Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 10 năm 2024,
Thách thức nào chờ CEO 4.0 của FPT?
Nguyên Đức - 01/08/2013 07:46
 
Ông Bùi Quang Ngọc là vị CEO thứ 4 của FPT. Trước đó, đã có 3 vị tiền nhiệm tài giỏi. Liệu ông Ngọc có vượt qua được cái bóng của họ?

Vị thuyền trưởng tài ba nhất, nổi bật nhất của FPT, và có “cái bóng” lớn nhất ở FPT, tất nhiên là ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT.

Ông Trương Gia Bình, đương nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT

Ngày 13/9/1988, ông Trương Gia Bình đã cùng với 12 nhà khoa học khác của Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn để thành lập Công ty Công nghệ thực phẩm FPT, tiền thân của Công ty cổ phần FPT ngày nay.

Trong suốt quá trình phát triển, ông luôn là linh hồn, là người tập hợp lực lượng và luôn đưa ra những định hướng chiến lược quan trọng trong từng giai đoạn để giữ vững sự tăng trưởng vượt bậc của FPT.

Dưới sự dẫn dắt của ông, FPT đã trở thành công ty công nghệ thông tin và viễn thông hàng đầu của Việt Nam và đang nỗ lực để trở thành một công ty mang tầm vóc quốc tế.

Ông Bình chính là vị CEO đầu tiên của FPT, kể từ khi thành lập cho tới trung tuần tháng 12/2008, khi Hội đồng Quản trị FPT quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Nam làm Tổng giám đốc từ ngày 15/4/2009.

Ngày 26/9/2012, khi vị CEO thứ ba - ông Trương Đình Anh - lặng lẽ rời khỏi ghế Tổng giám đốc FPT, ông Bình đã quay trở lại nắm quyền điều hành FPT. Và nay, ở cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ông đã quyết định trao quyền cho “phó tướng” của mình là ông Bùi Quang Ngọc.

Sinh năm 1956, ông Trương Gia Bình đã tốt nghiệp Khoa Toán cơ, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow mang tên Lomonosov, Liên Xô cũ (nay thuộc Liên bang Nga) vào năm 1979. Ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cũng tại trường đại học này vào năm 1982 và ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Phó giáo sư năm 1991.

“Việc bổ nhiệm Tổng giám đốc mới là nhằm tách bạch chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc theo chuẩn mực quản trị hiện đại và giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty”, ông Bình đã phát biểu như vậy sau quyết định lựa chọn ông Bùi Quang Ngọc làm người kế nhiệm.

Ông Bình hiện vẫn tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT.

Ông Nguyễn Thành Nam trở thành vị CEO
thứ hai của FPT năm 2008

Quay trở lại lịch sử, sau khi ông Trương Gia Bình “thoái vị” vào tháng 12/2008, thì ông Nguyễn Thành Nam đã trở thành vị CEO thứ hai của FPT. Ông Nguyễn Thành Nam cũng chính là người cùng với ông Trương Gia Bình và 11 anh tài khác sáng lập ra Tập đoàn FPT, và đã nắm giữ nhiều trọng trách của Tập đoàn FPT.

Vào thời điểm nhậm chức, tháng 4/2009, ông Nam đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Phần mềm FPT, một công ty thành viên của Tập đoàn FPT, có tốc độ tăng trưởng 70%/năm.

Dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Thành Nam, Công ty Phần mềm FPT trở thành công ty xuất khẩu phần mềm hàng đầu khu vực, mở đầu chiến lược toàn cầu hóa tại FPT và ghi danh ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam trên bản đồ phần mềm thế giới.

Công ty Phần mềm FPT từ 17 người năm 1999 phát triển thành Công ty có số nhân viên 2.700 vào năm 2008.

Ông Nguyễn Thành Nam ngồi “ghế nóng” ở FPT đến ngày 23/2/2011, sau đó là thành viên Hội đồng Sáng lập FPT. Từ tháng 7/2012 đến nay, ông Nam đảm nhận vai trò làm Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học FPT khóa II, nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Ông Nguyễn Thành Nam tốt nghiệp Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow mang tên Lomonosov, Liên bang Nga và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán năm 1988 cũng tại trường đại học này.

Trong gần 2 năm đảm nhiệm cương vị CEO FPT, ông đã hoàn tất nhiệm vụ quan trọng nhất là lập kế hoạch cho sự phát triển của FPT trong giai đoạn mới, bổ sung nhân sự cấp cao và xây dựng chiến lược thương hiệu mới của tập đoàn.

Tuy nhiên, tháng 2/2011, ông Nguyễn Thành Nam đã bất ngờ từ chức và được Hội đồng Quản trị FPT chấp thuận.

Ông Trương Đình Anh ngồi ghế CEO
của FPT vào tháng 3/2011

Ông Trương Đình Anh đã thế vào vị trí đó vào tháng 3/2011. Vào thời điểm đó, FPT đang cần một thế hệ lãnh đạo mới và ông Trương Đình Anh được đánh giá là người phù hợp nhất với vị trí này.

Ông Trương Đình Anh gia nhập FPT năm 1993. Trong suốt 20 năm qua, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng và có nhiều đóng góp cho FPT.

Công ty cổ phần Viễn thông FPT - công ty thành viên có vốn điều lệ lớn nhất FPT - dưới sự điều hành của ông đã trở thành một trong những công ty viễn thông hàng đầu Việt Nam. Trên cương vị lãnh đạo, ông luôn là người đi tiên phong, quyết đoán, sẵn sàng theo đuổi mục tiêu đến cùng.

Ông là cha đẻ của mạng Intranet đầu tiên, có nhiều người dùng nhất ở Việt Nam (Trí Tuệ Việt Nam - TTVN).

Sinh năm 1970, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội năm 1992, ông Trương Đình Anh là người nổi tiếng với tuyên bố muốn là Thủ tướng vào năm 40 tuổi.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm dẫn dắt FPT, đến đầu tháng 8/2012, ông Trương Đình Anh bất ngờ xin nghỉ phép hai tháng. Sau đó, ngày 26/9/2012, Hội đồng Quản trị FPT đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của ông Trương Đình Anh và bổ nhiệm Chủ tịch Trương Gia Bình kiêm nhiệm làm Tổng giám đốc FPT.

Ông Bùi Quang Ngọc có thoát khỏi cái bóng của những người tiền nhiệm như ông Trương Gia Bình?

Hiện ông Ngọc nắm gần 10,2 triệu cổ phiếu FPT, tương đương 3,7% số cổ phiếu đang lưu hành. Với mức giá giao dịch khoảng 43.000 đồng/cổ phiếu hôm 31/7, thì giá trị vốn hóa số cổ phiếu FTP ông Ngọc nắm giữ khoảng 337 tỷ đồng.

Và giờ đây, “chiếc ghế nóng” của FPT đã có chủ mới - dù cũng là người cũ: ông Bùi Quang Ngọc, “phó tướng” và cũng là người bạn từ thuở học sinh của ông Trương Gia Bình.

Ông Bình khẳng định rằng, "Hội đồng Quản trị đã quyết định lựa chọn một người am hiểu sâu sắc FPT, có năng lực quản trị và tổ chức triển khai như ông Bùi Quang Ngọc đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Tập đoàn”.

Trong khi đó, tân Tổng Giám đốc FPT, ông Bùi Quang Ngọc khẳng định: “Sự hiểu biết về FPT, kinh nghiệm quản trị và điều hành FPT trong 15 năm làm Phó tổng giám đốc sẽ đem lại thuận lợi cho tôi khi đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc".

Chúng ta cùng chờ xem, cách tân CEO của FPT thể hiện và khẳng định mình như thế nào.

FPT sắp có Tổng giám đốc mới
Nhiều khả năng, tháng 8 tới, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FPT sẽ có người kế nhiệm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư