Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thị trường điện thoại toàn cầu chịu áp lực suy thoái, xuất khẩu vẫn khó
Thế Hoàng - 03/05/2023 10:07
 
Nửa đầu năm 2023, thị trường điện thoại toàn cầu sẽ vẫn chịu áp lực suy thoái khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp khó, nhu cầu có thể khởi sắc hơn vào những tháng cuối năm.
Cầu tiêu dùng yếu, xuất khẩu điện thoại, linh kiện 4 tháng 2023 đã giãm 17,3% so với cùng kỳ.
Cầu tiêu dùng yếu, xuất khẩu điện thoại, linh kiện 4 tháng 2023 đã giãm 17,3% so với cùng kỳ.

Theo dự báo của Counterpoint Research, trong nửa đầu năm 2023, thị trường điện thoại toàn cầu sẽ vẫn chịu áp lực suy thoái và nhu cầu có thể khởi sắc hơn vào những tháng cuối năm.

Thực tế, nhu cầu giảm mạnh tại nhiều thị trường lớn, trước suy thoái kinh tế đã tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của ngành sản xuất điện thoại, linh kiện tại Việt Nam.

Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, xuất khẩu điện thoại và linh kiện 4 tháng đầu năm 2023 đã giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 17,43 tỷ USD.

Đà giảm xuất khẩu điện thoại đã thấy khá rõ từ những tháng cuối năm ngoái, đơn hàng ít hơn, từ đó khiến kim ngạch xuất khẩu năm qua chỉ tăng chưa đầy 1%.

Cụ thể, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 57,99 tỷ USD, tăng 0,81% so với năm 2021 và chiếm 15,62% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước. Trong đó, kim ngạch của khối doanh nghiệp FDI đạt 57,8 tỷ USD, tăng 1,35% so với năm trước và chiếm 99,67% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng.

Về chủng loại, xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc đạt 33,32 tỷ USD, tăng 0,67% so với năm 2021, trong đó, xuất khẩu điện thoại Samsung đạt trên 31,42 tỷ USD, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc của cả nước.

Xuất khẩu linh kiện, phụ kiện điện thoại đạt trên 24,67 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu các loại linh kiện khác chiếm tỷ trọng chủ yếu với kim ngạch hơn 20 tỷ USD, chiếm 98%, xuất khẩu linh kiện của các hãng Samsung, LG, Asus, Iphone chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Điện thoại, linh kiện sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu sang các thị trường chính là: Trung Quốc, Mỹ, khối EU, Hàn Quốc, UAE, Hồng Kông.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 16,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với 2021, chiếm 28% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng.

Đứng thứ hai là thị trường Mỹ với kim ngạch 11,9 tỷ USD, tăng 22,5%, chiếm 20,5% tổng xuất khẩu. Xuất khẩu sang EU đạt 6,5 tỷ USD, giảm 15,7% so với năm ngoái, chiếm 11,2% tổng xuất khẩu. Xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 5,05 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm 2021.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), năm 2022, điện thoại các loại và linh kiện giữ vững vị trí đầu tiên, là nhóm hàng
chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, năm 2022 là một năm khó khăn của ngành hàng khi kim ngạch nhóm hàng chỉ tăng 0,8% so với năm 2021.

Hoạt động xuất khẩu điện thoại chững lại đã bộc lộ rõ vào những tháng cuối năm khi các đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, bất chấp sự ra mắt của một số sản phẩm smartphone nắp gập cao cấp như Samsung Z Flip 4 và Z Fold 4. Nhu cầu yếu đã tác động đến việc hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu của Samsung - nhà sản xuất, xuất khẩu điện thoại lớn nhất của Việt Nam trong năm qua. Trị giá xuất khẩu của Tập đoàn năm 2022 chỉ hoàn thành 94% kế hoạch.

Số lượng điện thoại sản xuất năm qua ước đạt khoảng 210,5 triệu chiếc, giảm 9,1% so với năm 2021. Trị giá sản xuất linh kiện điện thoại đạt khoảng 663,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2021.

Thị trường điện thoại thông minh - smartphone toàn cầu trong quý I/2023 tiếp tục lao dốc 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý thứ 5 liên tiếp sụt giảm. Điều này đã khiến toàn ngành bán dẫn đang bước vào thời kỳ suy thoái khi các ông lớn như Samsung, Intel báo lỗ hàng tỷ USD trong quý đầu năm 2023.

Sự sụt giảm của thị trường điện thoại thông minh toàn cầu trong quý đầu tiên của năm 2023 nằm trong dự đoán của các chuyên gia trong ngành. Các điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn đã tiếp tục cản trở hoạt động đầu tư và hoạt động của các nhà cung cấp tại nhiều thị trường lớn.

Ngoài ra, nhu cầu suy giảm của người dùng cuối đã gây ra sự biến động lượng hàng tồn kho trong toàn bộ chuỗi cung ứng, với các kênh bán hàng đã giảm lượng hàng tồn kho để đảm bảo hoạt động, qua đó gây ra tác động tiêu cực đến hiệu suất hoạt động của chuỗi cung ứng linh kiện.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư