Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thêm niềm tin cho dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam
Thanh Huyền - 15/12/2021 17:30
 
Đã có những cam kết cả từ phía Quốc hội Việt Nam và doanh nghiệp Hàn Quốc được đưa ra trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Việt Nam sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Samsung

Dòng vốn lớn chờ đổ vào Việt Nam

Dự án điện khí LNG Hải Lăng có tổng vốn đầu tư giai đoạn I lên tới 2,3 tỷ USD, công suất 1.500 MW, dự kiến khởi công năm 2026 và sẽ chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong quá trình triển khai dự án. Đây là cam kết được ông Jung In Sub, Tổng giám đốc Tập đoàn Hanwha Energy khẳng định tại buổi tiếp các doanh nghiệp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhân chuyến thăm chính thức Hàn Quốc đầu tuần này.

Hanwha Energy là công ty điện độc lập, thuộc Tập đoàn Hanwha - tập đoàn lớn thứ 7 tại Hàn Quốc, hoạt động trong các lĩnh vực nhiệt điện, điện khí LNG, điện mặt trời và pin Hydrogen.

Ngoài dự án điện khí LNG Hải Lăng, trong thời gian tới, Hanwha Energy còn thực hiện Dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná, có tổng vốn đầu tư 2,2 tỷ USD, công suất 1.500 MW.

“Tập đoàn đang thành lập Tổ công tác để rốt ráo chuẩn bị cho các dự án đầu tư tại Việt Nam”, ông Jung In Sub thông báo với Chủ tịch Quốc hội.

Cùng với cam kết sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài tại Việt Nam, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp cũng bày tỏ với Chủ tịch Quốc hội về mong muốn hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực như năng lượng, bán dẫn và ICT trong tương lai, hợp tác đầu tư trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, năng lượng sạch; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Có thể nói, hợp tác kinh tế luôn là điểm sáng và là trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc từ trước tới nay. Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với hơn 9.100 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 72,3 tỷ USD. Đây cũng là đối tác lớn thứ 2 về thương mại, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 65 tỷ USD và còn là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) song phương lớn thứ hai của Việt Nam, riêng giai đoạn 2016 - 2020 đã cam kết cung cấp 1,5 tỷ USD.

Hiệp định Thương tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ tháng 12/2015 đã tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai bên phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, hai nước cũng tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hàn Quốc cũng đang xem xét gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã tham gia.

Đây là nền tảng quan trọng và là động lực để dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc tiếp tục tìm đến Việt Nam trong thời gian tới. Tại cuộc tiếp các tập đoàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ, Việt Nam và Hàn Quốc đang nỗ lực đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó coi hợp tác kinh tế là một trụ cột quan trọng.

Tạo khung pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp trong dài hạn

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc hôm 13/12, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seok khẳng định, quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc hết sức tốt đẹp, trong đó giao lưu về kinh tế, thương mại, con người, văn hóa đều phát triển ở mức độ hiếm có.

Việt Nam sẽ rà soát hệ thống luật pháp, bổ sung, sửa đổi nếu cần thiết để phù hợp với thực tiễn, hướng tới tạo khung pháp lý bảo đảm hỗ trợ tốt nhất cho những trụ cột tăng trưởng.

Ông Park Byeong Seok cho rằng, trong chuỗi kinh tế toàn cầu và chuỗi giao lưu hàng hóa toàn cầu, thì mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đóng vai trò rất quan trọng, góp phần để quan hệ hai nước ngày càng sâu sắc, bền vững.

Chung quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, thế giới đang biến động nhanh chóng, nhiều yếu tố khó lường. Trong sự bất định đó, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc luôn bền chặt, không thay đổi.

“Chúng ta  đã có 30 năm rất tốt đẹp và ngày càng tốt đẹp”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc giải quyết các khó khăn, thu hút đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài nói chung và của doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ các chuyên gia và nhà quản lý các nước, trong đó có Hàn Quốc duy trì mọi hoạt động kinh tế.

Thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều công cụ, đặc biệt là công cụ về tài chính như giãn, hoãn, miễn, giảm các nghĩa vụ tài chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi...

Về dài hạn, trên cơ sở thực tiễn phòng chống dịch Covid-19 hiện nay, Việt Nam sẽ rà soát hệ thống luật pháp, bổ sung, sửa đổi nếu cần thiết để phù hợp với thực tiễn, hướng tới tạo khung pháp lý bảo đảm hỗ trợ tốt nhất những trụ cột cho tăng trưởng như vốn, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ thông minh gắn với kinh tế số.

“Như vậy, giải pháp ngắn hạn phải đặt trong tổng thể dài hạn, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững, nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.

Theo Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan, chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là dịp quan trọng để viết nên trang sử mới cho mối quan hệ hai nước.

“Hai nước có thể phát triển mối quan hệ song phương thành mối quan hệ hợp tác đặc biệt như những năm qua chính là nhờ vai trò đi đầu của Quốc hội hai nước, vốn đại diện cho tiếng nói của nhân dân trên nền tảng sự tin cậy chính trị vững chắc của các nhà lãnh đạo hai nước”, ông Park Noh Wan khẳng định.

Dòng vốn mới, khẩu vị mới từ nhà đầu tư Hàn Quốc
Hàn Quốc vẫn luôn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, nhưng điều Việt Nam trông chờ là sự bùng nổ trở lại và các khoản đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư