Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Ngóng "hàng hiệu"
 
Từ đầu năm đến nay, cả hai sàn đã chào đón thêm khoảng 30 DN mới niêm yết, riêng trong tháng 9/2015, đã có 5 DN niêm yết mới. Lượng DN mới nhiều, nhưng lại thiếu vắng những tên tuổi lớn.
Vinatex đã hoàn tất đăng ký công ty đại chúng, nhưng kế hoạch lên sàn vẫn đang bỏ ngỏ
Vinatex đã hoàn tất đăng ký công ty đại chúng, nhưng kế hoạch lên sàn vẫn đang bỏ ngỏ

Hàng nhiều, nhưng thiếu tên tuổi lớn

Ngày 22/9 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chào đón 4,2 triệu cổ phiếu PMP của CTCP Bao bì Đạm Phú Mỹ lên niêm yết. PMP là cổ phiếu thứ 5 của ngành phân bón và là đơn vị thành viên thứ 4 của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí giao dịch trên HNX. Trước đó, HNX cũng chào đón CTCP Phân bón và Hóa chất dầu khí Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và miền Trung… Số DN niêm yết mới tại sàn HNX từ đầu năm đến nay là khoảng 20 DN.

Tại Sở GDCK TP. HCM, trong 8 tháng đầu năm, số DN mới chào sàn cũng đạt hơn 10 DN, trong đó có CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT), CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), CTCP Tư vấn thiết kế và phát triển đô thị (CDO), CTCP Hóa chất cơ bản miền Nam (CSV)... Như vậy, tính chung cả hai sàn, trong 9 tháng đầu năm nay, số DN lên niêm yết đã vượt con số niêm yết mới cả năm 2014.

Trong số DN niêm yết mới, NT2 là DN có quy mô lớn nhất, với vốn điều lệ 2.560 tỷ đồng (tương đương 256 triệu cổ phiếu). Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, HOSE chào đón thêm khoảng 5 - 6 DN lên niêm yết, song không có DN nào trong số này có quy mô vốn vượt qua NT2.

Mới đây, CTCP Nafoods Group (NAF) tổ chức roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu NAF. Vốn vốn điều lệ 300 tỷ đồng, dự kiến, 30 triệu cổ phiếu NAF dự kiến sẽ niêm yết trên HOSE vào ngày 28/9. Năm 2015, Nafoods đặt mục tiêu đạt 530 tỷ đồng doanh thu, 47,04 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Mức giá chào sàn dự kiến của cổ phiếu NAF là 23.000 đồng/CP.

Ngày 28/9 tới, Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn sẽ họp ĐHCĐ lần thứ nhất để thành lập CTCP Cảng Sài Gòn. Theo tài liệu Đại hội, Cảng Sài Gòn sẽ đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và gấp rút niêm yết cổ phiếu trên sở GDCK hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM ngay trong quý IV/2015. Cuối tháng 6/2015, Cảng Sài Gòn đã IPO thành công hơn 35,7 triệu cổ phần, tương đương 16,5% vốn điều lệ. Sau cổ phần hóa, Cảng Sài Gòn có vốn điều lệ 2.162 tỷ đồng, trong đó, cổ đông Nhà nước  nắm giữ 64%. 

“Ông lớn” Nhà nước ngó lơ kế hoạch lên sàn

Theo Quyết định 51/2014 ngày 1/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK thì các DN Nhà nước đã cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Quyết định 51 có nêu rõ, những DN Nhà nước thực hiện cổ phần hóa trước khi quyết định này có hiệu lực thì sẽ phải lấy mốc ngày 1/11/2014 và trong vòng 12 tháng tiếp theo phải niêm yết. Với quyết định này, giới đầu tư kỳ vọng sẽ có thêm nhiều “hàng khủng” tham gia TTCK. Thế nhưng, đã gần 1 năm kể từ ngày Quyết định 51 có hiệu lực, nhiều DN Nhà nước vẫn “ngó lơ” nghĩa vụ lên sàn.

Hai cái tên được nhắc nhiều nhất từ trước đến nay là Sabeco và Habeco, khi  cổ phần hóa từ nhiều năm nay nhưng chưa có kế hoạch đưa cổ phiếu lên niêm yết. Hay gần đây nhất là trường hợp Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), khi lãnh đạo tập đoàn này đã công khai phát biểu là sau cổ phần hóa, tối thiểu 3 năm, Vinatex mới thực hiện niêm yết. Dù rằng, Vinatex đã hoàn tất đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), nhưng kế hoạch lên sàn vẫn đang bỏ ngỏ.

Đăng ký niêm yết 264,5 triệu cổ phiếu trên HNX, mới đây, Tổng CTCP Viglacera (Vigalacera) lại quyết định rút hồ sơ niêm yết, chuyển sang đăng ký giao dịch trên UPCoM. Thời gian dự kiến là trong quý IV/2015, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.600 đồng/CP.

Hàng loạt DN ngành giao thông vận tải được cổ phần hóa trong năm 2014, trong đó có Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1), Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Tedi)… dù đã đến hạn đưa cổ phiếu lên giao dịch/niêm yết theo Quyết định 51, nhưng tới nay “vẫn đang cân nhắc thời điểm lên sàn”. Thông tin cụ thể nhất trong nhóm DN này là “khả năng Cienco 1 sẽ đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM vào cuối năm nay”.

Dù đã nộp hồ sơ từ năm 2014 và lên kế hoạch niêm yết trong quý II/2015, nhưng đến nay, Tổng CTCP Thăng Long (TLG) vẫn chưa lên sàn. Lãnh đạo TLG cho biết, Công ty đang cân nhắc về mặt thời điểm. Đại diện một DN của Bộ Giao thông Vận tải là Cienco 4 cũng cho biết, Tổng công ty chưa có ý định lên sàn trong năm 2015, nhưng sẽ cân nhắc ở một thời điểm phù hợp.

Trước đây, nhiều DN từng công bố kế hoạch lên sàn, nhưng đến nay, khá nhiều DN lỡ hẹn với công chúng đầu tư. Công chúng đầu tư vẫn chờ đợi những DN lớn, có thương hiệu lên niêm yết để thêm nhiều sự lựa chọn.

Thêm kỳ vọng đầu tư vào kênh chứng khoán
Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng DN niêm yết mới trên cả hai Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) đều tăng khá so với cùng kỳ....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư