Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 04 tháng 02 năm 2025,
Thanh khoản sẽ chỉ dư dả trong ngắn hạn
Hà Tâm - 11/08/2017 10:26
 
Tính đến cuối tháng 6/2017, tín dụng tăng 9,06%, trong khi huy động vốn chỉ tăng 7,43%. Vậy thanh khoản ngân hàng có đáng lo?

Nguồn nào đang cứu nguy thanh khoản?

Theo báo cáo thị trường tiền tệ hàng tuần của Bộ phận Phân tích thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), sau 2 tuần hút ròng liên tiếp, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã bơm hơn 10.000 tỷ đồng ra cho hệ thống ngân hàng. Động thái này chưa chứng tỏ rằng, thanh khoản của hệ thống đang ở mức đáng lo, nhất là khi lãi suất liên ngân hàng vẫn tiếp tục giảm và hiện ở mức thấp.

Mặc dù vậy, với tốc độ tăng trưởng tín dụng rất mạnh như hiện nay, cộng thêm chỉ đạo mới đây của Chính phủ về việc nỗ lực tăng trưởng tín dụng bằng hoặc trên 20% trong năm nay, giới chuyên gia cảnh báo, ngành ngân hàng phải đề phòng vấn đề thanh khoản.


Thanh khoản ngân hàng có thể hao hụt nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh. Ảnh: minh họa.

Vài năm gần đây, huy động vốn có dấu hiệu tăng chậm trở lại và tăng thấp hơn tốc độ tăng tín dụng. Nếu tình hình này tiếp diễn, thì chắc chắn, ngân hàng không thể không lo vấn đề thanh khoản.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân khiến huy động vốn tăng chậm, song thanh khoản ngân hàng vẫn đảm bảo.

Thứ nhất, thời gian qua, NHNN đã điều hành các công cụ tiền tệ rất tốt, đặc biệt là đã bơm, hút tiền rất nhịp nhàng qua kênh thị trường mở (OMO), qua đó hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Thứ hai, năm nay, giải ngân vốn đầu tư công chậm (chỉ đạt 25,6% trong 6 tháng). Vì vậy, lượng tiền còn tồn ở Kho bạc Nhà nước rất lớn và số tiền đó được gửi vào ngân hàng thương mại, hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại.

Thứ ba, tín dụng ngoại tệ tăng khoảng 6% trong 6 tháng đầu năm nay (cùng kỳ không tăng) cũng làm giảm áp lực với thanh khoản tiền đồng.

Thứ tư, năm nay, NHNN mua vào một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia (mua ròng khoảng 1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm), đồng nghĩa với việc bơm ra thị trường một lượng tiền đồng không nhỏ.

Tuy nhiên, các nguyên nhân trên cũng cho thấy, thanh khoản ngân hàng không dư giả một cách bền vững. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cảnh báo, sự dồi dào thanh khoản hiện nay chỉ là ngắn hạn. Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và nếu vốn đầu tư công chảy nhanh, ngành ngân hàng có thể gặp “cú sốc thanh khoản”.

Ngoài nguy cơ vốn Kho bạc Nhà nước sẽ bị rút ra khỏi ngân hàng để phục vụ đầu tư công, theo TS. Cấn Văn Lực, thanh khoản của các ngân hàng có thể sẽ “căng” bởi cuối năm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng mạnh. Nếu tỷ giá biến động những tháng cuối năm, áp lực này sẽ càng “dồn cục”.

Tín dụng tăng 10%, GDP chỉ tăng thêm 0,5%

Với một nền kinh tế tăng trưởng dựa rất lớn vào tín dụng như Việt Nam, thì không khó hiểu khi tăng tín dụng được nhìn nhận như một giải pháp để tăng trưởng kinh tế.

Tuy vậy, nghiên cứu của một nhóm chuyên gia kinh tế, trong đó có ông Bùi Trinh, TS. Cấn Văn Lực… cho thấy, tín dụng tăng 10% chỉ giúp GDP tăng thêm 0,5%. Trong khi đó, hệ lụy nếu tín dụng tăng thêm 10% là rất lớn.

Ông Nguyễn Quang Anh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải hết sức thận trọng với việc nới lỏng tiền tệ, bởi ngành ngân hàng và cả nền kinh tế đã từng phải trả giá vì điều này.

Trên thực tế, vốn chỉ là một trong những cấu phần tạo nên tăng trưởng. Nếu vốn tiếp tục đổ vào, trong khi năng suất lao động… đứng im, thì nền kinh tế sẽ không hấp thụ hết và sẽ khiến lạm phát gia tăng.

Trên thực tế, tín dụng dù tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, song GDP lại tăng chậm hơn là một nghịch lý cần được phân tích kỹ càng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, vốn ngân hàng sẽ tạo hiệu quả lan tỏa tốt nhất với nền kinh tế nếu rót vào các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại và dịch vụ.

Tuy vậy, nhiều khả năng, một lượng lớn vốn ngân hàng đang được dồn cho bất động sản - lĩnh vực có sức lan tỏa rất thấp. Điều này có thể lý giải một phần vì sao tín dụng tăng nhanh, song GDP lại tăng chậm trong 6 tháng đầu năm. Do đó, để tín dụng phục vụ tăng trưởng mà không để lại “hậu quả” về thanh khoản, việc quan trọng nhất là phải nắn được luồng tín dụng của các ngân hàng.

Bơm tín dụng để "kích" GDP?
Nên hay không nên đẩy mạnh cung tiền để hỗ trợ tăng trưởng 6 tháng cuối năm là một trong những vấn đề được bàn luận tại Hội thảo "Chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư