Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tự điều chỉnh
Mạnh Bôn - 07/12/2022 09:14
 
Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2022 giảm trên 25% so với cùng kỳ năm 2021, ngược lại, khối lượng trái phiếu được mua lại tăng khoảng 50%.

“Đây là giai đoạn thị trường trái phiếu tự điều chỉnh”, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) nhận định.

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương)

Khối lượng TPDN phát hành giảm mạnh qua từng quý, thậm chí trong tháng 10/2022, trị giá phát hành chỉ đạt 5.800 tỷ đồng, không bằng 1/10 quý III/2022. Thưa ông, phải chăng thị trường đang nguội lạnh?

Đúng là khối lượng TPDN năm nay phát hành giảm rất mạnh, giảm qua từng tháng, từng quý, ngược lại, khối lượng trái phiếu được mua lại tăng lên, nhưng nguyên nhân chủ yếu nằm ở lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng liên tục kể từ giữa quý II/2022 trở lại đây đã trở nên hấp dẫn người có tiền nhàn rỗi, trong khi rủi ro gần như bằng không, nên người ta không còn quá mặn mà với kênh đầu tư vào trái phiếu.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, đặc biệt kể từ đầu tháng 10 trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất, cho công nhân nghỉ việc do thiếu đơn hàng, chứ không nằm ở việc phát hành, giao dịch TPDN được siết chặt hơn theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Do gặp khó khăn, doanh nghiệp giảm mạnh nhu cầu huy động vốn qua kênh này, thậm chí còn trả lại vốn đã huy động bằng cách mua lại, tức là thị trường đang tự điều chỉnh đúng theo quy luật cung cầu.

Tất nhiên, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường, sau một thời gian áp dụng, nếu những quy định nào chưa thực sự phù hợp thì phải sửa đổi, bổ sung. Quan điểm của tôi là, các quy định liên quan đến phát hành, giao dịch TPDN phải bảo vệ nhà đầu tư, đồng thời TPDN phải thực sự trở thành kênh dẫn vốn, kênh đầu tư có vai trò trong hoạt động kinh tế, đặc biệt, tuyệt đối không gây ra tiềm ẩn đổ vỡ, làm đình trệ thị trường TPDN.

Sau vụ việc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, ông có nghĩ rằng, nhà đầu tư sẽ e ngại khi đầu tư vào TPDN?

So với thế giới, thị trường TPDN của Việt Nam còn rất non trẻ, đang định hình, hệ thống pháp luật bảo vệ nhà đầu tư chưa chặt chẽ, trong khi tuyệt đại đa số nhà đầu tư không có bất cứ thông tin gì về đơn vị phát hành, không quan tâm đến mức độ rủi ro khi mua trái phiếu, trong đó có rất nhiều người hầu như không có sự hiểu biết gì về kênh đầu tư hoàn toàn xa lạ này, nên để xảy ra vụ việc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát là điều đáng tiếc. Nhưng trên thế giới, các thị trường TPDN non trẻ để xảy ra những vụ việc lừa đảo nhà đầu tư diễn ra không hiếm.

Cách thức gian lận của những doanh nghiệp cố tình gian dối cũng không khó phát hiện. Cụ thể, công ty mẹ thiếu vốn, hoạt động yếu kém, thay vì cơ cấu lại hoạt động, thì họ thành lập hàng loạt công ty con. Công ty con lấy cổ phiếu của công ty mẹ đứng ra làm tài sản bảo đảm để phát hành trái phiếu, nhưng tiền thu về không phải công ty con sử dụng, mà công ty mẹ sử dụng, vì vậy, toàn bộ nợ xấu của công ty mẹ được làm sạch nên tình hình tài chính của công ty mẹ càng ngày càng đẹp.

Công ty con càng phát hành nhiều thì tình hình tài chính trên sổ sách kế toán của công ty mẹ càng được làm đẹp, cổ phiếu của công ty mẹ càng ngày càng tăng, cổ phiếu làm tài sản bảo đảm càng có giá trị và càng tăng niềm tin cho nhà đầu tư. Nhưng đây chỉ là niềm tin giả tạo và bất cứ lúc nào giá trị khoản đầu tư sẽ bằng không nếu công ty mẹ hoạt động không hiệu quả, cổ phiếu mất giá...

Để tránh tình trạng xảy ra như đối với Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, thì phải bịt được kẽ hở này.

Sau sự việc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, nhiều nhà đầu tư đã yêu cầu ngân hàng môi giới mua lại trái phiếu. Thưa ông, hành vi này liệu có đúng pháp luật?

Thời điểm thị trường TPDN phát triển quá nóng do người dân có nhu cầu đầu tư lớn, doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn cao, TPDN rất hợp khẩu vị của cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư, hai bên gặp nhau nên phát triển nhanh, thậm chí quá nóng.

Nhưng rất nhiều nhà đầu tư cá nhân chỉ là những người có tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng, mặc dù không hiểu gì về TPDN cũng như đơn vị phát hành, chỉ biết đơn vị đứng ra phát hành hộ là ngân hàng thương mại và nhầm tưởng đứng đằng sau doanh nghiệp phát hành là ngân hàng. Trong khi trên thực tế, ngân hàng chỉ là đơn vị môi giới, phát hành hộ, không phải là đơn vị đứng ra bảo lãnh thanh toán như nhân viên môi giới của ngân hàng tư vấn.

Lợi nhuận từ hoạt động môi giới vô cùng lớn, nếu doanh nghiệp phải trả 16-18% lãi suất, thì nhà đầu tư chỉ được 12-14%, phần còn lại là ngân hàng đứng ra môi giới hưởng, trong khi họ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì. Tuy nhiên, hoạt động này hiện nay không vi phạm pháp luật nên không thể bắt ngân hàng mua lại trái phiếu đã môi giới.

Thế còn việc nhà đầu tư kiến nghị Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp phải trả lại tiền mua trái phiếu thì sao?

Cũng tương tự, nhà đầu tư không thể yêu cầu Bộ Tài chính bắt buộc doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu, vì lỗi do nhà đầu tư khi mua trái phiếu không đọc kỹ, tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp phát hành.

Trong trường hợp này, như khuyến cáo của Bộ Tài chính, khi doanh nghiệp phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành. Nhà đầu tư cần phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt.

Ngân hàng môi giới trái phiếu được lợi, nhưng trách nhiệm lại bằng không nếu rủi ro xảy ra. Như vậy là không công bằng, thưa ông?

Vấn đề là Việt Nam chưa có quy định tách bạch giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại như các nước trên thế giới. Phải tách bạch ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại, nếu ngân hàng thương mại tham gia hoạt động đầu tư thì phải có trách nhiệm gì, phải đặt ra “bức tường lửa”, phân định rạch ròi giữa hoạt động đầu tư và hoạt động tín dụng để bảo vệ nhà đầu tư.

Nhà đầu tư cá nhân khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ cần yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành. Nhà đầu tư cần đọc, hiểu và nắm rõ các quy định này tại văn kiện trái phiếu và các bản công bố thông tin của doanh nghiệp. Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ.

Việc ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của nhà đầu tư.

SCB triển khai điểm tiếp nhận khách hàng liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp
Từ ngày 18/11, SCB triển khai địa điểm đón tiếp khách hàng để tiếp nhận thông tin liên quan đến việc mua/bán trái phiếu doanh nghiệp, từ 08h00 -...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư