Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Dòng tiền thận trọng
NQS - 19/08/2020 10:12
 
Thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi bị bán mạnh trong phiên giao dịch ngày 24 và 27/7 do dịch bệnh Covid-19 quay trở lại đã dần hồi phục, đến nay lấy lại hầu hết điểm số đã mất.

Mặc dù vậy, sự hồi phục không thực sự thu hút được dòng tiền, khiến thanh khoản ở mức thấp và nhà đầu tư gần đây trở nên thận trọng hơn.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/8, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 850,15 điểm, giảm 0,07% so với phiên liền trước.

Xét yếu tố kỹ thuật, VN-Index đang ở vùng kháng cự 850 - 855 điểm và gần vùng kháng cự của chỉ báo trung bình động 200 ngày (MA200) là 870 - 875 điểm. Chỉ số đứng trước vùng kháng cự mạnh khiến nhiều nhà đầu tư dừng lại quan sát thị trường.

Xét yếu tố cơ bản, mùa báo cáo tài chính quý II/2020 đã kết thúc, thị trường bước vào vùng trũng thông tin. Nếu như mọi năm, sau khi doanh nghiệp công bố báo cáo bán niên thì về cơ bản, nhà đầu tư có thể ước lượng và dự báo được tình hình tài chính cả năm.

Tuy nhiên, năm 2020, việc này trở nên vô cùng khó khăn, đặc biệt khi dịch bệnh quay trở lại có thể tác động sâu rộng hơn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Với kết quả kinh doanh bán niên kém khả quan, khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm của không ít doanh nghiệp là một thách thức lớn. Một bộ phận nhà đầu tư chờ đợi tín hiệu rõ ràng về kết quả kinh doanh quý III mới quyết định xuống tiền.

Chính vì yếu tố khó lường như vậy, giới đầu tư hiện không đánh giá được triển vọng của các doanh nghiệp, nên có tâm lý thận trọng, vừa quan sát, vừa phân tích. Cả yếu tố kỹ thuật lẫn yếu tố cơ bản đang cho thấy thị trường thiếu câu chuyện, thiếu động lực để tăng điểm.

Thị trường cần thêm thời gian để có thông tin mới nên có thể diễn biến đi ngang, nhưng giá các cổ phiếu dự kiến phân hoá mạnh, dựa trên câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp, thay vì tăng giảm gần như đồng đều trong hai đợt sóng liên quan đến Covid-19 thời gian qua.

Theo Công ty Chứng khoán BSC, VN-Index đang thiết lập trạng thái tích lũy tại khu vực 835 - 860 điểm, với các chỉ báo kỹ thuật chưa có sự đồng nhất về xu hướng.

Việc thanh khoản không có sự tăng trưởng đáng kể cho thấy, các nhà giao dịch trên thị trường hiện nay chưa tin tưởng lần tăng giá hiện tại sẽ được duy trì lâu hơn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa hoàn toàn được khống chế, một số ca lây nhiễm mới trong cộng đồng thỉnh thoảng lại xuất hiện.

Không loại trừ khả năng VN-Index sẽ kiểm tra ngưỡng cản 860 điểm, nhưng sự cân bằng trong trạng thái mua bán được nhận định là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.

Mặc dù cẩn trọng với diễn biến ngắn hạn khi VN-Index đang chạm kênh giá giảm từ đỉnh ngày 9/6, nhưng thị trường vẫn luôn có cơ hội, luôn có những doanh nghiệp biết cách vượt qua khó khăn để mang lại thành quả cho các nhà đầu tư cả trong ngắn, trung và dài hạn, nhất là khi mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở vùng thấp nhất trong khu vực.

Nhóm doanh nghiệp có hệ số lợi nhuận trên vốn cổ phần cao nhất như D2D, CSC, BAX, GVT, VCF, DRL, NCT, VCS... là một trong những gợi ý đầu tư.

Theo thống kê, hiện có hơn 200 doanh nghiệp trên cả 3 sàn có ROE tính trong năm tài chính từ tháng 6/2019 đến hết tháng 6/2020 từ 20% đến gần 60%.

Thị trường chứng khoán: Áp lực cắt margin không lớn
BCTC quý II đã lộ diện với bức tranh xám màu của nhiều doanh nghiệp, tạo nên sự e ngại của nhà đầu tư về việc các CTCK cắt giảm hàng loạt cổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư