Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thanh Hóa: Giải ngân vốn đầu tư công các dự án chương trình 30a quá chậm
Minh Châu - 27/08/2020 15:52
 
Dù đã gần hết 8 tháng, nhưng mới chỉ có 4/23 dự án trong kế hoạch năm 2020 lựa chọn được nhà thầu thi công. Các huyện mới giải ngân được 68,8 tỷ đồng, đạt 13,7% kế hoạch.
Dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường từ bản Ngày đến bản Nà Đang ( huyện Lang Chánh) đang chậm tiến độ
Dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường từ bản Ngày đến bản Nà Đang ( huyện Lang Chánh) đang chậm tiến độ

Nguồn lực quan trọng

Thanh Hóa có 7 huyện nghèo nằm trong Chương trình 30a ( Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo của cả nước) bao gồm Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Bá Thước, Như Xuân (riêng Như Xuân đã thoát khỏi huyện nghèo tháng 3/2018).

Đây là những địa phương có điểm xuất phát thấp, điều kiện tự nhiên, địa hình, khí hậu rất khắc nghiệt, khó khăn; đời sống của nhân dân ở mức thấp. Những năm qua, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ đã góp phần giúp cho các huyện này thay đổi diện mạo, kinh tế - xã hội có bước chuyển biến rõ rệt, đời sống của người dân dần ổn định,

Tuy nhiên, năm 2020, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án chương trình 30A tại Thanh Hóa quá chậm, dẫn đến nguy cơ có thể không phát huy được nguồn vốn tại các địa phương này. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, năm 2020 tổng nguồn vốn được giao chi tiết cho các dự án thuộc các tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của chương trình 30a là trên 502 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn năm 2020 là 368,4 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2019 được kéo dài thời gian giải ngân sang năm 2020 là 133,7 tỷ đồng. 

Nhưng con số đáng nói là cho đến nay, mới chỉ có 4 trong số 23 dự án trong kế hoạch năm 2020 lựa chọn được nhà thầu thi công. Tính đến ngày 25-8-2020, số nguồn vốn được giải ngân mới là 68,8 tỷ đồng, bằng 13,7% kế hoạch, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả tỉnh (tiến độ giải ngân chung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 60,5%). Các huyện đạt tỷ lệ giải ngân đặc biệt thấp là Lang Chánh 3,6%, Bá Thước là 3% kế hoạch năm.

Ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, nguồn vốn theo chương trình 30a là nguồn lực rất quan trọng đầu tư cho phát triển hạ tầng khu vực các huyện miền núi khó khăn của tỉnh. Việc tiến độ thực hiện và giải ngân đến thời điểm này quá chậm là nguy cơ có thể gây lãng phí nguồn vốn đầu tư, vì theo quy định, đến hết năm tài chính nếu không giải ngân theo kế hoạch, nguồn vốn tồn đọng sẽ phải điều chuyển về trung ương. 

Khả năng tổ chức triển khai rất hạn chế

Các ngành, địa phương cho rằng nguyên nhân dẫn đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án chương trình 30a chậm là do ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19. Cùng với đó là một số văn bản hướng dẫn thi hành luật đầu tư công chậm được ban hành; các văn bản quy phạm pháp luật về định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật chồng chéo, bất cập ảnh hưởng đến quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án; các bước trong công tác chuẩn bị đầu tư kéo dài. Trình độ năng lực tổ chức thực hiện của các huyện hạn chế cũng là nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này.

Để thực hiện kế hoạch được giao, lãnh đạo các huyện đã cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ và có thể hoàn thành kế hoạch về tiến độ với điều kiện UBND tỉnh uỷ quyền cho các huyện thực hiện một số công việc như thẩm định, phê duyệt chi phí khảo sát; từ đó sẽ rút ngắn được thời gian chuẩn bị đầu tư.

Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho rằng, tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công đối với các dự án thuộc tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình 30a là chậm so với kế hoạch do có các nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên có những địa phương trong quá trình  thực hiện, mặc dù có phát hiện ra những vấn đề bất cập nhưng chưa mạnh dạn đề xuất với tỉnh để giải quyết kịp thời. 

Ông Quyền thẳng thắn: Tình trạng chậm trễ này có nguyên nhân khách quan nhưng trên hết vẫn do nguyên nhân chủ quan. Cụ thể là do khả năng tổ chức triển khai thực hiện của huyện còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các ngành và địa phương liên quan cần tiếp tục tập trung làm rõ tồn tại, hạn chế từ khâu chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện dự án để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, các huyện cần khẩn trương rà soát lại, bố trí người có chuyên môn, năng lực để đẩy nhanh tiến độ trong những tháng cuối năm nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng các công trình. Bên cạnh đó, các đơn vị khẩn trương hoàn thành hồ sơ thủ tục giải ngân sớm nhất số vốn được giao, trong đó ưu tiên nguồn vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư, tư vấn thiết kế, quản lý dự án, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. 

Trước tình trạng chậm trễ này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Văn phòng UBND tỉnh bố trí lịch để Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn kiểm tra các dự án tại các huyện trong tháng 9-2020, để nắm bắt tình hình thực tế.

Giải ngân đầu tư công: Phải tiêu được tiền và tiêu có hiệu quả
Giải ngân vốn đầu tư công là chủ trương quan trọng, nhưng vấn đề không chỉ là tiêu được tiền, mà phải tiêu hiệu quả để tạo động lực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư