Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Thế cờ lật ngược, VN-Index tăng gần 30 điểm: Sự lạc quan liệu đã trở lại?
Thanh Thủy - 21/07/2021 07:45
 
Dù sắc đỏ thắng thể phần lớn thời gian, cả ba chỉ số đồng loạt bật tăng phiên chiều. Tại các thị trường chứng khoán Âu Mỹ, sắc xanh cũng đã trở lại sau ngày bán tháo lớn đầu tuần.

Sự lạc quan đã trở lại?

Cả ba chỉ số trên sàn chứng khoán Việt Nam ngày 20/7 đều giao dịch giằng co phiên sáng, thậm chí VN-Index có thời điểm giảm hơn 17 điểm. Tuy nhiên, từ phiên chiều, sự phục hồi của hàng loạt cổ phiếu đã đưa sắc xanh lội ngược dòng chiếm ưu thế.  Từ sàn chứng khoán rơi mạnh nhất trong phiên bán tháo đầu tuần, sự hồi phục của VN-Index đã giúp Việt Nam nằm trong nhóm hồi phục mạnh nhất ở phiên 20/7, chỉ sau Russell-2000 Index, theo thống kê các chỉ số chứng khoán đại diện của các quốc gia.

VN-Index kết phiên tăng 29,78 điểm tương đương mức tăng 2,39% lên 1.273,29 điểm. HNX-Index tăng 3,1% lên 301,11 điểm. Chỉ số sàn UPCoM tăng 1,33% lên 83,69 điểm.

Các chỉ số chứng khoán Việt Nam bật tăng mạnh phiên chiều 20/7
Các chỉ số chứng khoán Việt Nam bật tăng mạnh phiên chiều 20/7

Số lượng cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế. Tính chung trên ba sàn, có 519 cổ phiếu tăng giá, 41 cổ phiếu tăng kịch biên độ. Trong khi số lượng mã giảm giá và giảm kịch sàn chỉ lần lượt là 193 mã và 20 mã. Riêng trong nhóm VN30, 28 cổ phiếu đã đóng cửa trong sắc xanh với chỉ hai cổ phiếu duy nhất giảm điểm là KDH và VRE.

Đầu tuần này, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM đã công bố kết quả rà soát danh mục chỉ số VN30 trong đó ACB, GVR và SAB vào còn TCH, SBT và REE bị loại. Đối với VRE, cổ phiếu này được tăng tỷ trọng nắm giữ. Rổ chỉ số mới cũng không ghi nhận nhiều thay đổi với tỷ trọng của KDH.

Diễn biến khá xấu của thị trường chứng khoán quốc tế cùng rủi ro khó lường từ tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới do biến chủng Delta vẫn là các yếu tố tiêu cực tác động lên thị trường chứng khoán trong nước, nhất là ở đầu phiên. Tuy nhiên, một thông tin tích cực giải tỏa phần nào tâm lý của các nhà đầu tư được công bố là thông báo Bộ tài chính Mỹ về thỏa thuận mới với Việt Nam về chính sách tiền tệ. Phía Mỹ cho biết Việt Nam khẳng định luôn tuân thủ các quy định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và kêu gọi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “cải thiện sự linh hoạt của tỷ giá hối đoái theo thời gian”. Cùng đó, kết quả kinh doanh quý II tại nhiều ngành nghề phục hồi mạnh từ mức nền cơ sở thấp năm 2020 cũng tác động tích cực lên giao dịch nhiều cổ phiếu.

Dù nhiều thị trường châu Á đóng cửa trong sắc đỏ, một số chỉ số rơi trên 1% như Đài Loan, Philippines, Singapore, Thái Lan..., tương tự Việt Nam, sắc xanh cũng đã trở lại trên phần lớn các sàn chứng khoán Âu Mỹ sau ngày bán tháo lớn đầu tuần. Chỉ số S&P 500 tăng 1,5% nhờ sự hồi phục của nhóm cổ phiếu ngân hàng và công nghiệp. Sự chú ý của nhà đầu tư được cho là đang chuyển sang kết quả kinh doanh quý II. Các nhà đầu tư lạc quan về sự phục hồi kinh tế của Mỹ ngay cả khi gặp phải những sóng gió dai dẳng từ đại dịch Covid-19.

Bên cạnh tín hiệu tích cực, thanh khoản giảm trong phiên giao dịch ngày 20/7 của chứng khoán Việt Nam cũng đặt ra những nghi ngờ nhất định. Vẫn có một lượng lớn nhà đầu tư đang lựa chọn đứng ngoài quan sát, khiến thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức thấp, dù dòng tiền cải thiện hơn trong phiên chiều.

Thanh khoản trên cả ba sàn đạt 21.224 tỷ đồng, trong phiên đạt trên 1 tỷ USD ở phiên đầu tuần. Trên sàn HoSE, giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 16.651 tỷ đồng, giảm 16,94% so với phiên trước. Giá trị giao dịch toàn sàn đạt 17.879 tỷ đồng. HPG và TCB là hai cổ phiếu đạt được mức thanh khoản trên 1.000 tỷ đồng. Giá trị giao dịch tại nhiều cổ phiếu giảm mạnh so với phiên thị trường rơi sâu hôm qua.

Theo nhận định của VCBS, một phiên tăng điểm là chưa đủ cơ sở để khẳng định về việc nhịp giảm điểm kết thúc và thị trường đã thực sự tạo đáy. Dù vậy, công ty chứng khoán này kỳ vọng xu hướng của chỉ số trong ngắn hạn sẽ là dao động trong vùng 1.250 – 1.300 điểm và biên độ dao động của chỉ số sẽ giảm dần trong những phiên tới.

“Nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn là chỉ số tiếp tục quay trở lại xu hướng giảm và rơi về vùng 1.200 điểm nếu thị trường xuất hiện thông tin bất thường”, VCBS cũng lưu ý và khuyeenns nghị nhà đầu tư nên đề cao sự thận trọng, nên giải ngân mang tính chất thăm dò và sẵn sàng cắt lỗ nếu cổ phiếu biến động tiêu cực ngược kỳ vọng.

Ở góc nhìn tích cực hơn, MBS cho rằng tâm lý đã đảo chiều tích cực khi những người cần bán giảm margin thì cũng đã bán, dòng tiền đứng ngoài cũng đang có sự sốt ruột nhất định khi thị trường đang tăng trở lại sau khi kiểm thử vùng đáy hỗ trợ 1.220 điểm.

Tuần thuận lợi của các tân binh, Vinamilk giành lại vị trí top 5 vốn hóa

Mức hồi phục tăng điểm mạnh của các chỉ số phiên 20/7 ghi nhận sự đóng góp lớn từ những nhóm cổ phiếu vốn đã giảm sâu trong những phiên liền trước như ngân hàng, chứng khoán, thép. HSG dư mua trần vào cuối phiên, HPG tăng 6,77% và NKG tăng 4.1% trong nhóm thép-tôn mạ. HPG cũng là cổ phiếu đẩy VN-Index tăng điểm nhiều nhất.

Nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng tăng trên 2%. SHB đóng cửa tăng 5,86%, góp tới 2,29 điểm tăng trong 9,04 điểm tăng của HNX-Index. Ở nhóm Chứng khoán, VND tăng 9,5% bên cạnh SSI tăng trần cùng với các mã SHS, MBS, CTS, HCM, VCI đều tăng từ 4% đến hơn 8%.

TCB, MWG... đều hồi phục mạnh sau phiên giảm sâu liền trước. Tuy vậy, vốn hóa thị trường của Techcombank đã lùi lại vị trí thứ 6 sau thời gian điều chỉnh vừa qua. Cổ phiếu của Vinamilk duy trì khá ổn định nhờ đó đưa doanh nghiệp ngành sữa này trở lại trong top 5 vốn hóa.

Hai phiên đầu tuần vừa qua cũng là thời điểm sàn chứng khoán Việt Nam đón thêm cổ phiếu mới. KHG của Khải Hoàn Land và VAB của VietABank đều tăng kịch biên độ đi kèm mức thanh khoản khá tốt. Với hai phiên tăng trần, giá cổ phiếu KHG đã tăng lên 21.400 đồng/cổ phiếu. Diễn biến trên tích cực hơn hẳn màn chào sàn của Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh tuần trước. Cổ phiếu DXS  đóng cửa phiên giao dịch 20/7 ở mức 28.000 đồng/cổ phiếu, giảm 12,5% so với giá chào sàn.

Chứng khoán 14/7: Thanh khoản cải thiện, cổ phiếu ngân hàng đẩy VN-Index rơi sâu
Trong khi SHB tăng giá và là yếu tố kéo HNX-Index giữ sắc xanh, đa phần các cổ phiếu nhà băng khác đều điều chỉnh, qua đó đẩy VN-Index có thêm một...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư