. Shigatse nằm ở độ cao 3.900 m, là thành phố lớn thứ 2 sau Lhasa, nhưng lại hiện đại không kém gì các đô thị lớn Trung Quốc. Lan cho hay, Trung Quốc chỉ mất 6 năm để xây dựng một Shigatse hoành tráng của ngày nay.

Đến đây, cả đoàn đã thực sự thích nghi với độ cao và thời tiết. Không ai còn phải dùng đến thuốc và bình ô xy mini. Cảm giác dễ chịu vô cùng.

Tashilumpo là nơi trú ngụ của các Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Lama - Đức Phật sống - là cấp bậc cao nhất mà một Lama có thể đạt được) được xây dựng vào thế kỷ 15, trên diện tích 18,5 ha, với 50 giảng đường và 3.600 phòng. Tại chính điện, bức tượng Phật Quan Âm với chiều cao 27 m, tượng đồng cao nhất thế giới, nặng 115 tấn, được trang hoàng bằng vàng, đá quý. Tháp thờ di cốt của Đạt Lai Lạt Ma thứ nhất cũng được dát bằng vàng. Bên cạnh là các tháp của các vị Ban Thiền thứ 5 đến thứ 9…

***

Đêm trên tàu rời Lhasa, tôi thức trọn để đọc Con đường mây trắng của Angarika Govinda, với tâm thế tiếp nhận và cảm nhận, khắc sâu vào tâm tưởng những gì đã trải qua trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Tây Tạng. Một cảm giác bồi hồi rất khó diễn tả thành lời.

Xin mượn lời của Angarika Govinda thay cho lời kết: “Lý do gì mà Tây Tạng được cả thế giới quan tâm sâu sắc đến thế? Nơi đây chỉ có một câu trả lời duy nhất: Tây Tạng đã thành biểu tượng cho tất cả những gì nhân loại đã mất và đang có nguy cơ vĩnh viễn bị hủy diệt, mặc dù cả loài người không mong chờ gì hơn cho xứ này là giữ vững một truyền thống không những có gốc rễ trong một quá khứ lịch sử và văn hóa, mà trong tự tính sâu xa của con người, trong chiều sâu thẳm đó mà quá khứ này là suối nguồn luôn luôn hiện diện cho sự sáng tạo Tâm Linh...”.

Chuyện làm ăn ở Phố cổ Hội An thời 4.0
Một cú click chuột đã đem về hàng ngàn USD, một nhấn Enter, hàng có thể sang tận Mỹ, châu Âu… Và cũng những thao tác ấy, người Hội An đã mời...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư