Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Tín hiệu tích cực từ thanh khoản
NQS (Tinnhanhchungkhoan.vn) - 12/02/2020 13:08
 
Thanh khoản trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) tăng trong tháng 1/2020 và trong cả những phiên điểm số sụt giảm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (từ 30/1) là một trong những cơ sở để nhà đầu tư kỳ vọng, mặt bằng giá chứng khoán hiện nay sẽ không quay trở lại giảm sâu trước tác động của dịch cúm do virus Corona.

Yếu tố giúp thanh khoản của thị trường tăng là 2 tháng cuối năm 2019, chỉ số chứng khoán có diễn biến giảm, giá nhiều cổ phiếu tích luỹ ở mặt bằng giá thấp, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Bên cạnh đó, trong tháng 1/2020, khối nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng với giá trị khoảng 1.968 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi bán ròng 5 tháng cuối năm 2019.

Sang tháng 1/2020, nhà đầu tư xuống tiền đầu tư với kỳ vọng tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt trên thị giá ở mức hấp dẫn.

Và trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, tâm lý thị trường lạc quan dự báo về con sóng mới sau Tết, khi các thông tin về kế hoạch kinh doanh năm 2020 dần xuất hiện.

Dự báo có thể diễn ra như thông lệ nhiều năm qua, nếu không có sự bùng nổ của dịch cúm Corona ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh không may mắn đó, có một điểm “hên” cho nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam là mặt bằng giá chứng khoán trước Tết chỉ mới chớm có dấu hiệu khởi sắc trên nền giá thấp và tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính không cao.

Do đó, ngay sau Tết, thị trường giảm điểm mạnh (phiên 30 - 31/1 và 3/2), nhưng các cổ phiếu giảm sàn chủ yếu xảy ra ở các cổ phiếu của doanh nghiệp được coi là thiếu nền tảng cơ bản.

Nhìn vào nhóm cổ phiếu bất động sản chịu tác động tiêu cực có thể thấy sự phân hoá: nhóm cổ phiếu bất động sản cơ bản như KDH, NLG, NTL, TCH giảm giá ít, trong khi nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao như DXG, LDG giảm giá sàn vào những phiên thị trường đỏ lửa.

Với các nhóm khác, những cổ phiếu “nóng” như TNA, VRC lao dốc mạnh; cổ phiếu ngân hàng chỉ điều chỉnh nhẹ rồi tăng trở lại…

Diễn biến này cho thấy, nhà đầu tư đã giữ tài khoản ở trạng thái an toàn trước những dự báo thận trọng về khó khăn của ngành như bất động sản, xuất khẩu thuỷ sản, dệt may, vật liệu xây dựng…

Chỉ có cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền, giúp thị trường lấy lại sắc xanh trong những phiên sau đó, nhưng phiên đầu tuần này (10/2) cũng nhanh chóng điều chỉnh trước áp lực của dịch cúm Corona tác động đến nền kinh tế.

Thanh khoản của thị trường trên sàn HOSE trong nửa đầu tháng 2 đạt bình quân 191 triệu cổ phiếu/phiên, tiếp nối thanh khoản khả quan đạt được trong tháng 1 (189 triệu cổ phiếu/phiên).

Thị trường chứng khoán sẽ diễn tiến ra sao phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dịch cúm Corona ở Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia khác trong thời gian tới.

Tuy nhiên, khi nhìn vào thanh khoản dồi dào hơn kể từ đầu năm 2020 đến nay, có thể kỳ vọng nhà đầu tư đã chấp nhận mặt bằng giá chứng khoán hiện tại cho mục tiêu dài hạn.

Dịch bệnh đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý đầu năm, nhưng khó có thể khiến các doanh nghiệp niêm yết lao đao.

Khó khăn nào rồi cũng sẽ qua đi và những doanh nghiệp có yếu tố nền tảng tốt, đứng vững sau sóng gió, đang là điểm đến của dòng tiền.

Thị trường chứng khoán: Khối ngoại tranh thủ "xả hàng"
Khối ngoại chỉ mua ròng duy nhất trong phiên giao dịch đầu tuần, khi VN-Index giảm điểm mạnh nhất.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư