Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
Thiên Tân Group và sự phát triển bền vững thuỷ điện miền Trung
Tân Ngọc - 31/08/2015 10:04
 
Thuỷ điện đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Tuy vậy, để hài hoà giữa lợi ích kinh tế và lợi ích dân sinh - xã hội thì không phải đơn vị nào đầu tư vào lĩnh vực thuỷ điện cũng biết cách giải quyết. Trải qua bỡ ngỡ ban đầu, Công ty cổ phần Thiên Tân (Thiên Tân Group) đã tìm ra được lời giải cho bài toán khó này.
Thiên Tân Group khởi công Dự án Nhà máy điện mặt trời tại Quảng Ngãi, công suất 19,2 MW
Thiên Tân Group khởi công Dự án Nhà máy điện mặt trời tại Quảng Ngãi, công suất 19,2 MW

 

Những dấu ấn lớn

Thiên Tân Group được thành lập từ năm 2000 dưới hình thức Công ty TNHH và đến năm 2004, Công ty đã chuyển đổi thành Công ty cổ phần Thiên Tân. Thiên Tân là đơn vị chuyên về các lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, dân dụng, công nghiệp; Xây dựng công trình thủy điện vừa và nhỏ; Sản xuất kinh doanh điện; Đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp vừa và nhỏ; Đầu tư kinh doanh bất động sản… Sau 15 năm hoạt động, hiện nay Thiên Tân Group đã có 4 công ty thành viên: Công ty TNHH MTV Thuỷ điện Thiên Tân, Công ty TNHH MTV B.O.T Thiên Tân, Công ty cổ phần Thủy điện Thiên Tân, Công ty TNHH B.O.T Thiên Tân - Thành An.

Khởi đầu với số vốn chỉ 2,5 tỷ đồng, chỉ sau gần 15 năm, tổng vốn chủ sở hữu của Thiên Tân Group đã đạt mức 3.000 tỷ đồng; theo kế hoạch trong năm tới, nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty sẽ đạt trên 5.000 tỷ đồng.

Các công trình lớn của Thiên Tân đã thực hiện và để lại dấu ấn có thể kể đến như: Dự án Nhà máy Thủy điện Hà Nang (mức đầu tư 350 tỷ đồng); Dự án Khu biệt thự và Khu dân cư Thiên Tân - Dung Quất - Quảng Ngãi (mức đầu tư 200 tỷ đồng); Dự án Tuyến tránh quốc lộ 1A (mức đầu tư 650 tỷ đồng); BOT mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi (2.140 tỷ đồng)… Hiện nay, đối với tất cả các dự án, Thiên Tân đều áp dụng quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008.

Không chỉ đầu tư vào các công trình hạ tầng xây dựng, Thiên Tân Group còn mạnh dạn đầu tư thực hiện những dự án sản xuất thuỷ điện và quang điện mặt trời. Về thuỷ điện có Dự án Thuỷ điện Hà Nang đã đưa vào hoạt động, Dự án Thuỷ điện Đakre (khoảng 60 MW, vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2017 sẽ hoàn thành). Về quang điện mặt trời, Thiên Tân Group đang thực hiện 2 dự án lớn xây dựng nhà máy quang điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận (4.000 tỷ đồng) và Quảng Ngãi (900 tỷ đồng).

Dự án Thuỷ điện Hà Nang nằm tại thôn 5 (xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi), khởi công tháng 4/2008 và hoàn thành vào ngày 17/9/2010. Dự án có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng. Đây là dự án nằm ngoài quy hoạch của ngành điện, được Thiên Tân thực hiện. Sau nhiều năm vận hành và đi vào hoạt động, Nhà máy Thủy điện Hà Nang đã được xếp trong top 10 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ hiệu quả nhất Việt Nam, với sản lượng điện hàng năm 70 triệu KWh.

Về Dự án Thuỷ điện Đăk Re, ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch HĐQT Thiên Tân Group cho biết, đây là công trình thủy điện thứ hai được đơn vị đầu tư, nhưng nó lớn hơn nhiều so với thủy điện Hà Nang. Thuỷ điện Đăk Re nằm ở địa phận hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi, thủy điện được thiết kế có công suất 60 MW, tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng, dự kiến năm 2017 thì hoàn thành.

Rút kinh nghiệm từ những điều chưa làm được ở dự án trước, dự án Thuỷ điện Đăk Re đã được Ban lãnh đạo Thiên Tân Group cẩn trọng tính toán rất nhiều yếu tố, nhằm bảo vệ sinh thái và bảo đảm đời sống dân sinh cho người dân trong vùng ảnh hưởng. “Trước đây làm thuỷ điện Hà Nang, chỉ có 11 MW thôi, nhưng ảnh hưởng tới đời sống bà con cũng nhiều, phải di dời dân nhiều. Lúc làm thuỷ điện đó, chúng tôi đã tính toán để nước vô bao nhiêu thì chảy ra bấy nhiêu, nên đã hạn chế được lũ. Nhưng mà chưa tính toán hết về ảnh hưởng dân sinh. Khi làm thuỷ điện Đăk Re, rút kinh nghiệm, nên dự án đã không làm ảnh hưởng đến người dân, không phải di dời dân”, ông Lập bộc bạch.

Với những cố gắng không ngừng nghỉ và sản phẩm cụ thể là những công trình chất lượng được đánh giá cao, Công ty cổ phần Thiên Tân đã được bình chọn là Thương hiệu Việt uy tín năm 2011 và Giải thưởng chất lượng Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Ông Huỳnh Kim Lập cũng vinh dự được trao danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc và Huân chương Lao động hạng Ba.

Chìa khoá đảm bảo cho sự phát triển bền vững

Hiện nay, nhiều thuỷ điện đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và xã hội, khiến nhiều người có cái nhìn thiếu thiện cảm với ngành thuỷ điện. Chia sẻ về điều này, ông Lập cho rằng, điều đó là có thật, tuy nhiên nó nằm trong số ít những đơn vị đã đặt nặng về lợi nhuận kinh doanh. Ông Lập nhận định, việc làm tiêu cực đó của một số doanh nghiệp sẽ tạo ra những trở ngại rất lớn cho sự phát triển về sau của chính họ.

“Thuỷ điện mang lại hiệu quả vẫn nhiều hơn hậu quả. Tính trên toàn quốc, các thuỷ điện to nhỏ có gần cần ngàn cái, nhưng những cái gây sự cố chưa đến 2 - 3%. Những cái gây ra hậu quả chủ yếu là do nhà đầu tư không công tâm, họ thiếu trách nhiệm, họ thiên về kinh doanh lợi nhuận hơn về dân sinh nên chính cái đó mới dẫn đến hậu quả”, ông Lập nói.

Theo ông Lập, giờ đây do tác động của biến đổi khí hậu, thiên nhiên và môi trường không còn hiền hoà như trước, bởi thế khi xây dựng các dự án thuỷ điện, nhà đầu tư cần có những tính toán cẩn trọng để ứng phó với những tác động của thiên nhiên. Trước hết phải giảm thiểu tối đa việc ảnh hưởng đến rừng, đến môi trường, dân sinh bằng cách thực hiện các biện pháp kỹ thuật như giảm cao trình nước xuống hoặc làm rộng lòng hồ ra. “Ví dụ nếu rừng ở đó ít thì mình nâng cao trình lên, còn nhiều thì mình phải giảm cao trình xuống. Nói chung mình phải gắn lợi ích của mình với lợi ích cộng đồng, có làm như vậy thì mình mới phát triển bền vững được. Điều đó là bắt buộc. Vì hiện nay, những tổ chức tài chính họ nhìn vào thấy dự án có ảnh hưởng đến môi trường là dứt khoát họ không đầu tư vào, không cho vay vốn”, ông Lập cho biết.

Nói thêm về 2 dự án lớn  xây dựng nhà máy quang điện mặt trời sắp sửa thực hiện tại tỉnh Ninh Thuận và Quảng Ngãi, ông Huỳnh Kim Lập chia sẻ, việc đầu tư xây dựng nhà máy quang điện hiện nay còn khá mới mẻ ở Việt Nam, tuy nhiên nếu được đặt ở vị trí địa lý thích hợp thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả. “Điện mặt trời phải đặt ở những vùng đất không sản xuất được, đất sa mạc hoá. Còn về thuỷ điện hay điện mặt trời có hiệu quả hơn thì phải tuỳ vào thái độ và cách ứng xử của nhà đầu tư đối với công trình. Nói chung mỗi cái có lợi thế riêng và mình phải biết sử dụng lợi thế đó sao cho hài hoà”.

Thanh Hóa có 14 dự án thủy điện nằm trong quy hoạch
Ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Sở Công thương Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 14 dự án thủy điện nằm trong hai quy hoạch đó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư