Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Thị trường trái phiếu Việt Nam tăng nhanh nhất Đông Á
Hàn Tín - 20/03/2014 12:05
 
Khối lượng lớn trái phiếu do Chính phủ Việt Nam phát hành đã khiến thị trường này có mức tăng trưởng theo quý lớn nhất trong số các thị trường Đông Á mới nổi, tăng 14,8% lên 29 tỷ USD. >>> >>> >>> >>>

Báo cáo theo dõi thị trường trái phiếu châu Á vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố tiếp tục xếp Việt Nam (cùng với Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Philippines và Thái Lan) vào nhóm các nền kinh tế Đông Á mới nổi.

Tổng khối lượng trái phiếu chính phủ hiện chiếm 11,26% GDP
Tổng khối lượng trái phiếu chính phủ hiện chiếm 11,26% GDP

Bản báo cáo của ADB nhận định, các thị trường trái phiếu trong khu vực Đông Á vẫn tiếp tục mở rộng về quy mô.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2013, khu vực này có 7.400 tỷ USD trái phiếu chưa thanh toán, tăng 2,4% so với cuối tháng 9/2013 và tăng 11,7% so với cuối năm 2012.

“Thị trường trái phiếu Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất theo quý, tăng 14,8%. Trong khi đó, thị trường trái phiếu Indonesia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất theo năm, tăng hơn 20%”, báo cáo của ADB cho biết.

“Tại Việt Nam, khối lượng lớn trái phiếu chính phủ được phát hành đã khiến thị trường này có mức tăng trưởng theo quý lớn nhất trong số các thị trường Đông Á mới nổi, tăng 14,8% lên 29 tỷ USD, mức cao kỷ lục đối với quốc gia này. Thị trường trái phiếu chính phủ tăng 15,4% trong quý lên mức 28 tỷ USD, trong khi đó thị trường trái phiếu công ty giảm 6,8% trong quý xuống còn 700 triệu USD, mức thấp nhất trong vòng 4 năm. Tuy nhiên, quy mô thực tế của thị trường trái phiếu công ty có thể lớn hơn con số này vì một số trái phiếu được phát hành thông qua những giao dịch riêng giữa các doanh nghiệp và ngân hàng”, ADB nhận định.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến cuối năm 2013, tổng khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu doanh nghiệp (trái phiếu công ty) của Việt Nam đạt 271.335 tỷ đồng, bằng 7,35% GDP, nâng tổng quy mô của thị trường trái phiếu lên mức tương đương 19% GDP thay vì 16,59% GDP của năm 2012 và 17,12% GDP của năm 2011.

Cũng theo bà Hiền, năm 2013, khối lượng trái phiếu chính phát hành đạt mức kỷ lục với 181.093 tỷ đồng, tăng rất mạnh so với năm 2012 (141.340 tỷ đồng), năm 2011 (80.704 tỷ đồng), năm 2010 (68.292 tỷ đồng). Năm 2013, mặc dù chỉ phát hành được 34.312 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, nhưng đây cũng là năm khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp cao nhất kể từ năm 2010 (năm 2010 phát hành 30.000 tỷ đồng, năm 2011 phát hành 25.000 tỷ đồng và năm 2012 phát hành 28.707 tỷ đồng).

Dẫn lời ông Iwan J. Azis, Trưởng Ban Hội nhập Kinh tế Khu vực của ADB, báo cáo của ADB nhận định, cho tới thời điểm này, các số liệu kinh tế tốt, lợi tức hấp dẫn và sự hồi phục của một số đồng tiền cho thấy châu Á vẫn là nơi tốt nhất để đầu tư, nhưng nguy cơ tác động dây chuyền cũng cao hơn so với trước đây.

Để tránh bị cuốn theo tình trạng rối loạn chung của thị trường mới nổi do tác động của khủng hoảng từ một hoặc hai nền kinh tế, các chính phủ ở châu Á cần thực thi cải cách cơ cấu để củng cố sự vững vàng của các nền kinh tế và thúc đẩy năng suất tăng trưởng.

“Nguy cơ chịu tác động dây chuyền cao nhất đối với các quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và dự trữ ngoại hối thấp, trong khi có nợ bằng đồng ngoại tệ ở mức cao sẽ dễ chịu tác động nhất nếu các đồng tiền này giảm giá”, báo cáo của ADB viết.

Điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ phải ở tầm nghệ thuật
Thống đốc Nguyễn Văn Bình vừa trở thành người đứng đầu ngành ngân hàng đầu tiên tham dự hội nghị tổng kết của ngành tài chính, mà như...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư