Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Cổ phiếu "vua" trước sức ép điều chỉnh
 
Bất chấp triển vọng kinh doanh năm 2018 tích cực, việc thị giá tăng mạnh kể từ đầu năm đang tạo áp lực lớn lên nhóm cổ phiếu ngân hàng trong nửa cuối tháng 4/2018.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá mạnh từ đầu năm 2017 đến nay
Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá mạnh từ đầu năm 2017 đến nay

Triển vọng lạc quan trong năm 2018

Trong suốt hơn 1 năm qua, cụ thể là từ đầu năm 2017 đến cuối tháng 3/2018, chỉ số VN-Index chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ, thậm chí đã vượt qua mức đỉnh 11 năm 1.170 điểm. Một trong những yếu tố thúc đẩy chỉ số tăng điểm chính là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Sau một thời gian dài tăng giá mạnh, gần đây, sức ép điều chỉnh lên nhóm cổ phiếu từng được coi là cổ phiếu "vua" này đang lớn dần, bất chấp triển vọng kinh doanh năm 2018 tiếp tục tích cực.

Thực tế cho thấy, trong năm 2017, dưới sự hỗ trợ của các chính sách xử lý nợ xấu như Nghị quyết 42/2017/QH14, Chỉ thị 06/CT-NHNN về thí điểm xử lý nợ xấu, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi…, bên cạnh sự ổn định của kinh tế vĩ mô, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng ghi nhận nhiều cải thiện. Chẳng hạn, tại HDBank (mã HDB), ngân hàng này đã thu về 2.417 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (LNTT) trong năm 2017, hoàn thành 186% kế hoạch đề ra; dư nợ tín dụng tăng trưởng 25%, huy động vốn tăng trưởng 17%, tổng tài sản tăng trưởng 26%...

Tại Sacombank (mã STB), Báo cáo tài chính năm 2017 của Ngân hàng cho thấy, nhiều chỉ tiêu chính đều ghi nhận sự tăng trưởng như tổng tài sản tăng 11%; vốn huy động tăng 11,5%; cho vay tăng 12,1%... Kết quả, LNTT của
Sacombank đạt 1.492 tỷ đồng, gấp 9,6 lần so với thực hiện năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ mức 6,68% hồi đầu năm xuống 4,59% vào cuối năm.

2017 được xem là năm cuối của giai đoạn tái cơ cấu 2012-2017 đầy khó khăn và thách thức. Kết quả là nhiều ngân hàng đã cải thiện được hiệu quả hoạt động, năng lực tài chính... Bước sang năm 2018, với nền tảng vĩ mô tiếp tục ổn định, hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng tiếp tục được dự báo lạc quan. Và sự lạc quan đó đang được cụ thể hóa trong những chỉ tiêu kinh doanh mà các ngân hàng đặt ra tại mùa Đại hội đồng cổ đông 2018.

Tại Đại hội đồng cổ đông ngày 19/3, cổ đông VPBank (mã VPB) đã thông qua hàng loạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2018 như LNTT tăng trưởng 33%, tổng tài sản tăng trưởng 29%, nợ xấu dưới 3%... Để thực hiện kế hoạch này, VPBank tiếp tục định hướng tập trung vào mảng ngân hàng bán lẻ, phát triển dựa trên 4 trụ cột là tài chính tiêu dùng, khách hàng cá nhân, tín dụng tiểu thương và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đã làm lên thành công giai đoạn 2012-2017.

Tại MBBank (mã MBB), Đại hội đồng cổ đông ngày 29/3 cũng thông qua kế hoạch như huy động vốn kỳ vọng tăng trưởng 11%, tổng tài sản tăng trưởng 11%, LNTT tăng trưởng 47%… trong năm nay.

Tại Sacombank, theo tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông ngày 21/4 vừa công bố, Ngân hàng đã lên kế hoạch tổng tài sản tăng trưởng 16,9%, vốn huy động tăng trưởng 17,9%, dư nợ tín dụng tăng trưởng 13,1%... trong 2018. Mục tiêu lợi LNTT đặt ra tăng 23,2% so với thực hiện 2017, nợ xấu giảm xuống dưới 3%.

Tại BIDV (mã BID), kế hoạch tăng trưởng tín dụng là17%; huy động vốn tăng trưởng 17%; phấn đấu tỷ lệ nợ xấu dưới 2% và LNTT là 9.300 tỷ đồng.

Đối với ngành ngân hàng, thông thường, kết quả kinh doanh quý đầu năm thường thấp hơn so với các quý còn lại. Tuy nhiên, ước tính sơ lược kết quả quý I/2018, nhiều ngân hàng đã thực hiện được từ 25-30% kế hoạch lợi nhuận cả năm nhờ hoạt động tín dụng tăng trưởng tích cực.

Đơn cử, tại MBBank, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, LNTT quý I/2018 ước đạt tối thiểu 1.600 tỷ đồng, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm 2017. Tại VIB, LNTT quý I/2018 của nhà băng này ước vượt 500 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ. HDBank vừa cho biết, LNTT hợp nhất đạt 1.045 tỷ đồng trong quý I/2018, cũng tăng gấp 3 lần cùng kỳ.

Với kết quả kinh doanh tích cực từ quý đầu năm, việc hoàn thành các kế hoạch kinh doanh 2018 tại nhiều ngân hàng được dự báo không phải là thách thức lớn, thậm chí còn có khả năng vượt kỳ vọng.

Áp lực điều chỉnh đang đè nặng

Thống kê 15 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam đến ngày 16/4/2018, bao gồm 4 ngân hàng đăng ký giao dịch trên sàn đại chúng chưa niêm yết (UPCoM), 3 ngân hàng niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) và 8 ngân hàng niêm yết tại Sở GDCK TP.HCM (HOSE) cho thấy, ngoại trừ cổ phiếu BAB của BAC A BANK (UPCoM) có thị giá giảm 8% so với đầu năm 2018, thì 14/15 mã cổ phiếu còn lại đều có thị giá tăng trưởng. Trong đó, 12 cổ phiếu đạt mức tăng giá cao hơn mức tăng 19,33% trong quý I/2018 của VN-Index.

Chẳng hạn, với cổ phiếu BID, tại mức 40.000 đồng đóng cửa phiên 16/4, thị giá sau khi điều chỉnh cổ tức đã tăng hơn 48% so với đầu năm và gấp 2,7 lần hồi đầu năm 2017. Với cổ phiếu VPB, tính từ đầu năm 2018 đến hết phiên 16/4, mức tăng đạt 48%, kết quả trong cùng thời gian của ACB là 38%, CTG là 36% và MBB là 27%... Không chỉ các ngân hàng lớn, thị giá tại nhóm cổ phiếu ngân hàng quy mô trung bình hay mới lên sàn như HDB, VPB, VIB, LPB cũng đều tăng khá tốt.

Tính đến 16/4/2018, trong 20 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường, có sự góp mặt của 7 cổ phiếu ngân hàng là BID, VCB, CTG, MBB, VPB, HDB và STB. Tổng vốn hóa của nhóm này đạt 749.000 tỷ đồng, tương đương 23,8% vốn hóa của sàn HOSE.

Trong bối cảnh hầu hết các nhóm cổ phiếu khác thiếu sự đồng thuận, nhóm ngân hàng với sự đông đảo về số lượng, vị thế lớn về vốn hóa và triển vọng tích cực đã đóng góp quan trọng trong hỗ trợ VN-Index bứt phá trong quý I/2017, mà dấu ấn đậm nét nhất là phiên vượt đỉnh 11 năm 1.170 điểm tại ngày 23/3/2014.

Sau đợt tăng dài, thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu ngân hàng bắt đầu chịu sức ép điều chỉnh lớn. Cụ thể, trong tuần giao dịch từ 9-13/4, thị giá của các cổ phiếu ngân hàng đã giảm từ 7-10%. Tuy nhiên, bội số giá trên thu nhập (P/E) của nhiều cổ phiếu vẫn ở mức khá cao so với các nhóm ngành khác trên thị trường hay với mức bình quân 21,33 lần của VN-Index, chẳng hạn P/E của VCB đạt 26,88 lần, HDB là 24,8 lần, ACB là 23,42 lần, BID là 20,8 lần…

Theo giới quan sát, chính việc thị giá tăng nhanh hơn mức tăng của lợi nhuận đã khiến mức định giá tại nhiều cổ phiếu ngân hàng hiện không còn rẻ và gây áp lực điều chỉnh. Mức định giá sẽ hấp dẫn hơn nếu mẫu số tăng, tức là lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2018 phải cao. Tuy vậy, ảnh hưởng của lợi nhuận lên định giá cũng đang chịu áp lực đáng kể từ việc pha loãng cổ phiếu do các kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng chuẩn Basel II của các ngân hàng.

Đơn cử, tại VPBank, ngân hàng này dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm 77% trong năm 2018 qua 5 đợt phát hành trả cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng, cổ phiếu ESOP và phát hành riêng lẻ. Mức tăng vốn điều lệ của VPBank cao gấp đôi mức tăng LNTT.

Tại LienVietPostBank (LPB), Đại hội đồng cổ đông ngày 28/3 đã thông qua phương án tăng vốn thêm 38,3% trong năm nay, trong khi LNTT dự kiến chỉ tăng 2%. Một loạt ngân hàng khác cũng lên kế hoạch tăng vốn trong 2018 như VIB dự kiến tăng 43,5%, MBBank dự kiến tăng19%, HDBank dự kiến tăng 22%, ACB dự kiến tăng 25,4%.

Một điểm tích cực trong kế hoạch tăng vốn 2018 của nhiều ngân hàng là việc chào bán cho đối tác chiến lược với giá cao. Tài liệu Đại hội đồng cổ đông của BIDV cho biết, ngân hàng này đang lên kế hoạch phát hành cho đối tác chiến lược trong năm nay. Trước đó, từ đầu tháng 3/2018, báo chí Hàn Quốc cũng đưa tin, KEB Hana Bank - trực thuộc Tập đoàn Tài chính Hana của Hàn Quốc - đang muốn trở thành cổ đông chiến lược của BIDV.

LienVietPostBank đang khóa room ngoại ở mức 5% (tối đa 30%) để dành dư địa phát hành cho đối tác chiến lược nước ngoài. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, lãnh đạo Ngân hàng từng chia sẻ: "Nhiều cổ đông ngoại muốn mua cổ phiếu LPB với giá 3 'chấm', cao hơn mức 1,5-1,7 'chấm' hiện tại".

Tương tự, ACB hay VIB cũng đang được thị trường đồn đoán về khả năng chào bán cho đối tác chiến lược với giá cao hơn thị giá trên thị trường.

Tuy bị pha loãng, nhưng việc phát hành cao hơn thị giá sẽ có lợi cho cổ đông hiện hữu. Hơn nữa, được các đối tác chiến lược nước ngoài, vốn là các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp định giá cổ phiếu ở mức cao còn là “cú huých” cho giá cổ phiếu trên sàn và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Dẫu vậy, hiện vẫn là quá sớm để xác định đâu sẽ là vùng “cân bằng” đối với các cổ phiếu ngân hàng để bắt đầu một chu kỳ tăng mới, nhất là sau giai đoạn tăng mạnh kéo dài vừa  qua. Các dấu hiệu tích cực cần thời gian để chuyển hóa thành thực tế, ít nhất là trong nửa cuối năm 2018.

Trước mắt, khi mà thông tin kết quả kinh doanh quý I/2018 cũng như triển vọng quý II/2018 đã phản ảnh đáng kể vào giá, một nhịp điều chỉnh đối với các cổ phiếu ngân hàng lúc này có lẽ là hợp lý, khi mà tâm lý nhà đầu tư đã thận trọng hơn, áp lực chốt lời và sức ép margin tăng mạnh. Đặc biệt là khả năng cơ quan quản lý sẽ nâng tỷ lệ ký quỹ tối thiểu đối với các cổ phiếu lớn lên 60%, bên cạnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới đang diễn biến phức tạp trước thềm “sell in may”.

Ngân hàng chạy đua niêm yết để đón dòng vốn ngoại
Nếu như trước đây nhiều ngân hàng trì hoãn việc niêm yết cổ phiếu do thị trường chứng khoán không mấy thuận lợi, thì nay kế hoạch này đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư