Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thanh tra ngân hàng "ôm” nhiều trái phiếu doanh nghiệp, sở hữu chéo vẫn khó nhận diện
T.L - 20/10/2022 08:06
 
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, việc xử lý sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan cố tình lách luật, che giấu bằng cách nhờ người khác đứng tên cổ phần sở hữu.

Sở hữu chéo vẫn là vấn đề khó khăn 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn và nghị quyết 632022/QH15 về kỳ họp thứ 3 Quốc hội thứ XV.  

Trong đó, về vấn đề ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho hay: Sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế và từng bước được kiểm soát.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ bản xử lý, khắc phục một số vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo. Cụ thể, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đến nay đã được khắc phục. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm, đến nay còn tại 1 ngân hàng thương mại cổ phần với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau (tại thời điểm tháng 6/2012 có 56 cặp), đó là trường hợp ACB và Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát - Á Châu.

Việc xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định phát sinh trước khi Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực chủ yếu còn tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, phụ thuộc vào lộ trình xử lý theo đề án của các tập đoàn và chỉ đạo của các Bộ, ngành chủ quản.

Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, thực tế việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định. Việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

Tăng vốn cho big 4 ngân hàng

Về việc nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng, nhất là tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối,  Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian qua đã chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại nhà nước triển khai các phương án bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính. Hiện  Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đối với việc tăng vốn điều lệ của BIDV, Vietcombank, VietinBank,  Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần: Năm 2022,  Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).

Thanh tra các ngân hàng đầu tư nhiều trái phiếu 

Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua công tác thanh tra đã phát hiện các tồn tại, sai phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; từ đó kiến nghị, khuyến nghị và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để duy trì và giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động tiền tệ và ngân hàng.

Công tác giám sát ngân hàng có sự gắn kết chặt chẽ với công tác thanh tra. Nội dung giám sát không chỉ dừng ở việc giám sát tình hình tuân thủ, chấp hành các quy định về an toàn trong hoạt động, mà còn chú trọng giám sát, đánh giá rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Qua đó, đề xuất thanh tra pháp nhân, thanh tra chuyên đề đối với các đối tượng có tình hình tài chính yếu, nợ xấu cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, các tồn tại kéo dài chưa được xử lý dứt điểm, có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng cũng như kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về các vấn đề tiềm ẩn rủi ro.

Đối với hoạt động cấp tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro,  Ngân hàng Nhà nước đã đưa nội dung này vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành nhằm phát hiện các vấn đề, tồn tại, vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng và đưa ra các kiến nghị, khuyến nghị cụ thể góp phần hạn chế rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.

 Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 03/12/2021,  Ngân hàng Nhà nước đã thành lập các Đoàn thanh tra chuyên đề về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022 tại các ngân hàng thương mại cổ phần có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cao.

Xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc

 Ngân hàng Nhà nước cho hay, khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều vướng mắc do liên quan đến các lĩnh vực pháp luật khác nhau. Đồng thời, nguồn lực tài chính hỗ trợ công tác cơ cấu lại còn hạn chế.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Phấn đấu đến cuối năm 2025, đưa nợ xấu toàn hệ thống (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) ở mức dưới 3%, bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu.

Đến cuối tháng 8/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức an toàn là 1,9%; tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là 4,99% (cuối năm 2021 là 6,3%).

 Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022), trong đó đã đề ra một số mục tiêu trong thời gian tới.

 Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng tài chính, hoạt động của tổ chức tín dụng, đồng thời nhận định những khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế cần xử lý, giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025 và lộ trình thực hiện đảm bảo phù hợp với Đề án 689.

Đồng thời,  Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng xây dựng phương án cơ cấu lại để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai.

Rủi ro lan truyền nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp tới hệ thống không đáng ngại
Sự cố Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát gây lo lắng cho nhà đầu tư, song ít đe dọa tới an toàn hệ thống do tổng dư nợ TPDN hiện chỉ chiếm khoảng 4%...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư