Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thiếu động lực từ khối ngoại, VN-Index giằng co trong phiên ngày 14/12
Thanh Long - 14/12/2022 17:09
 
VN-Index biến động giằng co trước sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Khối ngoại giao dịch không còn quá tích cực như ở các phiên trước mà chỉ mua ròng nhẹ.

Tiếp nối đà hưng phấn của thị trường ở phiên trước đó cùng với tin tốt về lạm phát của Mỹ và kỳ vọng bước tăng lãi suất lần này của Fed chậm lại, thị trường trong khoảng thời gian đầu của phiên giao dịch ngày 14/12 trong sắc xanh khi hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu tiếp tục giao dịch tích cực.

Dù vậy, dòng tiền không được cải thiện so với các phiên trước nên thị trường nhanh chóng yếu đi và các chỉ số biến động hẹp quanh mốc tham chiếu. Có thời điểm VN-Index bị lùi xuống dưới mốc tham chiếu, trong khi VN30-Index và HNX-Index kết phiên trong sắc đỏ. Biến động của VN-Index khá tương đồng với chỉ số Dow Jones của Mỹ trong phiên hôm qua.

Tương tự như các phiên trước, giao dịch vẫn tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu tài chính gồm ngân hàng và chứng khoán. Trong nhóm VN30, các mã tăng mạnh nhất thuộc về GVR, STB, GAS, NVL hay HPG. GVR tăng đến 3,3% và đóng góp 0,5 điểm đến VN-Index. Bên cạnh đó, STB tiếp tục bứt phá và tăng 3,1% và đóng góp 0,33 điểm cho chỉ số này. Động lực tăng của STB tiếp tục đến từ khối ngoại khi được mua ròng hơn 48 tỷ đồng. Tương tự, NVL cũng là một cái tên đáng chú ý khi tăng mạnh 1,6% và được khối ngoại mua ròng 51 tỷ đồng.

Cổ phiếu EIB dù không nằm trong VN30 nhưng là mã có tác động tích cực thứ 3 đến VN-Index. Ở phiên này, EIB tăng 6,7%. Trước đó, EIB đã có 4 phiên tăng trần liên tiếp.

Sự phân hóa diễn ra khá mạnh ở phiên này và gây nên trạng thái giằng co mạnh ở các chỉ số. Khác với các phiên trước, áp lực vào cuối phiên bất ngờ dâng cao và đẩy nhiều cổ phiếu đáng chú ý xuống dưới mốc tham chiếu. Trong đó, SSI giảm 1,5% xuống mức thấp nhất phiên 20.100 đồng/cổ phiếu. LPB giảm 1,5%, VIC giảm 1,3%, MSN giảm 1%... Chính điều này gây áp lực lớn lên đường đi của các chỉ số. VIC lấy đi của VN-Index 0,77 điểm, MSN cũng khiến chỉ số này mất 0,36 điểm.

Bên cạnh đó, các mã xây dựng có sự điều chỉnh mạnh trở lại, HBC giảm 3,9%, VCG giảm 2,6%, cùng với đó là áp lực đến từ nhiều mã bất động sản như DIG, PDR, CEO…

Nhóm cổ phiếu gây bất ngờ cho nhà đầu tư là các mã dầu khí trong đó, BSR tăng mạnh đến 5%, PVB tăng 4,9%, PVD tăng 4,1%, PVC tăng 3,1%, PVS tăng 2,6%... Nhóm cổ phiếu thép có thời điểm ghi nhận nhiều mã bứt phá mạnh nhưng sau đó áp lực quá lớn khiến đà hưng phấn bị giảm đi. HSG có thời điểm tăng mạnh lên 13.200 đồng/cp nhưng sau đó kết phiên giảm nhẹ xuống 12.650 đồng/cp. NKG cũng kết phiên ở mốc tham chiếu.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,98 điểm (0,28%) lên 1.050,43 điểm. Toàn sàn có 252 mã tăng, 161 mã giảm và 78 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,18%) xuống 213,21 điểm. Toàn sàn có 116 mã tăng, 61 mã giảm và 44 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (0,38%) lên 72,11 điểm.

Thanh khoản thị trường phiên hôm nay tiếp tục giảm và thấp hơn trung bình 10 phiên. Ở sàn HoSE, khối lượng giao dịch đạt 792 triệu cổ phiếu, trị giá 13,7 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch sàn HNX ở mức gần 94 triệu cổ phiếu, trị giá 1.300 tỷ đồng.

Điểm nhấn của thị trường vẫn là giao dịch khối ngoại. Khác với các phiên trước, lực đẩy từ khối ngoại không còn quá lớn như các phiên trước, dòng vốn này chỉ mua ròng khoảng 27 tỷ đồng. Có nhiều thời điểm trong phiên, khối ngoại đảo chiều bán ròng. Các mã được mua ròng mạnh phiên hôm nay có VHM (78 tỷ đồng), NVL (51 tỷ đồng), HCM (50 tỷ đồng), STB (48 tỷ đồng). Trong khi đó, VNM bị bán ròng mạnh nhất với 124 tỷ đồng. HPG cũng bị bán ròng 46 tỷ đồng.

Sự thận trọng của cả nhà đầu tư nội và ngoại trong phiên hôm nay có thể do tâm lý chờ đợi kết quả tăng lãi suất của Fed cũng như phiên ngày mai là thời điểm đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 12, cùng với đó, phiên thứ Sáu sẽ là khoảng thời gian hai quỹ ETF ngoại thực hiện hoàn thành cơ cấu danh mục đầu tư kỳ quý IV/2022.

Góc nhìn TTCK 12-16/12: Dòng tiền có thể luân chuyển sang nhóm vốn hoá vừa và nhỏ
Agriseco Research nghiêng về kịch bản thị trường sẽ biến động giằng co trong biên độ 1.020 – 1.080 và dòng tiền luân chuyển sang các nhóm vốn hóa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư