Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
Thêm nhiều nông sản ngoại “cập bến” thị trường Việt Nam
Thế Hải - 22/01/2020 16:25
 
Kinh tế ổn định, thị trường gần 97 triệu dân với sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu, Việt Nam đã trở thành thị trường đầy tiềm năng với nhiều nhà cung cấp nông sản từ Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada…
Trái cây nhập khẩu chiếm thế “áp đảo” tại nhiều hệ thống siêu thị tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Trái cây nhập khẩu chiếm thế “áp đảo” tại nhiều hệ thống siêu thị tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Điểm đến của nông sản ngoại

Nhìn vào con số ngoại tệ 1,775 tỷ USD chi nhập khẩu rau quả năm 2019, trong đó, trái cây chiếm phần lớn, có thể thấy mức độ tiềm năng của thị trường Việt Nam đối với các nhà xuất khẩu rau quả nước ngoài.

Ngay trước Tết Nguyên đán, cam Sunkist của Mỹ đã “đổ bộ” vào hệ thống E-Mart, Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Thủ Đức (TP.HCM) và chuẩn bị lên kệ VinMart. Sunkist Growers, hiệp hội phi lợi nhuận của những người trồng cam quýt tại Mỹ cho biết, loại cam này vừa mới được cấp phép xuất khẩu vào Việt Nam.

Trước đó, nhiều loại trái cây của Mỹ đã có mặt tại Việt Nam bằng đường chính ngạch như táo, nho, anh đào, lê và việt quất. Ông Benjamin Petlock, tham vấn nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp Mỹ) cho biết, việc mở cửa thị trường Việt Nam cho cam Mỹ là thành quả lớn sau nhiều năm nỗ lực. “Phái đoàn ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, Bộ Nông nghiệp Mỹ và các cơ quan hữu quan sẽ tiếp tục mở cửa thị trường cho trái cây Mỹ vào Việt Nam, tạo ra những cơ hội bền vững cho cả doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam”, ông Benjamin nói.

Một trong những quốc gia xuất khẩu lượng hoa quả lớn vào Việt Nam trong những năm gần đây phải kể đến Australia. Trong năm 2019, các nhà trồng nho Australia đã có 2 chuyến đi quy mô lớn tới Việt Nam để tìm đường xuất khẩu các loại trái cây, trong đó, tâm điểm là trái nho trồng theo mùa.

Từ châu Á, các loại trái cây Hàn Quốc, Nhật Bản cũng rất sẵn tại thị trường Việt, từ dâu tây, nho xanh, hồng giòn…

Đại diện chuỗi siêu thị Hàn Quốc K-Mart cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (KVFTA) đã có hiệu lực từ 4 năm nay, nhờ vậy, trái cây theo mùa của Hàn Quốc được xuất khẩu sang Việt Nam ngày càng dễ dàng.

Để cạnh tranh với trái cây nhập khẩu và nội địa, nông sản tươi Hàn Quốc được vận chuyển trực tiếp bằng đường hàng không đến Việt Nam. Sản phẩm chủ yếu của các tỉnh Gimcheon, Gyeonggi-do, Gyeongnam… - những địa phương có ngành nông nghiệp phát triển nhất ở Hàn Quốc.

Thị trường tiềm năng

Việc tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 13 FTA đã đi vào thực thi, 1 FTA đã ký kết chờ phê chuẩn và 3 FTA đang đàm phán, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có độ mở lớn trên toàn cầu. Mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường có FTA giảm sâu, khiến nông sản, thực phẩm “cập bến” thị trường Việt Nam ngày càng dễ dàng.

Theo đó, nhiều nhà xuất khẩu nông sản từ các nền nông nghiệp tiên tiến đã đưa Việt Nam vào “tầm ngắm”.

Chẳng hạn, Australia đã coi Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn của các loại trái cây tươi và các nhà sản xuất, hiệp hội trái cây tại Australia đã nhanh chóng hành động khá bài bản. Ông Jeff Scott, Chủ tịch Hiệp hội Nho tươi Australia cho biết, qua tìm hiểu thị hiếu khách hàng Việt, một số giống nho mới đã được Hiệp hội và các doanh nghiệp đưa vào trồng để xuất khẩu sớm, trong đó có thể kể đến các giống Sweet Surrender, Ivory Seedless, Sweet Nectar, Magenta, Sweet Globe, Sweet Celebration và Luisco không hạt.

“Dự báo, trong năm 2020, hai sản phẩm nho tươi xuất khẩu chủ yếu vào Việt Nam là nho không hạt Thompson và Crimson sẽ tiếp tục tăng trưởng 7,4% và 6,6%. Chúng tôi tin tưởng rằng, lượng nhập khẩu nho tươi vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh trong vòng 10 năm tới”, ông Jeff Scott bày tỏ.

Điều quan trọng khiến trái cây Australia, Mỹ, Nhật Bản được người tiêu dùng trung lưu Việt Nam “chấm điểm” là bởi các nhà xuất khẩu này sở hữu công nghệ sau thu hoạch tiên tiến, giúp trái cây cập cảng Việt Nam đảm bảo độ tươi ngon.

“Việc chiếu xạ diễn ra rất nhanh và không xâm lấn, cho phép thời hạn sử dụng của nho lâu hơn, trái cây có thể được vận chuyển ngay lập tức bằng đường hàng không. Điều này có nghĩa là, nho Australia có thể có mặt ở thị trường Việt Nam trong vòng 2 - 3 ngày sau thu hoạch”, ông Jeff Scott nói.

Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, xuất khẩu trái cây tươi của Mỹ vào Việt Nam trong 10 tháng của năm 2019 đạt 97 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam hiện là thị trường nhập khẩu trái cây lớn thứ 9 của Mỹ.

Theo Hiệp hội Nho tươi Australia, Việt Nam là nhà nhập khẩu nho tươi lớn thứ tư của Australia. Trong năm 2018 - 2019, xuất khẩu nho tươi của Australia tăng trưởng 33%, riêng thị trường Việt Nam tăng tới 81%.

Xây dựng tiêu chuẩn đưa nông sản Việt “cất cánh”
Mỗi thị trường đều có những yêu cầu riêng về tiêu chuẩn chất lượng đối với hàng hóa nông sản. Do đó, xây dựng bộ tiêu chuẩn đáp ứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư