Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 01 năm 2025,
Thanh long ruột đỏ - trái ngọt từ mảnh đất sỏi đá Hòa Bình
Hà Quang - 17/04/2019 11:32
 
Nhiều mảnh đất rừng rậm, đồi dốc, sỏi đá tại Hòa Bình, sau khi được cải tạo, đầu tư, đã trở thành những trang trại trồng thanh long ruột đỏ đem lại lợi nhuận cao và thu nhập ổn định cho người nông dân.

Thanh long là loại cây thuộc họ xương rồng, ưa nắng, ít bệnh, chịu hạn tốt, thích nghi với nhiều loại đất khô cằn. Trồng thanh long tuy phải đầu tư ban đầu cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, nhưng nguồn lợi và hiệu quả kinh tế cũng vượt trội hơn hẳn. Đây là loại cây trồng lâu năm, khoảng 20 - 25 năm sau mới phải đầu tư trồng lại. Chỉ mất 12 - 18 tháng chăm bón, các gốc thanh long đã có thể cho thu hoạch nhiều đợt. Từ năm thứ 2 trở đi (sau khi cho quả bói), năng suất quả tăng dần và có thể cao gấp đôi năm trước.

Chính vì những ưu điểm này, nên vài năm qua, nhiều hộ nông dân tại Hòa Bình đã chuyển đổi hẳn sang trồng cây thanh long, trong đó chủ yếu là thanh long ruột đỏ.

.
Thanh long ruột đỏ đem lại lợi nhuận cao và thu nhập ổn định cho người nông dân tại tỉnh Hòa Bình

Chúng tôi tìm đến xã Thanh Nông (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình), nơi có khu vườn gần 1.000 gốc thanh long ruột đỏ trồng từ năm 2013 của anh Bùi Văn Luật. Anh Luật cho biết, trước kia gia đình anh sinh sống bằng nghề trồng lúa, nhưng do khu vực canh tác không đủ nước, nên chuyển sang trồng ngô, lạc, mía. Anh còn tận dụng mảnh đất đồi gần 1 ha đầu tư trồng keo lấy gỗ. Tuy nhiên, thời gian cho thu hoạch keo thường kéo dài 5 - 7 năm, nên hiệu quả kinh tế không cao. Vất vả làm ăn quanh năm, nhưng cuộc sống gia đình anh vẫn còn nhiều khó khăn.

Đến năm 2013, tình cờ biết đến mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên đất đồi cho năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, anh Luật mạnh dạn đầu tư 700 gốc thanh long với hy vọng, loại cây trồng mới này sẽ giúp gia đình thoát nghèo.

Sau 18 tháng chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn thanh long sinh trưởng và phát triển tốt, bắt đầu cho những quả bói đầu tiên. Từ năm thứ 3 trở đi, vườn cho thu hoạch gấp 3 lần năm thứ nhất và bắt đầu ổn định về sản lượng. Đến nay, vườn thanh long của anh mỗi năm sản sinh hàng trăm tấn quả đảm bảo chất lượng và đều đặn đem về thu nhập cao.

Giống thanh long ruột đỏ trồng trên đất đồi dốc, sỏi đá của Hòa Bình có màu đỏ thắm bắt mắt, hương vị rất ngọt và thơm. Với chất lượng vượt trội, thương hiệu thanh long ruột đỏ Hòa Bình nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, dù giá bán cao hơn so với thanh long ruột trắng.

Mùa thu hoạch thanh long ở đây thường từ tháng 6 đến tháng 11, cứ 15 ngày lại cho thu hoạch một đợt. Khi thanh long đạt trọng lượng 0,3 - 0,7 kg là có thể thu hái. Mỗi gốc thanh long cho thu hoạch từ 5 - 6 đợt quả. Tính riêng năm 2017, gia đình anh Luật thu hoạch 21 tấn. Với giá bán khoảng 25.000 - 30.000/kg, trừ chi phí, anh thu được khoảng 200 triệu đồng.

“Những năm đầu mới trồng thanh long đỏ, tôi phải cất công đi tìm thương lái hoặc nhờ những gia đình đi trước giới thiệu chỗ tiêu thụ. Bây giờ thì khách mua đã vào tận vườn, đặt trước sản lượng hàng tháng, nên thu nhập ổn định hơn. Ngoài bán buôn cho tư thương, gia đình còn bán lẻ với giá cao hơn. Năm ít thì lãi khoảng 100 triệu đồng, năm nhiều có thể lên đến 200 - 300 triệu đồng”, anh Luật chia sẻ.

Sau thắng lợi của 3 vụ mùa đầu tiên, anh Luật mạnh dạn đầu tư cho hệ thống cột bê tông, hệ tống tưới nước tự động nhằm giảm công chăm bón và gia tăng sản lượng cây trồng. Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên tham gia các lớp học bồi dưỡng về ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào việc chăm sóc cây thanh long.

Việc trồng thử nghiệm thành công giống thanh long ruột đỏ tại một số địa phương tại tỉnh Hòa Bình đã góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đây cũng là một hướng đi mới trong thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Theo lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, cây thanh long ruột đỏ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, đã góp phần không nhỏ vào công cuộc chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Tính đến thời điểm này, đầu ra của trái thanh long ruột đỏ Hòa Bình luôn ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng khác.

Nỗi buồn thanh long, nỗi đau nghiệp đoàn
Thanh long Việt Nam rớt giá thảm hại, nhà vườn điêu đứng, phải kêu gọi giải cứu lại tái diễn một lần nữa cho thấy, sự bất ổn của thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư