Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 12 năm 2024,
Thị trường chứng quyền: Thêm mã, có thêm chọn lựa
Quỳnh Lê - 25/12/2019 11:21
 
Giao dịch trên thị trường chứng quyền có bảo đảm (CW) đang ngày một sôi động hơn khi đón nhận thêm nhiều mã chứng quyền mới.

Sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp thuận, ngày 20/12 vừa qua, CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) được phát hành 9 mã chứng quyền dựa trên 9 cổ phiếu cơ sở, bao gồm TCB (Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank), VPB (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank), MBB (Ngân hàng TMCP Quân đội), VRE (CTCP Vincom Retail), GMD (CTCP Gemadept), REE (CTCP Cơ điện lạnh), FPT (CTCP FPT), VMN (CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk), MWG (CTCP Đầu tư Thế giới di động).

Tổng số lượng phát hành là 45 triệu chứng quyền, mỗi mã phát hành 5 triệu chứng quyền kỳ hạn 6 tháng.

Hiện tại, chứng quyền dựa trên cổ phiếu FPT đang có chênh lệch giữa giá hòa vốn và giá cổ phiếu cơ sở ở mức thấp nhất với 14,1%, trong khi mức chênh lệch lớn nhất thuộc về chứng quyền GMD với 19,3%.

Có thể thấy, toàn bộ 9 mã chứng quyền mới phát hành đều là những cổ phiếu lớn, đầu ngành và đang trên đà tăng trưởng tốt.

Đơn cử, MWG đang ghi nhận hiệu quả từ chiến lược đa dạng hóa ngành hàng, số lượng cửa hàng Bách hóa xanh và Điện máy xanh mở mới cũng dự kiến tăng lên…, mang lại kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 tiếp tục duy trì ở mức cao.

Trong khi đó, FPT đã công bố kết quả kinh doanh 11 tháng khả quan khi đã cán đích lợi nhuận trước thuế cả năm, đạt 4.439 tỷ đồng.

REE được dự phóng lợi nhuận sau thuế mảng cho thuê văn phòng đến từ dự án Tòa nhà Etown Central và Etown 5 dự kiến tăng bình quân khoảng 15-17%/năm (giai đoạn 2018 - 2020). Đây cũng là cổ phiếu được các nhà đầu tư nước ngoài ưa thích.

Vào trung tuần tháng 12 (ngày 16/12), CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) đã phát hành 5 mã chứng quyền dựa trên 5 cổ phiếu cơ sở là HDB (Ngân hàng TMCP Phát triển TH.HCM - HDBank), STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank), DPM (Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí - CTCP), ROS (CTCP Xây dựng FLC Faros) và VRE. Với 17 mã chứng quyền đang giao dịch, KIS trở thành công ty chứng khoán phát hành nhiều chứng quyền nhất thị trường.

Tổng lượng phát hành là 35 triệu chứng quyền, riêng 8 triệu chứng quyền VRE có kỳ hạn 9 tháng, các mã còn lại đều có kỳ hạn 6 tháng. Trong đó, HDB được nhận định có nhiều triển vọng trong năm 2020.

Hay với DPM, vừa qua, Công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu dự kiến đạt 9.237 tỷ đồng, tăng 6,8% so với kế hoạch năm 2019, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng gấp 2,5 lần, đạt 433 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 12/12, UBCK cũng đã cấp giấy chứng nhận chào bán chứng quyền có bảo đảm cho CTCP Chứng khoán MB (MBS). Đây là đợt phát hành chứng quyền thứ 5 của công ty chứng khoán này.

Cụ thể, MBS phát hành thêm 5 mã với tổng khối lượng 8,8 triệu chứng quyền dựa trên 5 cổ phiếu cơ sở, bao gồm VHM (CTCP Vinhomes), MSN (CTCP Tập đoàn Mansan), FPT, REE và VRE.

Trong đó, 1,5 triệu chứng quyền VHM, 1,5 triệu chứng quyền VRE và 1 triệu chứng quyền MSN cùng có kỳ hạn 3 tháng, còn lại 2,4 triệu chứng quyền FPT và 2,4 triệu chứng quyền REE có kỳ hạn 6 tháng.

Tính đến hiện tại, có 38 mã chứng quyền đang được giao dịch và 20 mã đã đáo hạn. Trong tháng 12, chỉ có 4 mã đáo hạn, trong đó có 3 mã do CTCP Chứng khoán SSI (SSI) phát hành, bao gồm CFPT1903, CHPG1905, CMWG1904 và CMWG1903 (do HSC phát hành).

SSI nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong xu hướng giảm là cơ hội để nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu/chứng quyền với giá rẻ, bởi với tình hình kinh tế vĩ mô khả quan, khả năng phục hồi của thị trường được đánh giá cao.

Riêng với chứng quyền, SSI khuyến cáo, ngoài yếu tố giá, nhà đầu tư cần chú ý tới những tham số khác như giá thanh toán, ngày đáo hạn, thanh khoản, độ biến động nội hàm…, thậm chí cả những thông tin liên quan tới tổ chức phát hành.

Khoảng 1 tháng qua, nhiều chứng khoán cơ sở biến động mạnh và xu hướng này dự báo sẽ còn duy trì trong thời gian tới.

Với tỷ lệ đòn bẩy cao hơn nhiều so với giao dịch ký quỹ hiện tại, quy mô vốn bỏ ra ban đầu thấp, không phải chịu chi phí lãi vay margin, rủi ro thua lỗ gói gọn trong phần quyền phí bỏ ra ban đầu, CW là công cụ đầu tư phổ biến trên các thị trường chứng khoán phát triển.

Tuy nhiên, chứng quyền có bảo đảm là sản phẩm phái sinh có tính chất phức tạp và không phù hợp với các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.

Trong giai đoạn đầu vận hành tại Việt Nam, CW được nhiều nhà đầu tư cảm nhận là dễ chơi, nhưng cũng dễ mất hết.

Chính thức giao dịch chứng quyền tại HOSE
Ngày 28/6/2019, Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã khai trương giao dịch Chứng quyền có bảo đảm (CW), sản phẩm lần đầu tiên có mặt tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư