Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Hà Nội: Thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng nhanh
D.Ngân - 21/07/2022 16:18
 
“Chạm tới tương lai” là chủ đề của Lễ kích hoạt sự kiện "không dùng tiền mặt" năm 2022 với sự tham gia của nhiều ông lớn trong ngành ngân hàng, bán lẻ, giao nhận...

Ngày 21/7/2022, tại Hà Nội, Lễ kích hoạt Sự kiện “không dùng tiền mặt” năm 2022 đã diễn ra với chủ đề: “Chạm tới tương lai”. Tại chương trình có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ngân hàng, trung gian thanh toán, thương mại điện tử, bán lẻ, giao nhận… và người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội.

Tại Thủ đô các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện đã rất phổ biến.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, đại dịch Covid đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân thủ đô. 

Số lượng người tiêu dùng mua sắm online, truy cập vào các trang thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng mạnh.

Với việc cung cấp công nghệ từ các ngân hàng thương mại, các trung gian thanh toán; các sàn thương mại điện tử và hệ thống giao nhận… năm 2020 và 2021 đã có hàng chục triệu lượt người tiêu dùng trải nghiệm, mua sắm tại các điểm khuyến mại, địa điểm thanh toán không dùng tiền mặt.

Chỉ tính riêng Sự kiện “không dùng tiền mặt”, 2021 diễn ra trong  tháng 11/2021, đã thu hút 150.000 lượt tiếp cận và 12.000 lượt tương tác tại fanpage Facebook của Sự kiện. 

Các doanh nghiệp tham gia sự kiện, có tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 30%, tổng số lượng giao dịch được thực hiện qua trung gian thanh toán tăng trên 11%. 

Những sản phẩm truyền thống Hà Nội thu hút hơn 10.000 lượt truy cập website thương mại điện tử của các doanh nghiệp. 

Sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ”, các sàn thương mại điện tử đã có lượng truy cập tăng từ 180% đến 250%. Các hệ thống trung tâm thương mại lớn có lượng khách hàng truy cập vào website, ứng dụng di động mua sắm tăng gần gấp 3 lần… 

Hay sự kiện “Online xuống phố - kết nối cung cầu” đã có gần 3 triệu lượt truy cập vào các hệ thống website, ứng dụng của các doanh nghiệp tham gia.

Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cho biết, tại Thủ đô các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện đã rất phổ biến. 

Theo đó, không chỉ có các loại thẻ mà còn thanh toán qua điện thoại di động, sử dụng các tài khoản của ngân hàng, các trung gian thanh toán như ví điện tử...

Hiện tại, việc sử dụng các hình thức chuyển khoản thông qua tài khoản ngân hàng, mobile money (tiền di động) trên điện thoại di động tại Hà Nội đã rất tiện lợi.

Trong khi đó, chỉ cần 21 ngày là một người dân có thể hình thành thói quen mới. Thói quen này sẽ được duy trì và tiếp tục tăng lên khi thế hệ “khách hàng số” xuất hiện ngày càng đông đảo.

Bà Trần Thị Phương Lan phát biểu tại sự kiện.

Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số, trong thời gian tới theo bà Lan, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với ngân hàng nhà nước - chi nhánh TP.Hà Nội khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ triển khai mạnh mẽ các loại hình thanh toán mới hiện đại, có các hình thức động viên, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị bán lẻ triển khai thực hiện thanh toán dịch vụ bán lẻ bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt;

Phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến (qua website/ứng dụng thương mại điện tử; sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, Sendo, Shopee, tiki, lazada…) nhằm tìm kiếm, kết nối với khách hàng, phát triển hoạt động kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ hàng hóa.

Liên quan đến việc đẩy mạnh thương mại điện tử, UBND TP. Hà Nội đặt ra một số mục tiêu như doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng và tính cho cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 11% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn. 

Tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 50%. Thành phố giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) hằng năm. 

Mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng qua các kênh thương mại điện tử. Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 45%...

75% Website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 45% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử; 35% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động.

Khai thuế, nộp thuế điện tử, duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt trên 98%. Hoàn thuế điện tử 100% doanh nghiệp thuộc đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng trường hợp xuất khẩu, đầu tư đăng ký sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử…

Tăng lượng khách hàng thanh toán hóa đơn tiền nước trực tuyến lên 98%. Tỷ lệ thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt trên 99,7%; tỷ lệ tiếp nhận các dịch vụ điện trực tuyến phấn đấu đạt 100%; tỷ lệ thực hiện các dịch vụ điện theo phương thức điện tử đạt phấn đấu đạt 100%.

Tiện ích từ thanh toán không dùng tiền mặt
Agribank đang triển khai nhiều sản phẩm, giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, mang đến những tiện ích vượt trội dành cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư