Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Than nội kêu trời với hàng nhập ngoại
Thanh Hương - 04/09/2016 09:25
 
Đã có hơn 9 triệu tấn than được nhập khẩu kể từ đầu năm tới ngày 15/8/2016. Điều này cho thấy, thị trường năng lượng đang có sự thay đổi mạnh mẽ.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 8/2016, cả nước đã nhập khẩu 791.000 tấn than với trị giá 53,6 triệu USD. Tính chung từ đầu năm tới nay, cả nước đã nhập khẩu 9,167 triệu tấn than, với trị giá 574 triệu USD.

Thực tế này cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ về nhập khẩu than trong năm 2016, khi cả năm 2015 trước đó, tổng lượng than nhập khẩu cả nước là 6,96 triệu tấn, với trị giá 548 triệu USD.

.
Ngành than phải nỗ lực đầu tư công nghệ để có thể nâng cao sức cạnh tranh

Được biết, Tổng cục Hải quan cũng đang rà soát việc nhập khẩu than của các đơn vị có liên quan, cũng như tính pháp lý của việc nhập khẩu than khi khối lượng nhập khẩu đang có sự gia tăng mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho hay, trong số than nhập khẩu từ đầu năm tới nay, Vinacomin chỉ nhập khoảng 1 triệu tấn, còn lại chủ yếu là của các doanh nghiệp nhập khẩu thương mại. Sản lượng than nhập khẩu từ các nước bán vào Việt Nam tăng nhanh, gây sức ép lên ngành than nội địa. Dự kiến, sản lượng than trong năm 2016 giảm 8,5% và ngành đang gặp nhiều khó khăn.

Theo kế hoạch, năm 2016, Vinacomin sẽ sản xuất và tiêu thụ khoảng 36 triệu tấn than. Nhưng đến nay, Vinacomin đã phải giảm kế hoạch sản lượng xuống còn 33 triệu tấn.

“Đạt được khối lượng khai thác này, Vinacomin cũng chỉ đảm bảo việc làm cho công nhân lao động 5 ngày/tuần. Nếu không đạt được, công nhân không đủ việc làm, sẽ khó khăn cho ngành than trong cả trước mắt và lâu dài, khi nhu cầu than cho điện sẽ tăng cao”, ông Biên bày tỏ. Được biết, lao động trong ngành than đã giảm từ 121.000 người năm 2015, xuống 115.000 người năm nay.

Lý giải việc than nhập khẩu đột biến gia tăng trong năm nay, đại diện Vinacomin cho biết, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế, nhu cầu chậm lại, trong khi năng lực sản xuất than của nhiều nước còn cao, nên giá than trên thị trường quốc tế giảm mạnh, khiến lượng than nhập khẩu về Việt Nam tăng. Chỉ tính riêng Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu đã giảm 280 triệu tấn than và cả năm dự kiến sẽ cắt giảm sản xuất 500 triệu tấn. Diễn biến của thị trường than quốc tế khiến nhiều nước phải điều chỉnh giảm thuế để ổn định sản xuất, việc làm, đảm bảo đời sống cho thợ mỏ. 

Trong khi đó, tại Việt Nam, các loại thuế, phí với than liên tục tăng trong những năm gần đây. Nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác 2% được Vinacomin cho là “bản chất là thu thuế tài nguyên lần 2 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành”, thì than hầm lò hiện phải nộp thuế 12%, than lộ thiên phải nộp 14% thuế tài nguyên. Mức thuế tài nguyên này cao hơn nhiều so với một số nước trong khu vực. Cụ thể, tại Australia, thuế suất thuế tài nguyên với than lộ thiên trung bình là 7%, hầm lò là 6% và nếu mỏ sâu hơn 400 mét thì chỉ còn 5%, đồng thời giá tính thuế được trừ chi phí sàng tuyển, vận chuyển, tiêu thụ, phí tìm kiếm thăm dò... Tại Indonesia, mức thuế tài nguyên chỉ từ 3 - 7%; tại Trung Quốc là 0 - 4%.

Như vậy, chỉ riêng thuế tài nguyên của Việt Nam đã cao hơn từ 7 - 10% so với các nước trong khu vực. Cộng với thuế nhập khẩu than vào Việt Nam là 0%, thuế xuất khẩu than của các nước là 0%, than ngoại đang có nhiều cơ hội để lấn sân than nội.

“Việc thuế, phí cao hơn các nước trong khu vực đã làm giảm sức cạnh tranh của than Việt Nam. Than nhập khẩu tràn vào đúng lúc ngành than đang có nhiều khó khăn”, ông Biên nói và cho biết, lượng than xuất khẩu của Vinacomin từ đầu năm tới nay giảm và chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên do là quyết định cho phép xuất khẩu than chất lượng cao mà trong nước không sử dụng tới cuối tháng 4/2016 mới có, nên khách hàng lớn đã chuyển sang mua than của các nước khác.

Vinacomin đang chủ động áp dụng nhiều giải pháp tái cơ cấu, điều hành sản xuất hợp lý, nâng cao năng suất lao động để tiết giảm chi phí.

Mặc dù vậy, theo ông Biên vẫn có tín hiệu lạc quan. Ước tính, than vẫn chiếm tới 39% cơ cấu năng lượng thế giới, giá than hiện nay đã tăng nhẹ, lên khoảng 70 USD/tấn. “Để có thể nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh các chi phí và điều kiện khai thác than ngày càng khó khăn, đòi hỏi ngành than phải nỗ lực đầu tư công nghệ”, ông Biên nói.

Ngành Than cần 270.000 tỷ đồng vốn đầu tư đến 2030
Ngày 31/8/2016, Bộ Công thương đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than đến năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư