Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Duy trì xu thế tăng
 
Mặc dù đã trải qua một vài phiên điều chỉnh vào cuối tuần trước và đầu tuần này, nhìn chung thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một tuần giao dịch tích cực khi các chỉ số vẫn giữ được xu thế tăng điểm. Nhóm cổ phiếu blue-chip gồm VNM, FPT, SSI, VCB… vẫn là động lực chính giúp chỉ số duy trì đà tăng.

Tuy nhiên, trong nhóm này cũng có sự phân hóa khá rõ rệt, khiến cho thị trường chỉ biến động trong biên độ hẹp. Chính điều này đã khiến dòng tiền lan tỏa sang nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ để tìm kiếm cơ hội lợi nhuận, đặc biệt là các cổ phiếu mang tính chất đầu cơ như BGM, FLC, TSC, KSH…

Ngoài ra, cổ phiếu REE với thông tin nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ mức 43,7% lên 49% cũng gây được sự chú ý với khối lượng giao dịch tăng cao đột biến kèm theo mức tăng giá khá mạnh từ vùng tích lũy trước đó. Nhóm cổ phiếu xây dựng và bất động sản gồm CTD, FCN, CII, LCG… cũng có mức tăng khá tích cực trong tuần này nhờ một số thông tin hỗ trợ từ kết quả kinh doanh. 

Một điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu bảo hiểm tuần này đã bất ngờ quay trở lại tăng điểm khá mạnh và là một trong những nhóm dẫn dắt chỉ số. Trong đó, cổ phiếu BVH đã tăng trần vào phiên ngày thứ Tư và tạo hiệu ứng tăng giá cho các cổ phiếu bảo hiểm khác như BMI, BIC, PVI…

Ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí sau khi đã tăng giá khá tốt vào tuần trước đã không còn duy trì được mức tăng điểm mạnh mẽ trong tuần này, bất chấp việc giá dầu thế giới tiếp tục cho thấy dấu hiệu hồi phục và hầu như chỉ còn cổ phiếu GAS vẫn còn duy trì được đà tăng tương đối ổn định.

Khối lượng giao dịch tuần này có xu hướng giảm so với tuần trước, thể hiện sự thận trọng của các nhà đầu tư khi chỉ số bắt đầu tiếp cận các ngưỡng kháng cự. Tuy vậy, điểm tích cực là dòng tiền ngoại mua ròng khá mạnh trong tuần này với giá trị 200,58 tỷ đồng trên sàn HOSE và 45,5 tỷ đồng trên sàn HNX.

Trong một diễn biến khác, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã giảm xuống 50,3 điểm trong tháng 2/2016, từ mức 51,5 điểm trong tháng trước. PMI tháng 2/2016 cho thấy hoạt động sản xuất của Việt Nam tiếp tục mở rộng, nhưng với tốc độ yếu hơn. Trong khi đó, hoạt động sản xuất tại các nền kinh tế khác trong khu vực bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia,  Malaysia và Đài Loan tiếp tục thu hẹp thêm trong tháng qua.

Cũng do nền kinh tế tiếp tục cho thấy dấu hiệu suy yếu, Trung Quốc đã quyết định hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thêm 0,5 điểm phần trăm nhằm nâng cao tính thanh khoản trong hệ thống, cũng như đẩy mạnh đầu tư và chi tiêu tiêu dùng.

Thị trường chứng khoán châu Á đã phản ứng khá tích cực với chính sách nới lỏng mới này của Trung Quốc, và sự tích cực của thị trường khu vực cũng phần nào hỗ trợ cho đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần qua.

Dù các tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn cho thấy, xu hướng tăng điểm của thị trường vẫn đang được duy trì, nhưng chúng tôi thấy rằng vận động tăng điểm của VN-Index đã trở nên khó khăn hơn khi chỉ số này tiến sát vùng kháng cự trung hạn 575 - 580 điểm, tạo bởi cặp đường trung bình động MA100 và MA200 ngày. Đây cũng là ranh giới giữa thị trường giá lên (thị trường con bò) và thị trường giá xuống (thị trường con gấu).

Để vượt qua được vùng kháng cự này, chúng tôi cho rằng, thị trường cần có sự tích lũy thanh khoản tốt và không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện một nhịp điều chỉnh từ 3 - 5% từ vùng kháng cự này để VN-Index có được những sự tích lũy cần thiết. Do đó, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc việc chốt lãi tại quanh mức 580 điểm này.

Thị trường chứng khoán: VN-Index tiến dần lên mức cản cứng
Tuần thứ hai sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hai chỉ số chứng khoán tiếp tục giao dịch tích cực khi VN - Index tăng 2,17%, đứng tại 566,11 điểm; trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư