Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thành công của doanh nhân Việt đo bằng sự dũng cảm
Khánh An - 13/10/2019 11:06
 
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không muốn nói nhiều lời hoa mỹ trong Ngày Doanh nhân Việt Nam. “Tôi muốn gọi các doanh nhân là những dũng sỹ, những anh hùng của nền kinh tế”, ông chia sẻ.
.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Thưa ông, 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam chắc chắn là một dấu ấn trong chặng đường phát triển của cộng đồng kinh doanh. Ông muốn nói điều gì vào ngày mà chỉ duy nhất doanh nghiệp Việt Nam mới có?

Ngày 13/10 là ngày khai sinh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Gọi vậy, vì việc hình thành và phát triển ngày càng đông đảo của đội ngũ doanh nhân là thành quả quan trọng nhất của quá trình đổi mới của Việt Nam. Hành trình đó đã kéo dài hơn 30 năm và vẫn chưa hết gian nan, nhưng chúng ta đã có một cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân về cơ bản đóng góp xứng đáng vào các bước phát triển của nền kinh tế.

Trong những năm qua, để nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, liên tục, ngay cả giai đoạn kinh tế thế giới khó khăn, có công lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Ngay cả thông tin năng lực cạnh tranh Việt Nam vừa có bước bứt phá tới 10 bậc trên Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) – mức tăng nhiều nhất và cũng là duy nhất trong Bảng GCI 2019, có vai trò của doanh nghiệp Việt.

Tất nhiên, Nhà nước tạo ra thể chế, tạo ra nền tảng, còn doanh nghiệp, doanh nhân tạo ra các giá trị thực tế. Nhưng, tôi vẫn muốn nói rõ công trạng này và cả sự dũng cảm của những người đã chọn con đường kinh doanh tại Việt Nam.

doanh nghiệp Việt đang cần một thể chế vượt trội, cần tư duy quản lý kinh tế 4.0 để bứt phá.  Trong ảnh: Diễn đàn Việt Nam 2045- Khát vọng hùng cường và sứ mệnh của doanh nhân.
Doanh nghiệp Việt đang cần một thể chế vượt trội, cần tư duy quản lý kinh tế 4.0 để bứt phá. Trong ảnh: Diễn đàn Việt Nam 2045- Khát vọng hùng cường và sứ mệnh của doanh nhân.

Thực ra, kinh doanh luôn là một nghề khó khăn, đòi hỏi người kinh doanh cả trí tuệ và sức lực, vì đi cùng với họ là việc làm của người lao động, là các khoản thuế phải nộp…

Ở các nền kinh tế phát triển, con đường của doanh nghiệp, doanh nhân đơn giản hơn. Họ chỉ phải đối diện với thị trường, đối mặt với cạnh tranh về công nghệ, về năng lực quản trị…

Các doanh nhân Việt Nam không chỉ đối mặt với những thách thức đó. Cách đây 15 năm, khi Ngày Doanh nhân Việt Nam ra đời, chúng tôi đã hào hứng nói về một không gian không giới hạn cho sự sáng tạo của người kinh doanh; về không gian mà ở đó, người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm.

Nhưng phải thẳng thắn, đầu cơ và quan hệ vẫn là hai từ khóa để nói về môi trường kinh doanh Việt Nam những năm sau đó, khiến cho sự phát triển của nhiều doanh nghiệp trở nên gập ghềnh.

Hiện tại, mặc dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện từ phía Chính phủ, các địa phương, bộ, ngành, nhưng môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn còn nhiều bất định. Trong bối cảnh này, thành công của doanh nghiệp, doanh nhân Việt không thể chỉ đo bằng thành quả từ hoạt động sản xuất – kinh doanh, không thể chỉ đo bằng các con số tăng trưởng, doanh thu, lợi nhuận, mà phải đo bằng sự dũng cảm.

Khi nói về cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, nhiều quan điểm cho rằng, sự lớn lên của nhiều doanh nghiệp không mang tính đại diện, bởi yếu tố đầu cơ hay quan hệ. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Sự đầu cơ, làm giàu dễ dàng của một số doanh nghiệp là có, nhưng đó là bộ phận nhỏ và không mang tính đại diện.

Còn cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đổ mồ hôi, sôi nước mắt để làm giàu, làm nên sức sống bền bỉ của nền kinh tế. Chính những con người này phải gánh chịu thiệt thòi từ sự bất định của thể chế, bất ổn của môi trường kinh doanh.

Theo quan điểm của tôi, các doanh nghiệp làm ăn được, trụ vững được trong môi trường này là những dũng sỹ; còn doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả cao, đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước là những anh hùng.

Vì họ thực sự là những người dám đánh cược cả sự nghiệp, thậm chí cả cuộc đời để làm những điều không nhiều người dám đối đầu. Đằng sau mặt phải của tấm huân chương là những doanh nghiệp thành đạt, không biết bao nhiêu người đã lặng lẽ ra đi, làm lại nhiều lần, có người thân bại, danh liệt…

Nhưng nhờ vậy, cộng đồng doanh nghiệp Việt được định hình là cộng đồng có khả năng chống chịu, linh hoạt và bắt đầu có tín hiệu về sức sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp… dù chưa thực sự bền vững.

Trong giới kinh doanh, khát vọng về những doanh nhân có tuổi và doanh nghiệp không tuổi bắt đầu được bàn đến. Nhiều doanh nhân đang chuẩn bị rất thận trọng cho thế hệ kế cận. Họ đang muốn thay đổi để phát triển bền vững, chứ không chỉ là những tín hiệu, thưa ông?

Phải khẳng định, Việt Nam đang có nhiều doanh nghiệp mạnh, có năng lực cạnh tranh ngang ngửa với thế giới về sức phát triển, tốc độ vươn cao.., nhưng chúng ta chưa có một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân có năng lực vượt trội.

Nhiều doanh nghiệp vẫn dựa dẫm vào tài nguyên, đất đai, cơ chế xin – cho để sống. Nhưng, chiếc áo này đã chật.

Chính phủ đang giương cao ngọn cờ cải cách thể chế, đổi mới tư duy để nền kinh tế Việt Nam dứt khoát chuyển dang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập.

Thị trường thế giới đang cấu trúc lại, theo nghĩa chuyển dịch, làm mới bởi sự tham gia của công nghệ, chuyển đổi số và của các đợt xung đột thương mại, những thay đổi chính sách thương mại nhiều quốc gia… Mô hình kinh doanh trên thế giới thay đổi, tạo mới nhanh chóng.

Thị trường Việt Nam gần 100 triệu dân, đang sở hữu nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nắm ở vị trí thuận lợi…

Tất cả điều kiện trên đang mở cơ hội cho doanh nghiệp Việt làm những điều chưa thể làm trong giai đoạn vừa qua, nhất là tạo nền tảng phát triển bền vững.

Nhưng ông đã từng nói, chìa khóa cho sự thay đổi của doanh nghiệp lại nằm trong tay Nhà nước, với bàn tay kiến tạo, nên nhiều lúc thật khó công bằng khi đánh giá doanh nghiệp ở thời điểm này?

Tất nhiên, trong bức chân dung còn nhiều điểm gợn về doanh nhân Việt Nam, có lý do của môi trường kinh doanh. Họ đã hình thành trong lòng thể chế kế hoạch hóa tập trung, trong sự khó khăn, thiếu minh bạch khi chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường… nên nhiều khi bắt đầu sự nghiệp bằng sự thiếu chuẩn mực, thiếu thị trường, thiếu công khai… Đó là nỗi đau của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt.

Cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đổ mồ hôi, sôi nước mắt để làm giàu, làm nên sức sống bền bỉ của nền kinh tế.

Đất nước sẽ không thể vượt khỏi bẫy thu nhâp trung bình, không thể thực sự chấm dứt giai đoạn chuyển đổi, trở thành nền kinh tế thị trường hoàn thiện nếu chúng ta không vượt khỏi được chất lượng thể chế trung bình. Doanh nghiệp Việt cũng không thể bứt phá, không thể thực sự sánh ngang với các nước nếu không được hoạt động trong một môi trường an toàn, minh bạch, bảo vệ sự sáng tạo.

Lúc này, cả nền kinh tế và doanh nghiệp cần một thể chế vượt trội, cần tư duy quản lý kinh tế 4.0, chứ không chỉ là các thể chế có tính phổ biến, theo thông lệ. Vì chấp nhận đi theo thông lệ, chúng ta sẽ lại đi sau; chọn vượt trội, chúng ta có cơ hội để vượt lên.

Đây là lý chúng tôi kiên trì với các đề nghị xây dựng thể chế kiến tạo, phát triển thay vì chỉ tháo gỡ vướng mắc cũ. 50% điều kiện kinh doanh được cắt bỏ làm doanh nghiệp rất mừng, nhưng phải nhìn lại có cần quản lý các ngành nghề đó bằng điều kiện kinh doanh không? Cắt bỏ thủ tục kiểm tra chuyên ngành cũng làm doang nghiệp vui, nhưng có cần nhiều cơ quan kiểm tra đến vậy không?…

Với tư duy kiến tạo này, khu vực tư nhân mới thực sự phát huy được vai trò tiên phong, mới trở thành người mở đường thực sự cho các ngành, lĩnh vực mà nền kinh tế cần, thay vì chạy theo các dự án đơn lẻ, lộn xộn, phá vỡ quy hoạch.

Và một lần nữa, tôi thấy cần nhấn mạnh yêu cầu về làn sóng cải cách lần hai, bởi đòi hỏi vượt bẫy thu nhập trung bình của nền kinh tế và yêu cầu khách quan của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Một lần nữa, doanh nghiệp đòi hỏi dũng cảm, bản lĩnh để thay đổi?

Rất khó cho doanh nghiệp nếu thể chế ngập ngừng trước đòi hỏi thay đổi, vì bài toán phải giải là đầu tư cho quan hệ hay đầu tư cho quản trị, công nghệ… Lúc này, cộng đồng kinh doanh cần thông điệp và hành động rõ ràng về con đường đi tới của nền kinh tế.

Tôi đang thấy làn sóng nâng cấp trong chính các doanh nghiệp. Hơn ai hết, họ nhìn thấy cơ hội và cả đòi hỏi phải thay đổi. Nhiều doanh nghiệp nói về khó khăn, nhưng họ cũng nói đó là con đường thênh thang để đi dài, cả trăm năm.

Nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ thịnh vượng, phồn vinh khi có một lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân có tầm nhìn trăm năm…

Ông Vũ Tiến Lộc: Kinh tế tư nhân vẫn "cô đơn"
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc thẳng thắn chỉ ra sự yếu kém của kinh tế tư nhân chính là điểm nghẽn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư