Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thị trường bán lẻ: Nỗ lực bứt phá của doanh nghiệp trong "bão" Covid-19
Như Loan - 06/11/2020 09:27
 
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự bứt phá của các doanh nghiệp, biết biến “nguy” thành “cơ hội” trong giai đoạn nền kinh tế bị tác động đáng kể bởi đại dịch Covid-19.
Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ có sức hấp dẫn nhất thế giới
Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ có sức hấp dẫn nhất thế giới

Tăng trưởng khả quan trong khó khăn

Trong những năm qua, thị trường bán lẻ Việt Nam đã thu hút hàng loạt các tên tuổi bán lẻ lớn trong khu vực và thế giới. Lý giải về sức hút này, một chuyên gia trong ngành cho rằng, đó là nhờ những yếu tố “vàng” như quy mô dân số lớn (gần 100 triệu dân), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và tỷ lệ đô thị hóa cao. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philipine là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...

Trong những năm qua cùng với sự mở rộng về quy mô, ngành bán lẻ Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng 2 con số. Trong 4 năm qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng nhanh, ước đạt 11,2%/năm. Từ năm 2006-2018, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng thời kỳ. Nhờ sự xuất hiện của hệ thống các doanh nghiệp FDI và sự lớn mạnh nhanh chóng của một số doanh nghiệp lớn trong nước đã góp phần hiện đại hóa ngành bán lẻ trong nước những năm qua.

Kể từ đầu năm nay, dưới tác động của đại dịch Covid-19, thị trường bán lẻ đã có sự chuyển mình để đáp ứng thói quen mua sắm tiêu dùng mới. Các nhà bán lẻ đầu tư lớn vào công nghệ, chuyển đổi từ kênh bán hàng truyền thống và hiện đại sang kênh bán hàng trực tuyến.

Sau thời gian trầm lắng, thị trường bán lẻ đã sôi động trở lại với các chương trình kết nối cung cầu, kích cầu tiêu dùng từ các nhà phân phối lớn. Trong quý III/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 14,4% so với quý trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Cùng với sự mở rộng quy mô, ngành bán lẻ Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng 2 con số trong những năm qua
Cùng với sự mở rộng quy mô, ngành bán lẻ Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng 2 con số trong những năm qua

Nỗ lực bứt phá của doanh nghiệp

Theo nhận định của chuyên gia ngành, để đạt được tốc độ tăng trưởng khả quan trong bối cảnh này, phải kể đến chiến lược đúng đắn của cơ quan quản lý và nỗ lực biến “nguy” thành “cơ” của một số các thương hiệu bán lẻ lớn, trong đó có MM Mega Market Việt Nam - thương hiệu mới có mặt tại Việt Nam cách đây hơn 4 năm thuộc Tập đoàn BJC/TCC (Thái Lan) sau khi nhận chuyển nhượng chuỗi đại siêu thị METRO Cash & Carry của Đức.

Dưới các chiến lược đổi mới của tập đoàn Thái, thị trường đã chứng kiến cuộc “lột xác” của MM Mega Market (MM) theo hướng hiện đại và có tầm nhìn bền vững hơn để đáp ứng được thói quen tiêu dùng của khách hàng Việt trong thời đại 4.0.

Ông Bruno Jousselin, Tổng giám đốc điều hành MM Mega Market Việt Nam cho biết: “Chúng tôi muốn tập trung phát triển đồng thời cả mảng trực tuyến và tại trung tâm, hay còn gọi mô hình là O to O (Online to Offline). Thương mại điện tử đang có bước phát triển nhảy vọt và mọi thứ đang chuyển động rất nhanh. Chúng tôi phải tiếp cận với khách hàng bằng tất cả các kênh có thể. Vì vậy, MM Mega Market cũng đang đầu tư lớn vào thương mại điện tử”.

MM Mega Market đã nỗ lực bứt phá toàn diện, vươn lên vị trí Top 3 thương hiệu bán lẻ uy tín
MM Mega Market đã nỗ lực bứt phá toàn diện, vươn lên vị trí Top 3 thương hiệu bán lẻ uy tín tại Việt Nam

Nhà bán lẻ hàng đầu này cũng đang đầu tư mạnh mẽ nhằm đa dạng hóa các kênh bán hàng để tiếp cận khách hàng tốt nhất. Cụ thể, MM xây dựng các depot (dạng kho hàng trung chuyển) tại các thành phố du lịch nổi tiếng như Phan Thiết và Phú Quốc để lưu trữ hàng hóa, cung ứng kịp thời cho khách hàng chuyên nghiệp. Đặc biệt hơn, MM đã thí điểm mô hình “bán hàng trên xe tải” tiêu thụ nhanh các loại trái cây miệt vườn nhằm hỗ trợ nông dân đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 một cách hiệu quả và thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng.

Bên cạnh việc mở rộng phát triển kinh doanh, MM Mega Market còn được đánh giá cao bởi nỗ lực trong các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản Việt và hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa trong thời kỳ bình thường mới. Mới đây, nhà bán lẻ này đã tổ chức chuỗi “Tuần hàng Việt Nam và Sản phẩm OCOP” và ký kết Biên bản ghi nhớ với Sở Công thương của 14 tỉnh thành nhằm hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong hệ thống siêu thị MM trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, MM tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt sang các thị trường Thái Lan, Singapore… và đang tìm kiếm mở rộng sang một số thị trường mới trong khu vực.

Với nỗ lực không ngừng nghỉ, thương hiệu 4 năm tuổi MM Mega Market đã bứt phá vươn lên vị trí thứ 3 trong Top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2020.

Thị trường bán lẻ được dự đoán là sẽ tiếp tục chịu tác động của đại dịch Covid-19, nhưng theo đánh giá của một chuyên gia, về dài hạn, ngành bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Những thương hiệu uy tín, chiếm được niềm tin của khách hàng và luôn có sự thay đổi để bắt kịp xu hướng mua sắm của người tiêu dùng, như MM Mega Market chắc chắn sẽ tạo được vị thế vững chắc trên thị trường.

Thời của các nhà bán lẻ Nhật Bản
Sau dồn dập Đức, Thái, Pháp… trước đây, giờ đến lượt các nhà bán lẻ Nhật Bản “đổ bộ” vào Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư